Những “bông hồng 05” trên biên giới

Thiếu tá Võ Thị Thùy Trang: Nụ hồng đỏ mang quân hàm xanh

21/05/2021 - 13:54

PNO - LTS: Sau 5 năm Báo Phụ Nữ TP.HCM kích hoạt dự án Biên cương xanh (khởi động từ ngày 19/5/2015) trên tuyến biên giới giáp Campuchia đi qua 10 tỉnh, chuyện vui buồn nhiều không kể xiết. Nhưng nếu phải chọn điều gì để kể sau “một nhiệm kỳ” dự án, tôi sẽ chọn những phụ nữ điển hình, tiêu biểu trong việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII). Họ là “những bông hồng 05” bình dị đầy sáng tạo, lung linh mà gần gũi.

Từ trên đài quan sát của trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, bằng ống kính chuyên dụng, người chiến sĩ trực đài nói rằng có thể nhìn rõ mọi thứ trong phạm vi bán kính hơn một ngàn mét.

Tôi đưa mắt mình vào gần ống kính, thử nhìn về phía bên Campuchia, các dòng tên sòng bạc trên những tòa nhà phía nước bạn hiện lên rõ mồn một. 

Cột mốc 170 nơi gắn bó với đời binh nghiệp của cô thiếu tá trẻ
Cột mốc 170 là nơi gắn bó với đời binh nghiệp của cô thiếu tá trẻ

Huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh có 31,5km đường biên với nước bạn, trải dài qua năm xã, với 45.542 người dân sống cặp theo 16 cột mốc chính và 59 cột mốc phụ. Huyện có một cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu phụ, hai lối mở truyền thống.

Thượng tá Vũ Quang Quân, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Mộc Bài cho biết: “Trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19 đợt 1, hằng ngày lượng khách xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu này trên 5.000 người với hơn 500 xe container và xe khách qua lại biên giới”.

“Gần hai năm qua, chính thức là từ 0 giờ ngày 18/3/2020, khi lệnh đóng cửa khẩu chính thức được thực hiện, nhằm ngăn chặn khả năng lây nhiễm dịch bệnh, khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Việt Nam và cửa khẩu Quốc tế Bavet - Campuchia vắng như chùa Bà Đanh”. Thiếu tá biên phòng Võ Thị Thùy Trang, nhân viên kiểm thể kiêm phiên dịch cửa khẩu quốc tế Mộc Bài nói thêm. 

Thiếu tá Thùy Trang là một trong 12 hội viên chi hội phụ nữ bộ đội biên phòng tỉnh. Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu, không băng rừng, lội suối tuần tra cột mốc biên giới, đường mòn, lối mở hằng ngày, hằng tuần… nhưng Trang cùng các đồng đội nữ của mình thực sự là những bông hoa đẹp của lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ hơn 240km biên giới của lực lượng Biên phòng Tây Ninh. 

Kiểm thể và phiên dịch tiếng Anh chuyên nghiệp là hai công việc mới hình thành từ yêu cầu thực tế. Thùy Trang là người duy nhất thực hiện “nhiệm vụ kép” này tại Mộc Bài - cửa khẩu quốc tế lớn nhất trên tuyến đường biên Việt Nam - Campuchia dài 1.137km xuyên qua 119 xã, 36 huyện trên địa bàn 10 tỉnh biên giới. 

Cứ mỗi mùa Trung thu đến, thiếu tá Trang (người đứng giữa) lại cùng đồng đội chia sẻ niềm vui với thiếu nhi trên địa bàn - Ảnh: Lê Quân
Cứ mỗi mùa Trung thu đến, thiếu tá Trang (người đứng giữa) lại cùng đồng đội chia sẻ niềm vui với thiếu nhi trên địa bàn - Ảnh: Lê Quân

Kiểm thể được hiểu nôm na là kiểm tra thân thể của các đối tượng nữ có biểu hiện nghi ngờ che giấu các hành vi vi phạm pháp luật, chủ yếu là vận chuyển các mặt hàng cấm qua biên giới và thường được che giấu rất tinh vi. “Các điểm tế nhị trên cơ thể luôn được các đối tượng nữ “ưu tiên” gửi gắm hàng cấm”, Thùy Trang nói.     

Tôi nhớ, trước giờ thực hiện lệnh đóng cửa khẩu năm 2020, người về từ Campuchia đông như trẩy hội. Khi ấy, thượng tá Lê Văn Sơn, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Mộc Bài, nhận định sẽ có không ít đối tượng lợi dụng tình trạng tập trung kiểm soát COVID-19 của các cơ quan chức năng để tranh thủ vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam.

Không khí ở cửa khẩu quốc tế Mộc Bài trước 0 giờ ngày 18/3/2020 căng như dây đàn. Tôi quay nhìn đại úy Thùy Trang, tuy không giấu được sự mệt mỏi trong đôi mắt, nhưng cô vẫn mỉm cười vì “may mắn, cả ngày không có đối tượng nữ nào thuộc diện buộc phải thực hiện biện pháp... mắt thấy, tay sờ”.

Lần đó, cầu vai hai bên của Thùy Trang là một gạch bốn sao (đại úy), hôm 22/4/2021, tôi gặp lại, Trang vẫn là cô sĩ quan biên phòng có đôi mắt tròn, nụ cười tươi, nhưng số sao trên vai rụng mất ba, bù lại số gạch tăng thành hai gạch (thiếu tá) rồi! 

Những ngày đầu dịch vừa bùng phát, Trang (thứ ba trái qua) cùng đồng đội ra cửa khẩu tuyên truyền, hướng dẫn nhắc nhở bà con đeo khẩu trang khi qua lại biên giới - ảnh: lê quân
Những ngày đầu dịch vừa bùng phát, Trang (thứ ba trái qua) cùng đồng đội ra cửa khẩu tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở bà con đeo khẩu trang khi qua lại biên giới - Ảnh: Lê Quân

Cứ ngỡ, việc thăng quân hàm đột xuất liên quan đến thành tích kiểm thể và phiên dịch trong thời điểm phòng chống dịch, hóa ra, việc cô được thăng cấp trước niên hạn do những hành động bình thường, rất nhỏ bé, mà khi thực hiện cô không hề nghĩ việc làm ấy mang ý nghĩa thể diện quốc gia. 

Trang kể, một hôm nhận được cuộc gọi từ TP.HCM của một người đàn ông ngoại quốc. Ông xưng tên và nhắc món nợ 25 USD Trang cho ông mượn khi ông làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Mộc Bài bằng cuốn hộ chiếu số 12DC49383 mang tên Serda Daniel Marie, quốc tịch Pháp. 

Lời giới thiệu ấy không khó để Trang nhớ lại: Khi ông Serda Daniel Marie vào đóng lệ phí thị thực, thay vì chỉ đóng 25 USD như lần trước, lần này trường hợp ông phải đóng 50 USD, gấp đôi số tiền mà ông có. Daniel Marie không mang theo tiền mặt, lại đang trên đường công tác gấp, nên rơi vào “thế bí”, chẳng biết xoay xở sao. 

Bông hồng duy nhất ở cửa khẩu, Thùy Trang luôn được đồng đội hỗ trợ nghiệp vụ kiểm thể phù hợp với từng đối tượng cụ thể
Là "bông hồng biên phòng" duy nhất ở cửa khẩu Mộc Bài, Thùy Trang đảm nhiệm việc kiểm thể các đối tượng tình nghi nữ và luôn được đồng đội nhiệt tình hỗ trợ nghiệp vụ - Ảnh Lê Quân

Nhận thấy tình huống khó xử của ông, Thùy Trang nhanh chóng tiếp cận. Qua trao đổi, Trang biết ông Serda Daniel Marie nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích giúp trẻ em Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam và chuyến công tác vào Việt Nam lần này cũng không nằm ngoài mục đích đó.

Biết việc làm cao cả của ông, Trang nói cô sẽ cho ông mượn 25 USD để ông được nhập cảnh vào Việt Nam cho kịp giờ. Quá bất ngờ và vui mừng, ông Serda Daniel Marie tranh thủ làm thủ tục và chỉ kịp xin số điện thoại của Trang cùng lời hứa sẽ quay lại. 

Những tưởng lời hứa gió bay, vả lại số tiền 25 USD chỉ như lời “cảm ơn” đối với người đã giúp trẻ em Việt Nam, thật bất ngờ, ông Daniel Marie lại liên lạc và có nhã ý mời Trang tham dự buổi gala dinner dự kiến được tổ chức một tuần sau đó tại TP.HCM để bày tỏ lòng biết ơn.

Lời mời bị từ chối và biết không thể thuyết phục thêm, ông lại ngỏ ý tặng cô một món quà mà cô thích để thay lời cảm ơn. Trang buột miệng nói cô chỉ thích hoa. 

Bất ngờ hơn, 9 giờ 30 ngay sáng hôm sau, ông Daniel Marie có mặt tại cửa khẩu Mộc Bài cùng bó hoa thật tươi trên tay. Ông Daniel Marie tặng hoa cho Thùy Trang và gửi lại 25 USD ông đã mượn.

Trước sự chứng kiến của nhiều hành khách quốc tế đang chờ làm thủ tục tại đây, ông Daniel Marie kể lại câu chuyện của mình cùng hành động đẹp của Thùy Trang.

Ông vừa dứt lời, tất cả hành khách ngoại quốc đang ngồi chờ làm thủ tục cấp thị thực đứng dậy cùng vỗ tay tán thưởng và chúc mừng hành động đẹp của nữ quân nhân Việt Nam.

Thượng tá Trần Đăng Dũng, chính trị viên đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, cho biết thêm Trang cũng từng bỏ tiền túi để giúp hai nữ du khách (một người Thụy Sĩ, một người Nhật) gặp hoàn cảnh tương tự, do bị mất trộm, nên không đủ tiền đóng lệ phí thị thực nhập cảnh vào Việt Nam… 

Thiếu tá Thùy Trang luôn quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới... Ảnh chụp luu niệm với các nhà tài trợ và các em thiếu nhi trong lần tổ chức trung thu gần đây
Thiếu tá Thùy Trang (rìa trái) là người bạn lớn thân thân thiết của trẻ em khó khăn vực biên giới... (Ảnh thiếu tá Thuỳ Trang chụp hình lưu niệm với các nhà tài trợ và thiếu nhi biên giới trong một dịp tết Trung thu) - Ảnh: Lê Quân

Gần đây nhất là trường hợp của anh Matthew David Willson (quốc tịch Mỹ). Trên đường từ Campuchia về Việt Nam, anh đã mất hết tiền, không còn tiền đóng thị thực, không thể nhập cảnh, Matthew buồn bã...

Làm xong thủ tục cho các hành khách, Thùy Trang bước ra ngoài, thấy Matthew đứng ngồi không yên cạnh phòng làm thủ tục, cô bước đến hỏi thăm sẻ chia cùng Matthew.

Thấy Trang cởi mở nên anh ta mạnh dạn ngỏ lời mượn 30 USD đóng lệ phí để vào Việt Nam cùng lời hứa trở lại trả nợ. Biết khả năng hoàn trả rất thấp nhưng thấy Matthew đã hết cách, hôm ấy Trang đành mượn tiền đồng đội 600.000 đồng để giúp Matthew được vào Việt Nam. 

Cầm thị thực trong tay, Matthew không tin vào mắt mình, anh luôn miệng cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của cô gái Việt Nam nhỏ nhắn. Trước khi rời cửa khẩu, Matthew đã xin địa chỉ, số điện thoại cùng lời hứa quyết tâm trở lại Mộc Bài tìm Trang sau khi chuyến công tác tại Việt Nam kết thúc. 

Thiếu tá Thùy Trang và tác giả bài viết
Thiếu tá Thùy Trang và tác giả bài viết

Chuyến công tác tại Việt Nam đã kết thúc chưa, Trang không biết, Matthew cũng chưa quay lại tìm cô. Thực tế, trong tám lần "cho mượn", Trang chỉ được trả lại hai lần, nhưng cô vui vẻ nói: “Giúp người là một cách để tự rèn bản thân biết sống vì mọi người, có gì to tát đâu anh!” . 

Nguyễn Thiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI