Thiếu tình thương, con không muốn sống!

25/04/2018 - 11:53

PNO - Cuộc mưu sinh dường như quá tải với cha mẹ bé, vốn mù chữ, nhận thức hạn chế, đông con, nghèo khó. Nhưng có lý nào cha mẹ lơ là con cái?

Bé Đoàn M.L. mang theo một ba-lô đầy quần áo, khóc tức tưởi từ nhà cho đến sân UBND xã Tân An, H.Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Nghe tiếng khóc, nhìn thấy vết bầm trên người bé, các cô đang ngồi họp định chạy ra thì bé đã ào đến ôm chầm các cô. Đó là một buổi họp đặc biệt, vào giữa tháng 4/2018, với thành phần tham dự gồm: phó chủ tịch xã, cha mẹ bé M.L. và các cô quản lý mái ấm ở TP.HCM, nơi từng nuôi dưỡng em. 

Thieu tinh thuong, con khong muon song!
Bé M.L. (trái) được mẹ cận kề, an ủi khi chia tay với các cô ở mái ấm sau cuộc họp tại UBND xã Tân An

Vì sao có buổi họp này? Bé M.L. (11 tuổi), bị xâm hại tình dục lúc nhỏ, cha mẹ em đông con, lại lục đục chia tay, nên mái ấm đã đón em về nuôi, cho ăn học từ năm 2017. Tết Nguyên đán, được nghỉ học, em về quê thì gặp lắm chuyện đau buồn, hụt hẫng, nhất là không được gặp mẹ. 

Hết tết, em trở lại mái ấm thì các cô quản lý phát hiện em có nhiều biểu hiện lạ: mặt méo, nói khó nghe, thường than thở và đòi thắt cổ, nhảy sông. Các cô liền đưa đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý khám, chẩn đoán em bị liệt dây thần kinh số 7 và trầm cảm. Các cô tận tình đưa em đi châm cứu, trị liệu đều đặn theo lịch hẹn. Đáng tiếc là suốt nhiều tháng gửi em đến mái ấm và cả khi em phát bệnh, gia đình phó mặc, hiếm khi hỏi han, dù là qua điện thoại. Em rất yêu thương mẹ, thường xuyên kể về mẹ với những kỷ niệm đẹp cho các cô nghe. Nhưng, mẹ vẫn mãi là “người giấu mặt”. 

Nhờ các cô tích cực đưa đi chữa bệnh, tình trạng của M.L. dần cải thiện, nhưng em vẫn đòi chết và lặp đi lặp lại câu: “Ba ơi ba, đừng đánh con! Mẹ ơi! Con nhớ mẹ quá!”. Lo ngại những sự cố khôn lường xảy ra với M.L và vì em quá nhớ mẹ, các cô quyết định trả em hồi gia. Người đến đón là cô ruột, chứ không phải mẹ.

Vài ngày sau khi M.L. về nhà, cha em đã gọi đến mái ấm lớn tiếng hỏi rằng, các cô có đánh đập gì không mà bé lại bệnh, dọa sẽ kêu nhà báo tới viết bài và đòi các cô xuống địa phương làm việc, bất chấp biên bản hồi gia, cô ruột của bé đã xác nhận kiểm tra cơ thể bé không có dấu vết gì thể hiện bị bạo hành. 

Tại buổi họp, bé ào đến ôm chầm các cô, các mẹ, cho thấy: nhà mở từng là tổ ấm yên lành đầy ắp tình thương của bé. Với vết bầm trên người, chiếc ba-lô soạn sẵn quần áo đầy căng bên cạnh, bé vừa nấc vừa kể: “Ba nói con không phải là con ruột của ba. Ba đánh đuổi con đi…”. Cha bé sượng sùng nói: “Tại kêu nó tắm, ăn cơm, nó không nghe lời, tui nóng lên mới đánh. Còn chuyện gọi điện thoại lên nói làm các cô buồn là do hôm đó, tui… có rượu”.

Quay sang người mẹ, các cô hỏi: “Tết về bé có được gặp mẹ không?”. Mẹ M.L. lắc đầu phân trần, do đợt tết chị… bị bệnh. Chị cũng thừa nhận thông tin đợt tết bé có nhảy sông tự tử, nhưng được cứu. Nguyên nhân theo chị được biết là người chú của M.L. buông lời xúc phạm, bôi nhọ chị nên M.L. ức: “Muốn chửi gì thì chửi con nè, đừng nói xấu mẹ con”. 

Trầm giọng, cô quản lý mái ấm nói: “Đó, chị có thấy không? Dù chị ít quan tâm con nhưng con lúc nào cũng bênh vực và bảo vệ chị. Cháu thương mẹ, cần mẹ lắm, chị cố gắng cùng anh lo cho cháu. Dù hai người tiếp tục chung sống hay mỗi người vun đắp mối quan hệ mới, dù có bận rộn thế nào thì cũng phải quan tâm con, nhất là nâng đỡ con vượt qua giai đoạn thử thách này”.

Đôi mắt người mẹ chuyển đỏ: “Dạ, tui sẽ ráng… Tui sẽ tiếp tục trị bệnh cho con. Giờ tạm thời nó nghỉ học thì tui đi làm mướn sẽ luôn dắt nó theo. Tui sẽ không rời mắt khỏi nó. Ba nó thì nóng tính chứ tui nhẹ nhàng, nói ngọt với con không hà!”. Bịn rịn chia tay, các cô vừa sụt sùi vừa động viên, dặn dò bé uống thuốc đúng giờ, luôn để trong túi 20.000 đồng lỡ xảy ra việc gì thì gọi điện thoại cho các cô và cầu cứu 
chính quyền. 

Đeo chiếc ba-lô, M.L. quệt nước mắt quay về nhà cùng cha mẹ, nhưng ngoái nhìn về các cô không rời. Cuộc mưu sinh dường như quá tải với cha mẹ bé, vốn mù chữ, nhận thức hạn chế, đông con, nghèo khó. Nhưng có lý nào cha mẹ lơ là con cái? Tình thương và sự quan tâm đến M.L. bất hạnh, nếu không phải là từ cha mẹ em thì ai sẽ thay được? Bé có đợi nổi vòng tay “đi lạc” ấy trở về trong khi những ý nghĩ tiêu cực về cái chết hằng ngày hằng giờ thúc giục? 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI