Thiếu thuốc nội tiết, bác sĩ chẩn đoán… "lụi"

29/04/2014 - 08:44

PNO - PN - Nhiều loại thuốc nội tiết (hormon) có vai trò rất lớn trong quá trình điều trị, thậm chí có thuốc là loại duy nhất dùng chẩn đoán bệnh. Tuy vậy, hiện nhiều bệnh viện tại TP.HCM đang thiếu các loại thuốc này. Thuốc thiếu...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Hiệu quả điều trị kém

Để chẩn đoán bệnh nhân có bị suy tuyến thượng thận hay không, bác sĩ buộc phải dùng thuốc Corticorelin để kích thích tuyến yên xem khả năng tiết hormon của tuyến thượng thận. Corticorelin là loại thuốc duy nhất để chẩn đoán bệnh lý này nhưng hiện nay, các bệnh viện đều không có thuốc. Một bác sĩ chuyên về nội tiết phân trần: “Mỗi khi gặp ca bệnh cần xét nghiệm để chẩn đoán, chúng tôi phải liên hệ với các bệnh viện xem có thuốc xách tay không, vì thuốc này không nhập theo đường chính thức về Việt Nam; hoặc hướng dẫn bệnh nhân đến các nhà thuốc lớn tìm xem có “hàng” hay không, để mua về cho bác sĩ thực hiện. Vì không có thuốc, chúng tôi chỉ biết dựa trên triệu chứng của người bệnh để điều trị mà không thể xác định được bệnh nhân bị ở mức độ nặng hay nhẹ”.

Một bác sĩ về nội cơ xương khớp cho biết: “Mỗi ngày, bệnh viện chúng tôi tiếp nhận hai-ba bệnh nhân mắc bệnh Cushing liên quan đến tuyến thượng thận (cơ thể béo không cân đối, thường mập ở mặt, mọc nhiều lông, yếu cơ, rối loạn sinh dục, tăng huyết áp...), nhưng không có thuốc nội tiết để chẩn đoán mức độ bệnh. Vì vậy chúng tôi chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng để chỉ định điều trị mà không chẩn đoán bằng thuốc. Riêng với những trường hợp nhẹ, chưa có biểu hiện rõ ràng, bác sĩ sẽ khó phát hiện ra bệnh”.

Hay như thuốc Dinoprostone và Sulprostone dùng trong các trường hợp nhằm khởi phát chuyển dạ (thúc đẻ), cầm máu tử cung, hiện nay nhiều bệnh viện phụ sản cũng không có thuốc. TS-BS Lê Thị Thu Hà, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết: “Rất nhiều trường hợp thai phụ vỡ ối nhưng sau 12 giờ vẫn chưa thấy dấu hiệu chuyển dạ thì bác sĩ phải dùng thuốc thúc đẻ. Trong tình huống này thì thuốc Dinoprostone được xem là hiệu quả khi có tác dụng làm mềm cổ tử cung giúp thai phụ dễ sinh hơn”. Tuy nhiên, vì thiếu thuốc Dinoprostone nên hiện nhiều bệnh viện đành thay thế bằng một số loại thuốc khác như: Cytotec, Oxytocin, Mifepristone. Những thuốc này dù có giá rẻ hơn (khoảng 2.000đ/viên) nhưng tác dụng làm mềm cổ tử cung không hiệu quả bằng Dinoprostone (270.000đ/viên). Tương tự, thuốc Sulprostone được sử dụng hiệu quả trong điều trị băng huyết sau sinh do đờ tử cung, thường là lựa chọn thay thế sau khi sử dụng Oxytocin thất bại, nhưng vì khan hiếm Sulprostone nên các bệnh viện buộc phải thay thế bằng các thuốc khác ít hiệu quả hơn.

Thieu thuoc noi tiet,  bac si chan doan…
Một BN mắc bệnh suy tuyến thượng thận cần dùng thuốc nội tiết để xác định mức độ của bệnh

Ngoài ra, một số loại thuốc nội tiết khác có tác dụng chống viêm mạnh hơn loại thuốc thường dùng đến 60 lần nhưng cũng khó kiếm ở các bệnh viện.

Cần phải có nguồn dự trữ

Các hãng dược cho biết, những loại thuốc nội tiết này bị thiếu hụt là do số lượng cần của các bệnh viện quá ít do ít người bệnh (như: dùng chẩn đoán, điều trị cho những bệnh thiếu hụt hormon, bệnh tự miễn) hoặc cần dùng nhiều (như: kháng viêm, dị ứng) nhưng bác sĩ ít kê toa nên các công ty không nhập về để kinh doanh hoặc nhập nguyên liệu để sản xuất. Bởi, công ty dễ bị thua lỗ vì thuốc hết hạn sử dụng. Một doanh nghiệp từng nhập thuốc Dinoprostone cho biết, trước đây họ nhập số lượng khá nhiều nhưng sản phẩm này tiêu thụ chậm, trong khi chi phí để quảng bá quá cao.

Dược sĩ Trần Phạm Thức, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế cho biết: đối với thuốc hiếm, dù đã được cấp số đăng ký nhưng doanh nghiệp có quyền không cung ứng hay cung ứng không đủ. Vì vậy, để nguồn thuốc hiếm không bị thiếu hụt, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc hiếm như ở các nước phát triển. Ví dụ, thuốc hiếm được ưu tiên cấp số đăng ký và ưu đãi tài chính như: kéo dài thời hạn bản quyền, giảm thuế...

Trên thực tế, nhiều loại thuốc tưởng là thuốc hiếm nhưng do số lượng bệnh nhân cần để chẩn đoán, điều trị rất lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp và Cục Quản lý dược phải có hướng giải quyết. Điển hình như thuốc Corticorelin, phải có thuốc này thì bác sĩ mới đánh giá được tuyến thượng thận tiết hormon ít hay nhiều. Nếu tuyến thượng thận tiết ít hormon, người bệnh có thể rơi vào suy tuyến thượng thận cấp, bị nhiễm trùng, tụt huyết áp, nôn ói, sốc và tử vong. Nếu không có thuốc thì chỉ có trường hợp suy tuyến thượng thận nặng mới được đánh giá qua biểu hiện bệnh đã quá rõ ràng, còn những trường hợp suy tuyến thượng thận ở mức độ nhẹ thì không thể phát hiện. Như vậy, người bệnh đã bỏ qua cơ hội điều trị dự phòng.

 Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI