Đã hơn một tháng kể từ ngày Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào khu vực bãi Tư Chính - quần đảo Trường Sa của nước ta. Những ngày qua, nhiều tàu Trung Quốc còn ngang nhiên xâm phạm và gây sức ép ở thềm lục địa Việt Nam.
Thiếu tướng Hoàng Kiền (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, Quân đội nhân dân Việt Nam) nhận định, đây là hành động thách thức của Trung Quốc và họ đang ngày càng thể hiện rõ quyết tâm hiện thực hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông. Thiếu tướng Hoàng Kiền đã có những chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, Trung Quốc đang có những cuộc tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của nước ta, ông nhận định gì về hành động này?
Thiếu tướng Hoàng Kiền: Năm 1956, Trung Quốc chiếm phía đông Hoàng Sa. Năm 1974, Trung Quốc lại chiếm nốt phía tây quần đảo Hoàng Sa. Như vậy, họ đã chiếm toàn bộ quần đảo này trước ngày đất nước thống nhất.
Sau năm 1975, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đòi lại Hoàng Sa nhưng phía Trung Quốc không trả. Từ đó đến nay chúng ta vẫn đấu tranh ngoại giao với họ, nhưng Trung Quốc thì kiên quyết chống lại bằng vũ lực. Hiện nay, Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự rất lớn ở Hoàng Sa, có cầu cảng, sân bay, các loại vũ khí hiện đại...
Những hành động gần đây của phía Trung Quốc trên bãi Tư Chính của ta cũng nằm trong chuỗi kế hoạch của họ - từng bước hiện thực hóa đường lưỡi bò.
Từ khi Trung Quốc thành lập tỉnh Hải Nam, họ tự công bố hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam là Nam Sa và Tây Sa của họ; và đường lưỡi bò mà họ tự vẽ ra chiếm đến 80% diện tích Biển Đông. Các nước trong khu vực đều phản đối. Nhưng hiện nay Trung Quốc vẫn cố tình lấn tới bằng hành động xây dựng căn cứ quân sự ở Hoàng Sa và Trường Sa, diễn tập, đưa tàu khảo sát vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam.
* Lý do mà họ đưa ra cho việc xây dựng sân bay quân sự, trang bị hệ thống vũ khí tối tân… là phòng thủ. Đây có phải là lý do thực hay chỉ là sự che đậy cho dã tâm bành trướng, độc chiếm Biển Đông của họ, thưa Thiếu tướng?
- Họ chiếm Hoàng Sa, sau đó đưa quân xuống chiếm các đảo chìm ở Trường Sa của ta. Hiện nay, họ đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 tiến sâu vào DK1 - thềm lục địa của Việt Nam. Chúng ta đang đấu tranh quyết liệt với hành động này, thì họ lại âm mưu tập trận ở Biển Đông.
Họ muốn thôn tính toàn bộ Biển Đông, nên việc diễn tập là dùng hành động quân sự để gửi đi thông điệp rằng Trung Quốc quyết dùng sức mạnh để chiếm Biển Đông chứ không phải chung sống hòa bình như họ nói. Những hành động đó đã chứng minh lý do “phòng thủ” mà họ đưa ra là hoàn toàn ngụy tạo.
Việc họ tập trận ở Biển Đông không chỉ là thách thức với các nước trong khu vực, mà thách thức toàn thế giới. Trung Quốc là nước lớn, họ có một chủ trương, gọi là “giấc mơ Trung Hoa”, trở thành một quốc gia hùng mạnh về mọi mặt. Họ cũng muốn có một vai trò lãnh đạo thế giới. Mà muốn lãnh đạo được thế giới thì phải phát triển về quân sự - như Mỹ. Trung Quốc đang cải tổ, hiện đại hóa quân đội, họ muốn độc chiếm Biển Đông vì cả mục đích kinh tế lẫn quân sự.
* Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về đường lưỡi bò và họ đã thắng kiện. Nhưng Trung Quốc vẫn ngang nhiên chà đạp luật pháp quốc tế, đang bất chấp tất cả...
- Philippines đã thắng kiện, đường lưỡi bò bị vô hiệu hóa. Trung Quốc cũng từng bước đàm phán song phương với từng nước. Nhưng Trung Quốc xem phán quyết của tòa án quốc tế là vô giá trị, họ lấy sức mạnh quân sự để ngồi xổm lên luật pháp quốc tế. Vì vậy, các nước hiện nay muốn đấu tranh với Trung Quốc, cần phải đoàn kết thành một khối vững mạnh thì mới có thể giải quyết được vấn đề này.
* Đời binh nghiệp, ông gắn bó nhiều với Trường Sa. Thực tế, ông thấy âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã bộc lộ như thế nào?
- Năm 1986, tôi theo Tư lệnh Giáp Văn Cương (Anh hùng lực lượng vũ trang và là đô đốc đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam) ra Trường Sa, khi đó Trung Quốc vẫn chưa có mặt ở đây.
Đến năm 1987, khi Trung Quốc công bố thành lập tỉnh Hải Nam, thành lập thành phố Tam Sa, rồi công bố đường lưỡi bò, thì họ bắt đầu đưa những tàu đánh cá xâm nhập khu vực Trường Sa.
Sau đó, họ đưa các tàu chiến xuống chiếm những bãi đá ngầm của ta và gây ra sự kiện Gạc Ma. Rồi họ tiếp tục đưa tàu xuống phía nam của quần đảo Trường Sa - khu vực DK1 của ta. Chúng ta đã phải ra chốt giữ khu vực này.
Càng ngày, họ càng đưa nhiều tàu thăm dò đến Biển Đông hơn. Họ đưa cả những tàu đánh cá, tàu hải cảnh vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. Đến năm 2014, họ lại tổ chức khoan thăm dò, đưa giàn khoan Hải Dương 981 xuống phía nam Hoàng Sa và chúng ta đã đấu tranh.
Bây giờ, họ lại đưa giàn khoan thăm dò địa chất vào tận bãi Tư Chính - là thềm lục địa của Việt Nam. Như thế, có thể thấy Trung Quốc ngày càng thể hiện bằng hành động trong việc hiện thực hóa đường lưỡi bò mà họ vẽ ra.
Họ đã từng bước leo thang, bằng những hành động ngày càng trắng trợn, bất chấp sự phản đối của các quốc gia ASEAN và quốc tế. Họ nói một đằng, làm một nẻo; nói luôn chủ trương hòa bình, hữu nghị với các nước nhưng thực tế họ vẫn luôn lấn tới bằng sức mạnh.
|
Việt Nam không gây chiến, mà chỉ ngăn cản những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ |
* Ông có nói giải pháp tối ưu trước mắt là các quốc gia đoàn kết lại. Nhưng như vụ việc thắng kiện của Philippines, mà Trung Quốc vẫn bất chấp cả phán quyết của tòa án quốc tế thì việc các quốc gia đoàn kết lại có những hy vọng nào khác hơn?
- Hiện nay, chúng ta đang đấu tranh trên cả mặt trận ngoại giao và thực địa. Chúng ta đã nỗ lực, quyết liệt ngăn cản hành động của Hải Dương 981 năm 2014 và Hải Dương 08 vừa mới đây. Việc ngăn cản đó còn để các nước thấy tinh thần của Việt Nam - chúng ta không chỉ bảo vệ chủ quyền bằng lời, mà bằng cả những hành động chấp pháp trên biển.
Chúng ta không gây chiến, mà chỉ ngăn cản những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ. Hành động của chúng ta còn mang lại niềm tin cho các nước Đông Nam Á, và cũng để thế giới thấy được quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền của Việt Nam.
Trung Quốc luôn chủ trương đàm phán song phương với từng nước, và thực tế họ đã “thu phục” được một số nước. Nên điều cần thiết là các quốc gia Đông Nam Á phải đoàn kết lại, không để mắc mưu chia rẽ của Trung Quốc; sau đó với sự ủng hộ của các nước trên thế giới đấu tranh buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển.
* Cảm ơn Thiếu tướng.
Uông Ngọc (thực hiện)