Thiếu tiền hay cơ chế?

24/02/2023 - 15:55

PNO - Có thể thấy, việc xây nhà vệ sinh công cộng ở TPHCM không gặp trở ngại về kinh phí mà do vướng mắc về cơ chế.

Mỗi ngày, đi làm trên đại lộ Đông Tây - cung đường hiện đại và đẹp nhất TPHCM - tôi thường “tuột cảm xúc” khi thấy cảnh người ta ngang nhiên phóng uế trên lề đường, ngay sát bờ kênh.

Khi thấy một người mặc đồng phục bảo vệ dân phố tấp xe vào lề đường tiểu bậy, tôi rút điện thoại chụp ảnh để làm tư liệu thì anh ta ngượng ngùng giải thích: “Anh canh hiện trường tai nạn ở đây từ sáng sớm đến giờ, “mắc” quá nên tấp xe, xả đại. Em đừng đăng hình lên, xấu hổ lắm”.

nhà vệ sinh công cộng vừa thiếu, vừa bẩn là thực trạng tồn tại nhiều năm qua ở TPHCM
Nhà vệ sinh công cộng vừa thiếu, vừa bẩn là thực trạng tồn tại nhiều năm qua ở TPHCM

Cũng như nhiều con đường mới mở ở TPHCM, đại lộ Đông Tây rộng, có nhiều mảng xanh, công viên hai bên đường. Rất đông người ra đây dạo mát, tập thể dục. Nhưng họ buộc phải tiểu bậy do không có nhà vệ sinh công cộng (NVSCC).

Mới đây, báo Nikkei Asia đã dẫn chỉ số từ bảng xếp hạng của QS Supplies, cho biết: chất lượng NVSCC ở TPHCM xếp vị trí 67/69 thành phố du lịch trên thế giới. Anh Lê Anh Việt - hướng dẫn viên có gần 20 năm kinh nghiệm - chia sẻ với tôi rằng, anh cảm thấy rất xấu hổ khi chứng kiến vẻ mặt nhăn nhó của các du khách nước ngoài khi bước ra khỏi NVSCC. Không ít lần, khi đang dẫn khách tham quan ở trung tâm thành phố, anh phải đưa họ vào một quán cà phê, mua đại một thức uống nào đó để đi ké nhà vệ sinh bởi xung quanh không có NVSCC. Điều này khiến không ít du khách mất hứng, “một đi không trở lại”.

Trong một buổi khai trương NVSCC ở thành phố New York (Mỹ), tỉ phú Michael Rockefeller nói: “Có thể đánh giá mức độ phát triển của một quốc gia qua những toilet công cộng của quốc gia đó”.

NVSCC vừa thiếu, vừa bẩn là thực trạng tồn tại nhiều năm qua ở TPHCM. Khi chạy xe ngoài khu vực trung tâm TPHCM, các bạn tôi thường tìm đến các cây xăng thuộc hệ thống Petrolimex để đi vệ sinh. Dù không thu phí nhưng những nhà vệ sinh này rất sạch sẽ. Ngược lại, ở trung tâm thành phố, NVSCC đã thiếu lại còn rất bẩn và xuống cấp nên họ ít khi dám vào. Sự khác biệt này là do cách quản lý. NVSCC được ví như “cha chung không ai khóc”.

Từ năm 2016, UBND TPHCM đã triển khai đề án xây dựng 1.000 NVSCC để phục vụ người dân và du khách. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ bỏ vốn xây NVSCC và được phép khai thác chúng để quảng cáo, mở dịch vụ, chẳng hạn đặt máy rút tiền hay bán hàng để thu hồi vốn. 

Thời điểm đó, đề án này đã thu hút được sự quan tâm của người dân và đã có một số đơn vị xin đầu tư. Nhưng cho đến nay, đề án này vẫn đang nằm trên giấy sau khi có vài NVSCC được xây thí điểm. Theo các nhà đầu tư, đó là do vướng mắc trong việc giao đất. Đến nay, nhiều NVSCC được xây thí điểm theo đề án đã xuống cấp, hư hỏng do sự quản lý thiếu chuyên nghiệp, do ý thức của người sử dụng…

Có thể thấy, việc xây NVSCC ở TPHCM không gặp trở ngại về kinh phí mà do vướng mắc về cơ chế. 

Mô hình xã hội hóa đầu tư NVSCC đã được nhiều nước áp dụng. Để thu hút đầu tư, chính quyền TPHCM cần đơn giản hóa thủ tục trong việc bố trí đất, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tìm được nguồn thu để duy trì NVSCC. Ở một số khu vực “đắc địa”, Nhà nước có thể cho thuê đất với giá ưu đãi và cho nhà đầu tư thu phí người đi vệ sinh để họ có chi phí trả tiền thuê đất, thuê người trông coi, bảo trì.

Về lâu dài, Nhà nước cần luật hóa việc xây dựng NVSCC. Như ở Singapore, từ nhiều năm trước, họ đã quy định phải xây dựng NVSCC ở bến xe, bến tàu, khu du lịch, công viên, sân vận động, trạm xăng… và ban hành bộ quy chuẩn đối với NVSCC. Nếu Việt Nam làm được điều này, sẽ không còn cảnh du khách phải vào quán cà phê mua nước chỉ để được đi vệ sinh.

Cơ quan chức năng cũng cần ban hành tiêu chuẩn đối với NVSCC bao gồm diện tích tối thiểu, các hạng mục cần có, cách vận hành, sử dụng, trông coi... và yêu cầu tuân thủ nghiêm. 

Năm 2023, ngành du lịch đẩy mạnh quảng bá để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam với mục tiêu đón 8 triệu du khách quốc tế. Những NVSCC sạch, đẹp, có nét riêng đáng yêu sẽ góp một phần đáng kể hiện thực hóa mục tiêu này. Đừng để những chiếc toilet công cộng bẩn khiến du khách “một đi không trở lại”. 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI