Thiếu tiền, miền Tây Nam Bộ loay hoay chống sạt lở

13/07/2024 - 06:24

PNO - Rạng sáng 9/7, một vụ sạt lở đã khiến 4 căn nhà ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau chìm hoàn toàn, 2 căn bị sập phân nửa. Chỉ mới đầu mùa mưa, tình trạng sạt lở ở miền Tây Nam Bộ đã rất đáng quan ngại.

Tháo chạy giữa đêm

Khoảng 1g sáng 9/7, đang say giấc, ông Nguyễn Văn Trung - ở khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau - chợt nghe những tiếng rắc rắc. Ông bừng tỉnh thì cảm nhận căn nhà mình đang rung chuyển. Bật đèn kiểm tra, ông thấy vách nhà bị nứt, liền hô lên để mọi người chạy lẹ ra ngoài. Không lâu sau, cả căn nhà đổ ập xuống dòng nước chảy xiết. Vụ sạt lở này đã gây thiệt hại cho 6 căn nhà, trong đó 4 căn bị chìm hoàn toàn, 2 căn bị sập 50%.

Hiện trường vụ sạt lở kênh Cần Thơ Bé (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) xảy ra vào tháng 4/2024 ẢNH: TRUNG PHẠM
Hiện trường vụ sạt lở kênh Cần Thơ Bé (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) xảy ra vào tháng 4/2024 - Ảnh: Trung Phạm

Ông Huỳnh Thanh Đảm - Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc - cho hay, chính quyền địa phương đã cử lực lượng đến hỗ trợ người dân di dời tài sản trong những căn nhà bị sập phân nửa và những căn có nguy cơ bị sập do sạt lở bờ sông, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hộ bị mất nhà.

Chỉ chúng tôi những vết lở còn mới toanh, ông Hồng Quang Đảng - cư dân khóm 8, thị trấn Rạch Gốc - kể: “Cuối tháng Sáu vừa rồi, khoảng 23g, cả nhà ông đang ngủ thì xảy ra sạt lở, căn nhà ông bị chìm, thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Nay lại xảy ra sạt lở”. Hiện tại, bờ sông ở khóm 8 tiếp tục xuất hiện các vết nứt, nên UBND thị trấn Rạch Gốc yêu cầu người dân cảnh giác nhằm bảo toàn tính mạng, tài sản.

Khuya 21/6, gia đình bà Huỳnh Thị Út Nhỏ - ở khóm 6, phường 5, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu - đang ngủ thì căn nhà rung chuyển rồi đổ ụp xuống sông Bạc Liêu - Cà Mau. Ông Trần Minh Hải - Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu - cho hay, trong vụ sạt lở trên, có 39 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó 10 căn bị nặng. Chính quyền địa phương đã vận động các hộ có nhà bị nứt tường, lún nền sẵn sàng di dời.

Dọc sông Trà Nóc chảy qua quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, chi chít các đoạn sạt lở, trong khi nhà trên 2 bờ lại san sát nhau. Đầu tháng 4/2024, vụ sạt lở bờ sông ở khu vực 2, phường Trà An, quận Bình Thủy đã gây hư hại 7 căn nhà.

Khẩn trương phòng, chống sạt lở

Thời gian tới, sạt lở sẽ nghiêm trọng hơn do mưa nhiều hơn và có thể có lũ. UBND TP Cần Thơ đã ra công văn yêu cầu các ban, ngành, chính quyền các địa phương tăng cường biện pháp ứng phó, đẩy nhanh thi công các công trình kè chống sạt lở, trong đó có kè sông Trà Nóc dài 2km, kinh phí 270 tỉ đồng.

Nhà và nhiều tài sản của người dân  huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau bị chìm  xuống sông do sạt lở bờ - ẢNH: THÁI TẤN
Nhà và nhiều tài sản của người dân huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau bị chìm xuống sông do sạt lở bờ - Ảnh: Thái Tấn

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay, sạt lở bờ sông vẫn là mối lo lớn. UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các ngành liên quan kiểm tra, đánh giá, dự báo nguy cơ sạt lở và đề ra các giải pháp ứng phó phù hợp; tiếp tục triển khai các công trình phòng, chống sạt lở như kè sông Tiền ở xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, kè sông Tiền ở phường An Lạc, TP Hồng Ngự và xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh.

Đến nay, ngành chức năng của tỉnh Cà Mau đã xây dựng xong 55,7km kè bảo vệ bờ biển với tổng kinh phí 1.720 tỉ đồng, 9,2km kè bảo vệ bờ sông với kinh phí 391 tỉ đồng và đang tiếp tục xây 42,2km kè biển, kinh phí 1.785 tỉ đồng. Tuy vậy, theo lãnh đạo Tỉnh ủy Cà Mau, qua rà soát, có khoảng 89km bờ biển và 425km bờ sông tiếp tục sạt lở với các mức độ khác nhau, cần được xử lý dứt điểm từ nay đến năm 2025.

Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau kiến nghị trung ương cho phép chính quyền tỉnh áp dụng một số cơ chế đặc thù để thực hiện các công trình phòng, chống thiên tai. Chẳng hạn, cho phép doanh nghiệp đầu tư kinh phí xây công trình chống sạt lở bờ biển; đổi lại, doanh nghiệp được sử dụng phần đất bên trong kè (trước đó là đất rừng phòng hộ bị sạt lở) để thực hiện các dự án sản xuất năng lượng tái tạo, xây cảng cá, phát triển dịch vụ du lịch…

Nhà dân ven kênh Cần Thơ Bé (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) bị thiệt hại do sạt lở hồi tháng 4/2024 - ẢNH: TRUNG PHẠM
Nhà dân ven kênh Cần Thơ Bé (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) bị thiệt hại do sạt lở hồi tháng 4/2024 - Ảnh: Trung Phạm

Tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ bổ sung 4.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo tính toán của các chuyên gia, để đầu tư xây dựng công trình khắc phục, phòng chống tại các điểm sạt lở toàn vùng cần khoảng 13.400 tỉ đồng. Đây là một số tiền đầu tư rất lớn, vượt quá khả năng tự chủ của các địa phương. Hầu hết các tỉnh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã sử dụng hết nguồn vốn dự phòng để khắc phục những điểm sạt lở cấp bách.

Nhưng nếu không cấp bách triển khai đồng loạt nhiều giải pháp thì chi phí phòng chống sạt lở sẽ ngày càng tăng lên theo tốc độ sạt lở trong khu vực.

Các chuyên gia cho rằng tình trạng sạt lở bờ sông và bờ biển tại đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng nghiêm trọng, và có một số nguyên nhân chính:

Biến đổi khí hậu: Tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, góp phần làm cho bờ sông và bờ biển bị sạt lở. Khi dòng chảy trên sông Mê Kông thay đổi do yếu tố như mưa hay điều kiện khác, nó ảnh hưởng đến hệ sinh thái rất nhiều.

Sụt lún đất: Khai thác nước ngầm quá mức, khai thác cát và sự suy giảm phù sa làm cho đồng bằng sông Cửu Long bị lún trung bình khoảng 1,1cm mỗi năm.

Để giảm tình trạng sạt lở, cần đầu tư xây dựng công trình bảo vệ. Tuy nhiên, số tiền đầu tư rất lớn, vượt quá khả năng tự chủ của các địa phương. Các tỉnh cần hỗ trợ từ trung ương để khắc phục vấn đề này, hoặc cần có cơ chế đặc thù để đầu tư xây dựng công trình ngăn sạt lở.
Để giải quyết vấn đề sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long, cần kết hợp các giải pháp về môi trường, quản lý tài nguyên và tăng cường đầu tư hợp lý.

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI