Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP.HCM: Chưa thấy căn cứ pháp lý để công nhận, quản lý 'hiệp sĩ đường phố'

16/05/2018 - 11:30

PNO - Có quy chuẩn, quy chế, ta sẽ lựa chọn được con người, đâu phải ai muốn làm “hiệp sĩ” cũng được. Ít ra, cũng phải có quy chuẩn về mặt sức khỏe, đạo đức, tư chất.

Mô hình “hiệp sĩ đường phố” đã có tại TP.HCM từ lâu. Từ khoảng 10 năm trước, thành phố đã có mô hình của anh Nguyễn Văn Minh Tiến. Khi dự hội nghị tại Bình Dương, tôi cũng biết mô hình câu lạc bộ phòng, chống tội phạm ở đây. Nhưng coi lại hết các quy định hiện hành, tôi thấy chưa có quy định nào về mô hình “hiệp sĩ đường phố”. Công an TP.HCM chưa tìm thấy căn cứ pháp lý để công nhận, quản lý mô hình “hiệp sĩ đường phố”.

Thieu tuong Phan Anh Minh - Pho giam doc Cong an TP.HCM: Chua thay can cu phap ly de cong nhan, quan ly 'hiep si duong pho'
Thiếu tướng Phan Anh Minh trao đổi về mô hình “hiệp sĩ đường phố”

Chúng tôi cũng đã nghiên cứu, kiến nghị có quy định về mô hình này, bởi “hiệp sĩ đường phố” làm việc nghĩa, nhưng người trong cuộc có thể bị mất mát, hy sinh nên cần được quản lý, cần được công nhận và bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật để biết những gì được làm, không được làm. Không phải trong trường hợp nào, “hiệp sĩ” cũng được bắt giữ người. Ngoài ra, có quy chuẩn, quy chế, ta sẽ lựa chọn được con người, đâu phải ai muốn làm “hiệp sĩ” cũng được. Ít ra, cũng phải có quy chuẩn về mặt sức khỏe, đạo đức, tư chất.

Trong vụ việc vừa qua, một phần do chúng ta chưa “chuẩn hóa” nên nhóm “hiệp sĩ” không lường trước được sự nguy hiểm của các đối tượng khi bị truy bắt nên xảy ra hậu quả đáng tiếc. Đây là bài học để chúng ta tiếp tục hoàn chỉnh, có những quy chế. Trong cuộc đấu tranh, dù không thể loại trừ được hết nhưng phải hạn chế tối đa mất mát.

Tôi xin nhắc lại rằng, “hiệp sĩ đường phố” cần được bồi dưỡng để trước hết hiểu mình được phép làm gì và được trang bị gì. Hiện nay, có bất cập là các “hiệp sĩ đường phố” hay thành viên các câu lạc bộ phòng, chống tội phạm cũng cần tự vệ, nhưng nếu họ sử dụng công cụ hỗ trợ thì lại phạm luật, bị xử phạt. Để giải quyết được các vấn đề trên, ta cần có quy chế cho mô hình “hiệp sĩ đường phố”.

Hiện nay, Công an TP.HCM có biết về các nhóm “hiệp sĩ đường phố” nhưng không nắm hết, vì chúng ta chưa có quy chế rõ ràng, chưa có xét duyệt, các nhóm rất biến động. Nhưng phải nhìn nhận rằng, công an các địa phương và cơ quan điều tra đã tiếp nhận không ít đối tượng do “hiệp sĩ đường phố” bắt được. Mà thật ra, cũng khó phân định một nhóm “hiệp sĩ” có hoạt động ổn định hay không và việc bắt giữ đó là do tổ chức hay không phải tổ chức.

Tôi đã từng trao đổi với Ban giám đốc Công an TP.HCM rằng, nếu không có bồi dưỡng, quản lý thì mô hình “hiệp sĩ đường phố” có nguy cơ lệch lạc rất lớn. Trước đây, đã từng có mô hình tương tự nhưng sau đó cũng lụi tàn. Nhiệm vụ đặt ra là, có mô hình “hiệp sĩ đường phố” rồi, chúng ta phải vun đắp nó, xây dựng nó. Bản thân tôi muốn có mô hình câu lạc bộ phòng, chống tội phạm hay “hiệp sĩ đường phố” hoạt động chính thức, ổn định và lâu dài. Đừng để nó rơi vào cảnh “sáng lập, tối tàn”.

Sơn Vinh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI