Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy là một trong những “người anh cả”, chỗ dựa tinh thần thép của những người lính mà tuổi đời còn rất trẻ, đang chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang. Ông đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, vẻ rắn rỏi, cương nghị, quắc thước trên gương mặt đã đanh lại như một mặt đe sắt được luyện qua lò lửa là ba cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ, và giặc Tàu giai đoạn 1979 – 1989.
|
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, tham mưu trưởng, chỉ huy chiến dịch tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) giai đoạn 1985 - 1989 |
Trong căn phòng ấm áp của một chung cư ở Hà Nội, vị tướng già cắt nghĩa, vì sao mặt trận Vị Xuyên lại khốc liệt so với cuộc chiến tranh bảo vệ vùng biên giới tại 6 tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 1979 – 1989.
Người đi qua ba cuộc chiến
Quê gốc tỉnh Hưng Yên, tham gia quân đội từ năm 1948, trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ kết thúc, năm 1981, tướng Nguyễn Đức Huy được điều về Quân khu Thủ đô làm Phó Tham mưu trưởng.
Bước sang năm 1985, tình hình chiến trận tại mặt trận biên giới phía Bắc ngày càng ác liệt, cam go. Tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), trận chiến ngày 12/7/1984 khiến lực lượng của ta tổn thất tương đối lớn chỉ trong một buổi sáng, điểm cao 468 bị san phẳng thành bình địa; những mỏm núi bị đạn pháo nã xuống, nung đỏ chuyển thành vôi... “Lò vôi thế kỷ” – cụm từ chỉ sự khốc liệt tại đây được ra đời.
Trước tình hình đó, mặt trận đòi hỏi tăng cường một cán bộ đã có kinh nghiệm chiến đấu để chỉ huy thế trận. Tướng Nguyễn Đức Huy lại một lần nữa khoác ba lô lên chiến trường.
“Tôi nhận được lệnh của Đại tướng Hoàng Văn Thái - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tăng cường cho mặt trận Hà Giang. Lên đó, tôi được trực tiếp ở Quân khu 2, nơi đây có hai sở chỉ huy, tại Yên Bái, và tiền phương chỉ huy trực tiếp chiến đấu là ở thị xã Hà Giang.
|
Bộ đội trên chiến trường Vị Xuyên |
Lên thì rất mừng, lúc bấy giờ anh Nguyễn Hữu An, phó tư lệnh tham mưu trưởng Quân khu 2 từng tham gia ở Dinh Độc Lập, tôi thì nằm trong quân đoàn đó nên thầy trò gặp nhau rất hiểu nhau. Sau 1 ngày nghỉ ngơi, anh giới thiệu tình hình và giao nhiệm vụ chỉ huy tham mưu. Anh An nói, tình hình mặt trận hiện rất khó khăn, tư tưởng chiến sĩ bi quan, cho rằng địch đánh thì mất, ta phản kích lại cũng không giữ được”.
Phó tư lệnh tham mưu trưởng Quân khu 2 Nguyễn Hữu An, đề xuất phải chọn một điểm thích hợp, đánh được, giữ được để củng cố tinh thần cho anh em. Sau một hồi bàn tính, đi đến quyết định tổ chức chiến dịch A6B tại đồi Đài, gần cao điểm 400. Nơi đây là điểm phòng ngự bằng núi đá của địch nhưng tương đối thuận lợi cho ta, từ A6B sang điểm của địch chỉ khoảng 200m... trước nay ta đánh được nhưng không giữ được điểm này, vì núi đá phức tạp, đánh theo cách cổ điển: pháo, bộc phá, xung phong.
“Lần này chọn mục tiêu vừa phải, chọn một đại đội, tại đó Trung Quốc có một trung đội. Đánh xong có thể đưa lực lượng tăng cường, vật liệu làm công xưởng có thể đưa lên, tiếp tế ngay được, tăng cường vũ khí đạn dược và người.
Tiếp theo, ta chọn địa hình tương đối giống điểm A6B, đưa quân xuống huấn luyện, từ leo trèo, bám đá, ném lựu đạn vào hang, sung tiểu lên trung liên thế nào để đánh địch, huấn luyện 20 ngày thì anh em thuần thục, vấn đề khó là làm sao huấn luyện mà không lộ bí mật”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể.
Chủ trương lần này là đánh bí mật, nhưng để đảm bảo nghi binh địch, ta sử dụng pháo binh của mặt trận sư đoàn bắn vào tất cả các điểm, để địch không biết.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ lại: “5g sáng, trời mù, chúng ta chính thức ra lệnh nổ súng, anh em nhảy được vào các điểm địch chốt giữ, lựu đạn, nổ pháo, B40, B41 nổ, 30 phút sau ta chiếm được cao điểm này. Riêng đường hầm số 7 chống trả quyết liệt, chúng ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch. Đây là trận thắng lợi hoàn toàn với số thương vong rất ít”.
Trận chiến này như một bản lề có tính chất quyết định để thay đổi cục diện. Từ đó cho đến năm 1989 – thời điểm chiến tranh kết thúc, thế trận được giữ ở mức độ giằng co, ít có nổ súng...
Vì sao mặt trận Vị Xuyên khốc liệt?
Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, Vị Xuyên là mặt trận khốc liệt nhất so với các mặt trận khác. Thứ nhất, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra trên toàn bộ 6 tỉnh phía Bắc nhưng lần này chúng chỉ tập trung tại huyện Vị Xuyên, kéo dài dọc 20 km và chiều sâu 5km. Trên chiến trường, cả ta và địch luôn ở thế trận giằng co, xen kẽ, cài răng lược, ta và địch cứ đánh đi diệt lại liên tục, một ngày có thể đánh nhau hai-ba lần, ta bám chặt thắt lưng địch mà đánh.
Thứ hai, lấy làng Pinh làm cột mốc. Từ làng Pinh trở về thị xã Hà Giang là cuộc sống bình thường, không có tiếng súng, hòa bình. Từng làng Pinh trở lên mới có chiến tranh giáp biên giới. Các chiến trường khác không như thế.
Năm năm trời (từ 1984 – 1989), địch không xuống sâu vào ta được tấc đất nào và cuối cùng phải rút. Thương vong của chúng là hơn một vạn tên, số bị thương rất nhiều.
“Tôi tham gia chiến trận nhiều, nhưng có lẽ chỉ có cuộc chiến này mới có điều đặc biệt: từ phía bắc suối Thanh Thủy trở lên biên giới, cuộc chiến rất ác liệt. Nhưng, bộ đội chia ca để đánh, lên chốt ba-bốn ngày thì sẽ được xuống suối tắm rửa, nghỉ ngơi rồi sau đó lại vác súng lên đánh nhau, tinh thần chiến đấu rất đặc biệt”, vị tướng kể...
Vùng hậu phương chính là bên này suối, cuộc sống người dân ở thị xã Hà Giang dường như không có gì thay đổi. Các quán phở, cà phê vẫn mở, đặc biệt là cửa hàng Tuyến Lửa phục vụ bộ đội 24/24, đủ từ cơm, mì, nhu yếu phẩm... Các mẹ ở thị xã nghe bộ đội ở chiến trường thiếu thốn, gửi tiếp tế, động viên liên tục. Một đằng cứ đánh nhau, một đằng cuộc sống vẫn bình yên, dù chiến trận chỉ cách đó vài km.
40 năm trở lại, trong mắt vị tướng già, chiến trường xưa đã có quá nhiều thay đổi. Năm 1985 ở thị xã Hà Giang không có nhà hai tầng, toàn nhà cấp bốn, mì phở ở hàng quán toàn “không người lái”, giờ thì nhà năm- bảy tầng, đời sống nhân dân khác xa.
|
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa |
Toàn chiến dịch, bên ta gần 5.000 chiến sĩ hy sinh nhưng mới đưa về được khoảng 1.700 chiến sĩ, còn hơn 3.000 hài cốt vẫn đang nằm rải rác khắp các nơi: “Cái đáng nói nhất là mấy chục năm qua, chúng ta không tổ chức đội chuyên trách đi dò gỡ mìn và tìm hài cốt liệt sĩ, tôi hơi bất ngờ. Tôi nghỉ từ năm 1994, cứ tưởng có đội quy tập hài cốt nhưng không có, cho tới năm 2014 vào nghĩa trang liệt sĩ thắp hương mới được biết là như thế. Tôi thấy đau lắm. Chính vì thế, chúng tôi thành lập ban liên lạc, triệu tập anh em lại để có điều kiện giúp đỡ lẫn nhau”.
Từ thời điểm 14/7/2014 Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên được thành lập, đến năm 2018, nhà nước cho thành lập đội quy tập, đã đưa về được thêm hàng chục hài cốt chiến sĩ. Đội quy tập đến nay bắt đầu hoạt động có hiệu quả.
“Tôi đồng ý không kích động thù hằn dân tộc nhưng đã đến lúc cần nói rõ cho nhân dân ta biết, chúng ta có cuộc chiến tranh như thế, giáo dục lòng tự hào, và cũng phải cảnh giác không chỉ riêng với Trung Quốc mà bất kể nước nào có ý định xâm chiếm”, vị tướng già chia sẻ.
Tại sao địch lại chọn Vị Xuyên để tập trung hỏa lực mà không phải vị trí nào khác, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy lý giải: Nếu đánh ở Lạng Sơn thì liệu họ có giấu được trước bạn bè quốc tế hay không? Hà Giang là tỉnh hẻo lánh, với con đường độc đạo, địa hình hiểm trở, dễ tấn công từ trên cao... Quan trọng nhất là tránh được dư luận thế giới lên án. Nhưng Trung Quốc không thể muốn làm gì thì làm, không thể phá công cuộc xây dựng kinh tế và có cơ hội thì lấn chiếm, mở rộng đường biên sang lãnh thổ nước ta.
“Chúng ta muốn hòa bình, hữu nghị vì họ cũng có lúc đã giúp chúng ta rất nhiều, giành được độc lập chúng ta không quên họ. Nhưng không thể vì giúp đỡ mà o ép chúng ta. Bất đắc dĩ chúng ta phải tổ chức cuộc chiến đấu vệ Tổ quốc, bảo vệ vùng biên giới Tổ quốc. Đó là cuộc chiến bảo vệ chính nghĩa của chúng ta!” – Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy khẳng định.
Di Linh