Thiếu thuốc, bệnh viện chới với

16/08/2013 - 16:10

PNO - PN - Nhiều bệnh viện tại TP.HCM đang rơi vào tình trạng thiếu thuốc, kể cả các loại thuốc cấp cứu. Các bệnh viện vay mượn thuốc của nhau, bác sĩ điều trị phải tìm thuốc khác thay thế hoặc thay đổi phác đồ điều trị. Thậm...

Các bệnh viện ngồi trên đống lửa

Sau thời điểm gia hạn kết quả đấu thầu thuốc kết thúc vào cuối tháng 6/2013, nhiều bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM: BV Nhân dân 115, BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2, BV đa khoa khu vực Củ Chi… rơi vào tình trạng “đói” thuốc. Ban giám đốc của một BV hạng I cho biết: “Tình trạng thiếu thuốc điều trị đã diễn ra từ giữa tháng Bảy, sau thời điểm gia hạn kết quả đấu thầu thuốc kết thúc vào cuối tháng 6/2013. Hiện BV thiếu khoảng 500 loại thuốc, riêng thuốc cấp cứu thiếu đến 30 mặt hàng như: thuốc Vancomycin 1g (giá 120.000 - 150.000 đồng/lọ) dùng điều trị cấp cứu cho những bệnh nhân nhiễm trùng nặng, thuốc Enoxaparin 60/0,6ml dùng trong những trường hợp chống đông máu...

Đặc biệt, hiện nay là mùa mưa, nhiều bệnh nhân mắc các bệnh đường hô hấp cần phải phun khí dung, nhưng BV lại hết thuốc Ventolin 2,5mg, do đó bác sĩ phải thay đổi phác đồ điều trị bằng các loại thuốc khác. Riêng những trường hợp cấp cứu bệnh nhân lên cơn hen suyễn thì buộc phải sử dụng thuốc Ventolin 2,5mg mới cắt cơn hiệu quả. Chúng tôi đang mượn 150 gói thuốc Ventolin 2,5mg từ các công ty dược, nhưng sử dụng rất dè xẻn vì nhiều cơ sở đang thiếu thuốc này. Hiện mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận trên 3.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Có vài trường hợp cấp cứu, nhưng không có thuốc nên BV đành chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”.

Tại BV Bệnh Nhiệt đới, nhiều bệnh nhân đang điều trị nội trú cho biết, dù có thẻ BHYT nhưng họ vẫn phải ra ngoài mua thuốc vì BV không còn thuốc. Trao đổi về vấn đề này, ban giám đốc của BV Bệnh Nhiệt đới thừa nhận BV đã hết thuốc Ventolin 2,5mg.

Một bác sĩ khoa tim mạch ở BV tuyến quận than thở: “Hiện BV đang thiếu rất nhiều loại thuốc điều trị cho bệnh nhân tim mạch, huyết áp. Hay thuốc Lonlor 10mg dùng điều trị các triệu chứng dị ứng”. Ngay cả thuốc hạ sốt, giảm đau... BV này cũng bị thiếu hụt như: thuốc Acetaminophen 80mg, Paracetamol 325mg + Ibuprofen 200mg.

Thieu thuoc, benh vien choi voi

Thuốc Ventolin rất cần thiết để phun khí dung cấp cứu cho bệnh nhi nhưng nhiều BV đang hết hàng

BHYT thanh toán lại cho bệnh nhân nhưng...

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM vừa gửi văn bản kiến nghị lên UBND TP.HCM về việc cho phép các BV được gia hạn mua thuốc điều trị theo kết quả trúng thầu của từng BV trong năm 2012. Việc mua thuốc sẽ chấm dứt đến khi thực hiện đấu thầu tập trung, dự kiến diễn ra vào khoảng tháng 11 đến tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, thời gian đấu thầu tập trung diễn ra quá chậm đã khiến nhiều BV lo lắng, vì kể từ khi thực hiện đấu thầu, BV phải mất ít nhất một tháng để làm thủ tục chọn nhà thầu, thỏa thuận gói hàng nhập kho… Như vậy, nguồn thuốc về đến BV phát cho bệnh nhân có khi phải đến đầu năm sau.

Chỉ còn vài tuần nữa, các BV sẽ cạn kiệt nguồn thuốc nếu không được gia hạn. Nhiều BV kiến nghị: Trong lúc chờ đến khi thực hiện đấu thầu tập trung vào cuối năm nay, Sở Y tế phải sớm cấp tiếp giấy gia hạn thầu để chấm dứt tình trạng thiếu thuốc điều trị. Hiện nay, các công ty dược sẵn sàng cho các BV mượn thuốc nhưng với điều kiện phải có giấy gia hạn thầu của Sở Y tế. Nếu bắt bệnh nhân BHYT đi mua thuốc bên ngoài là không hợp lý. Đáng nói, trong khi ban giám đốc của nhiều BV và cả bệnh nhân đều “đứng ngồi không yên” vì nguồn thuốc “thiếu trước hụt sau” thì Sở Y tế vẫn bưng bít thông tin. Giám đốc của một BV cho biết: “Sở đã “nhắc” BV không trả lời báo chí vấn đề thiếu thuốc trong lúc này vì nhạy cảm”.

Trao đổi qua điện thoại, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM khẳng định: “Với những trường hợp thiếu thuốc đột ngột, BHXH sẽ thanh toán lại tiền thuốc mà người bệnh ra ngoài mua thuốc. Người bệnh phải nộp hóa đơn mua thuốc cho BV và BV có trách nhiệm quản lý nguồn thuốc bệnh nhân tự mua. Nhưng việc BV để bệnh nhân ra ngoài mua thuốc kéo dài thì BHYT không chấp nhận thanh toán”. Nhưng biện pháp này liệu có ổn?

Đại diện Sở Y tế cho biết, sở dĩ tình trạng đấu thầu tập trung tại TP.HCM diễn ra chậm và nhiều lần “thất hứa” với người bệnh vì TP.HCM có quá nhiều BV, nên cơ số thuốc đấu thầu tập trung rất lớn và cần phải có kế hoạch chặt chẽ. Sở đã huy động nhân viên các BV hỗ trợ công tác đấu thầu, nhưng các BV cũng đang rơi vào tình trạng quá tải công việc.

Trước tình trạng thiếu thuốc nằm trong danh mục BHYT, nhiều BV muốn nhập thuốc để điều trị nhưng lo ngại về thủ tục thanh toán BHYT. Bà Lưu Thị Thanh Huyền cho biết: “Vấn đề này BHXH TP.HCM chưa thể trả lời cụ thể. Sau khi chờ kết quả phản hồi của UBND TP, BHYT sẽ phối hợp với Sở Y tế để đưa ra các quy định phù hợp hơn”.

 Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI