Thiếu thuốc chữa bạch hầu: Đừng để bác sĩ bất lực trước sinh mạng bệnh nhân

28/06/2020 - 12:48

PNO - Bệnh bạch hầu nguy hiểm liên tiếp xảy ra ở hai huyện của tỉnh Đắk Nông chỉ cách nhau vài ngày, khiến 12 bệnh nhân nhập viện điều trị khẩn cấp và hơn 1.000 người phải cách ly.

Thế nhưng, tại thời điểm các bệnh nhân nhập viện lại không còn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu để chữa trị.

Bệnh nhi tử vong do y tế cơ sở phát hiện trễ?

Ổ bệnh bạch hầu đầu tiên xảy ra ngày 14/6 tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà may mắn (H.Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) với bốn ca từ 9-15 tuổi. Ông Hà Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, cho hay: các bệnh nhân này đã điều trị khỏi. Nhưng chỉ vài ngày sau, ổ bệnh thứ hai lại xuất hiện ở H.Đắk G’long với tám ca (năm ca ở xã Quảng Hòa và ba ca ở xã Đắk R’măng). Hai ổ bệnh này cách nhau hơn 80km.

 Lập chốt tại các khu vực cách ly
Lập chốt tại các khu vực cách ly bệnh bạch hầu ở Đắk Nông

Ca bạch hầu đầu tiên ở tỉnh Đắk Nông đã tử vong là ở ổ bệnh thứ hai - em Sùng Thị H., chín tuổi, ở thôn 6, xã Quảng Hòa, do bạch hầu ác tính biến chứng tim, nhập viện quá trễ. Em đang học lớp 3C Trường tiểu học Bế Văn Đàn. Theo hồ sơ bệnh án, ngày 8/6, H. đau bụng, tiêu chảy nên được đưa đến Trạm Y tế xã Quảng Hòa khám, nơi đây cho thuốc điều trị đường ruột.

Đến ngày 11/6, H. bị sốt, đau họng, ho nhẹ, mệt và tiếp tục đến Trạm Y tế xã Quảng Hòa, được chẩn đoán viêm họng - có giả mạc trắng. Nơi đây tư vấn chuyển sang Trung tâm Y tế H.Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng khám và điều trị. Tại Trung tâm Y tế H.Đam Rông, bác sĩ chẩn đoán H. bị viêm a-mi-đan cấp và cấp thuốc điều trị ngoại trú.

Đến ngày 18/6, H. đau họng nhiều hơn nên gia đình đưa em trở lại Trạm Y tế xã Quảng Hòa. Lúc này, H. mới được chẩn đoán bệnh bạch hầu và chuyển lên Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Kết quả của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xác nhận bệnh nhi dương tính với vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây bệnh bạch hầu. Do bệnh diễn tiến nặng, H. được BV Đa khoa tỉnh Đắk Nông chuyển xuống BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM điều trị khi bệnh đã ở ngày thứ 14 và H. tử vong hai giờ sau đó. 

Xác nhận với chúng tôi, ông Hà Văn Hùng lý giải: ban đầu, khi bệnh nhi đang có dấu hiệu đau họng và chưa có dấu hiệu giả mạc (màu trắng ngà ở trong hầu họng - đặc trưng của bệnh bạch hầu) thì cơ sở y tế cấp xã, huyện đã chẩn đoán viêm họng bình thường. Cho đến khi xuất hiện giả mạc thì cơ sở y tế xã nghi ngờ bạch hầu nên đã chuyển lên tuyến trên ngay.

Bác sĩ Lê Mậu Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết, nếu bệnh nhân được điều trị khi mắc bạch hầu chưa quá ba ngày theo phác đồ thì tỷ lệ tử vong không quá 5%, nhưng sau ba ngày mới điều trị thì tỷ lệ tử vong cao gấp 20 lần. 

Các bác sĩ cho rằng, bệnh này ít xảy ra nhưng tính lây lan ở mức độ nguy hiểm nên ngành y tế cần tập huấn lại chuyên môn phát hiện sớm bệnh cho các trạm y tế, trung tâm y tế các tỉnh, nhất là ở vùng sâu vùng xa - nơi có tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa bệnh thấp.

Bệnh viện hết huyết thanh điều trị bạch hầu

Bác sĩ Lê Mậu Toàn giải thích, kháng độc tố bạch hầu Diphtheria antitoxin (dung dịch được điều chế từ huyết thanh ngựa) là một trong những thuốc quan trọng để điều trị bệnh nhân mắc bạch hầu. Mục đích dùng dung dịch này để làm trung hòa bớt độc tố do vi khuẩn bạch hầu tiết ra khi đi vào hệ thần kinh, giảm tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc có thể gây các biến chứng ở thần kinh, tim dẫn đến tử vong.

Thế nhưng, khi H. được chuyển xuống điều trị ngày 20/6, BV không có thuốc kháng độc tố bạch hầu. Loại thuốc này trước đây do Công ty Dược phẩm Đức Minh cung ứng, giá 2,467 triệu đồng/lọ. Nếu bệnh nhẹ chỉ dùng hai lọ, còn bệnh nặng dùng từ 4-6 lọ. Đến tận ngày 24/6, BV mới được công ty cung ứng khoảng 10 lọ huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.

Hai trường hợp sau khi phát hiện mắc bệnh bạch hầu được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị
Hai trường hợp sau khi phát hiện mắc bệnh bạch hầu được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị

Ông Hà Văn Hùng khẳng định: “Hiện nay, tại tỉnh Đắk Nông và hầu hết các tỉnh chưa có huyết thanh kháng độc tố. Chúng tôi liên lạc với nhiều cơ sở trung ương xin nhượng lại huyết thanh kháng độc tố để điều trị cho hai ca nặng là G.A.Ph. và M.V.T. (trú tại H.Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) đang được chữa trị tại BV Đa khoa vùng Tây Nguyên nhưng vẫn không có thuốc. Do không có sẵn huyết thanh kháng độc tố khiến việc điều trị gặp không ít trở ngại. Chúng tôi rất mong Bộ Y tế chỉ đạo việc cung cấp huyết thanh kháng độc tố cho các địa phương”.

Chia sẻ với chúng tôi, một công ty dược cho rằng, hiện trẻ em đã được tiêm vắc-xin ngừa bạch hầu từ nhỏ nên tỷ lệ mắc bệnh không còn nhiều, do vậy các công ty không còn mặn mà nhập khẩu. Những dạng thuốc hiếm này, Bộ Y tế hoặc Sở Y tế các tỉnh, thành nên lên kế hoạch dự phòng và có chính sách ưu đãi cho công ty nhập hàng. 

Bạch hầu nguy hiểm như thế nào?

Thạc sĩ - bác sĩ Hồ Vĩnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Viện Pasteur TP.HCM, cho hay, bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da… 

Sau 2-7 ngày ủ bệnh, người bệnh xuất hiện triệu chứng: sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Hai đến ba ngày sau đó, xuất hiện giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày. Một số trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có thể sưng cổ và làm hẹp đường thở. 

Khi tấn công vào cơ thể, vi khuẩn bạch hầu tiết độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể như viêm cơ tim, làm tê liệt thần kinh sọ não, thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận, tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong từ 5-10%.

Do là bệnh lây qua đường hô hấp nên cần cách ly bệnh nhân ít nhất hai ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn. 

Cách phòng bệnh bạch hầu chủ động nhất theo các bác sĩ là tiêm đủ ba mũi vắc-xin DPT (ngừa bạch hầu - ho gà - uốn ván) hoặc vắc-xin “5 trong 1”, vắc-xin “6 trong 1” có ngừa bệnh bạch hầu cho trẻ dưới 1 tuổi. Tiêm nhắc lại DPT cho trẻ từ 18 tháng. 

Cán bộ y tế cho người dân khu vực có dịch uống thuốc, tiêm phòng
Cán bộ y tế cho người dân khu vực có dịch uống thuốc, tiêm phòng
 
Bệnh bạch hầu ở huyện Đắ k G'long dự báo diễn biến phức tạp

Bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, nhận định: tình hình bệnh bạch hầu tại xã Quảng Hòa và xã Đắk R’măng của H.Đắk G’long dự báo diễn biến phức tạp vì đây là giai đoạn đầu của bệnh.

Các đối tượng có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân dương tính nhiều lần và trong thời gian khá dài (khoảng hai tuần). Một số đối tượng tiếp xúc với nhiều người khác sau khi tiếp xúc với ca bệnh dương tính. Các em mắc bệnh bạch hầu đang theo học tại trường có tiếp xúc với nhiều bạn học ở nhiều thôn khác nhau nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng nếu không kịp thời cách ly và điều trị dự phòng bằng kháng sinh. 

Ngay khi ổ bạch hầu bùng phát ở Đắk Nông và bệnh nhi H. tử vong, các bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã chủ động liên hệ với BV Đa khoa tỉnh Đắk Nông và BV Đa khoa vùng Tây Nguyên (nơi đang tiếp nhận điều trị các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu từ Đắk Nông chuyển đến) để nắm tình hình, hội chẩn điều trị các trường hợp nặng và cử bác sĩ ở lại điều trị cho người dân.

Ngành y tế tỉnh Đắk Nông đã lập chốt chặn, cách ly các hộ gia đình tại khu vực ổ dịch từ 19g ngày 19/6. Qua khảo sát cho thấy, các trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu chủ yếu là trẻ người H’Mông, đối tượng có tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu còn thấp. Do đó, tỉnh đã tiếp nhận 10.000 liều vắc-xin Td (ngừa uốn ván, bạch hầu) từ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên về bảo quản tại Trạm Y tế xã Quảng Hòa để tiêm cho nhóm đối tượng từ bảy đến dưới 40 tuổi toàn xã.

Hiện Bộ Y tế đã thành lập đoàn công tác vào tỉnh Đắk Nông để chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng chống dịch.

Tối 25/6, Viện Pasteur TP.HCM cho biết, Bệnh viện Quân y 175 (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đang điều trị cho một bệnh nhân nam 20 tuổi bị bạch hầu. Toàn bộ người tiếp xúc gần đã được khoanh vùng, cách ly và điều trị dự phòng. Như vậy, TP.HCM là địa phương thứ hai ghi nhận dịch bạch hầu. 

Nguyên Bảo - Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI