Chết cho... bõ tức!
Chỉ tay vào những bụi cây đang nở hoa vàng chóe, ông Và Bá Dê - Bí thư bản Pà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An - bảo, đó là lá ngón, “con ma của bản ta” đó.
|
Thiếu tá Lê Anh Đức trồng chuối, rau má quanh Trạm Y tế xã Tri Lễ để làm thuốc chữa ngộ độc lá ngón - Ảnh: Phan Ngọc |
Chẳng biết từ khi nào, lá ngón đã trở thành thứ dân bản, đặc biệt là đồng bào người Mông, tìm đến để “giải quyết” muộn phiền. Năm nào ở bản Pà Khốm cũng có vài người chết vì ăn lá ngón. “Gặp chuyện gì khúc mắc là họ ăn lá ngón. Ít tháng trước, em dâu tôi cũng chết vì ăn lá ngón, chỉ vì con dâu nó hay nói quá, thế là nó tức, đi hái lá ngón ăn” - ông Và Bá Dê nói.
Bản Pà Khốm đã nhiều lần phát động người dân nhổ bỏ cây lá ngón mọc quanh bản, song không mấy hiệu quả bởi sau vài tháng chúng lại mọc lên mơn mởn. Lá ngón mọc xen lẫn trong nương rẫy, rìa đường, được xem là thứ nhanh nhất để quên đời. Ông Và Bá Dê bảo, việc dùng lá ngón như một “vị thuốc” chữa “bệnh buồn đời” đã ăn sâu vào tâm trí người dân vùng cao. Để bãi bỏ hủ tục này thì phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức để dân biết quý trọng mạng sống của mình. Thế nhưng, “ở đây còn nhiều người mù chữ, hiểu biết hạn chế, nên cần phải kiên trì chứ không thể giải quyết ngay được đâu” - ông chia sẻ.
Ông Lữ Văn Cương - Phó chủ tịch UBND xã Tri Lễ - cho hay, nhiều người ăn lá ngón tự tử chỉ vì lý do rất ấu trĩ, thậm chí có người chấm dứt mạng sống của mình chỉ để cho người khác “bõ tức”. Trong các cuộc họp dân, chính quyền địa phương luôn chú trọng vận động người dân không tìm đến cái chết để giải quyết các khúc mắc trong cuộc sống. “Nhất là các bà vợ, chúng tôi vẫn thường nói với họ đừng vì giận chồng mà dại dột đi ăn lá ngón. Mình chết chồng lại có cơ hội lấy vợ mới, đưa người khác về nhà mình ở, xài tiền của mình vất vả kiếm bao lâu nay. Thậm chí nêu ra viễn cảnh mình chết rồi cha mẹ già, con nhỏ ai chăm sóc cho… Nhưng cũng không đơn giản để xóa bỏ được hủ tục này” - ông Lữ Văn Cương nói.
Lá ngón còn có tên gọi khác là đoạn trường thảo. Khi ăn phải loại lá này, nạn nhân sẽ bị giày vò để rồi kết thúc cuộc đời trong đau đớn. Ông Thò Bá Rê - Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn - cho biết, lá ngón là cây chết người, được dân bản gọi là “ma lá ngón” với lý do “có mâu thuẫn là họ lại dọa người thân đi ăn lá ngón để chết. Vì thế nên nhiều người vẫn quan niệm là do ma nhập, xui khiến nạn nhân đi ăn lá ngón”.
Không chỉ khiến nhiều nạn nhân tử vong thương tâm, loại cây có chất kịch độc này còn tạo nên rào cản rất lớn trong việc xóa bỏ hủ tục tảo hôn ở các xã vùng cao Nghệ An. Sau tết Nguyên đán 2023, cả trăm học sinh THCS ở huyện Kỳ Sơn về chung sống với nhau như vợ chồng, trong đó nhiều em chỉ mới 13, 14 tuổi. Ông Và Chá Xà - Chủ tịch UBND xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn - cho biết, mỗi năm xã có hơn 20 cặp thành vợ chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn. Khi học sinh yêu nhau rồi “bắt vợ”, hiếm có phụ huynh nào phản đối mạnh do sợ các em ăn lá ngón tự tử. Thực tế, ở Mường Lống, từng có nhiều cái chết thương tâm chỉ vì cha mẹ ngăn cản con cái yêu nhau. Khi con đòi lấy vợ, lấy chồng, nhiều cha mẹ chấp nhận nộp phạt chứ không dám can ngăn vì sợ con ăn lá ngón thì mất luôn con.
"Thần y" của dân bản
Gần 2 tháng sau khi từ “cõi chết trở về”, em Thò Y.R. - 11 tuổi, trú xã Tri Lễ - vẫn chưa hết ám ảnh với giây phút đối mặt tử thần. Trưa 7/11, R. đi học về thì thấy cha mẹ cãi nhau. Trên đường đi học chiều hôm đó, nữ sinh này hái một nắm lá ngón bỏ vào cặp rồi lên trường ăn. Khi phát hiện sự việc, chất độc đã tác động lên hệ thần kinh, khiến R. rơi vào trạng thái bị giày vò, hồi hộp, sợ hãi. Nữ sinh này may mắn được thiếu tá, bác sĩ quân y Lê Anh Đức ở đồn biên phòng Tri Lễ cứu chữa kịp thời nên thoát chết. Với bác sĩ quân y Lê Anh Đức, những năm qua anh đã dùng bài thuốc dân gian do mình sáng chế ra để giành giật hàng chục mạng sống từ “con ma lá ngón”, nên được xem là một “thần y” của các bản làng nơi rẻo cao.
|
Thiếu tá Lê Anh Đức sử dụng bài thuốc của mình gây nôn cứu một phụ nữ bị ngộ độc lá ngón - Ảnh: Lê Đức |
Năm 2013, thiếu tá Lê Anh Đức được điều động về tăng cường tại Trạm Y tế xã Tri Lễ. Anh bảo, những năm đó, anh luôn trăn trở trước những cái chết tức tưởi của nhiều em nhỏ vì ăn lá ngón. Cho đến khi thấy nhiều bà mẹ người Mông gùi cây chuối, rau má trên rừng về làm thức ăn hằng ngày, anh chợt lóe lên ý tưởng kết hợp nước của những loại cây - rau này để giải độc lá ngón. “Thực tế nước rau má rất tốt, có tác dụng giải độc, thanh nhiệt. Nước thân cây chuối cũng vậy, người uống rượu vào sau khi uống nước cây chuối sẽ rất nhanh tỉnh táo” - thiếu tá Đức nói.
Bài thuốc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc lá ngón được thiếu tá Đức làm ra từ những thứ cây - rau có sẵn trong tự nhiên, dễ thực hiện. Anh cho biết, chỉ cần sử dụng những thân cây chuối to bằng bắp tay rửa sạch, cắt ra, sau đó vắt lấy nước kết hợp nước lá rau má. Sau đó, anh bỏ vài con nhái còn sống vào thứ nước hỗn hợp này khoảng 5 phút rồi vớt nhái ra. Việc cho nhái bén còn sống vào nước nhằm tạo chất tanh cho bệnh nhân dễ nôn. Bệnh nhân ngộ độc lá ngón được cho uống nước hỗn hợp này, mỗi lần khoảng 400 - 500ml rồi dùng tay đưa vào miệng bệnh nhân kích thích gây nôn để đào thải hết thức ăn trong dạ dày. Khi dạ dày đã sạch, bệnh nhân được cho uống tiếp khoảng 300ml nước thân cây chuối kết hợp với lá rau má giã nhỏ để lưu lại trong dạ dày. Nhiều trường hợp đã cứng lưỡi, không uống được thì bác sĩ phải rửa dạ dày.
Năm 2016, bệnh nhân đầu tiên ăn lá ngón được thiếu tá Lê Anh Đức cứu sống bằng bài thuốc của mình. “Năm 2017, nhiều trường hợp ngộ độc lá ngón được cứu thành công thì tôi mới thông báo với đơn vị để báo cáo về Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh” - thiếu tá Đức cho biết. Cho đến nay đã có gần 30 bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón được anh cứu sống. Theo anh, để cứu sống bệnh nhân ngộ độc lá ngón thì việc đầu tiên là phải loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể. Bởi thế, mỗi ca ngộ độc lá ngón thực sự là một cuộc chạy đua về thời gian để giành giật mạng sống với tử thần.
Để chủ động nguồn nguyên liệu làm thuốc và tranh thủ thời gian cứu người đối với những trường hợp ngộ độc lá ngón, thiếu tá Đức tìm cây chuối giống và rau má về trồng quanh Trạm Y tế xã Tri Lễ. Hiện bài thuốc này cũng đã được anh phổ biến rộng rãi ở nhiều xã vùng cao Nghệ An nhằm tăng cơ hội cứu sống cho các nạn nhân. “Có nhiều bản xa trung tâm, đi lại khó khăn, nếu người dân không được cấp cứu kịp thời thì sẽ rất khó có cơ hội cứu sống. Do đó, mỗi dịp đi tuyên truyền, tôi đều tranh thủ hướng dẫn phương pháp cấp cứu người bị ngộ độc do ăn lá ngón cho nhân viên y tế bản và cán bộ quân y tại trạm xá quân - dân y” - thiếu tá Đức nói.
Thiếu tá Lê Anh Đức cho biết, trong lá ngón có 17 chất độc, đặc biệt là chất alkaloid kịch độc, có thể khiến nạn nhân tử vong rất nhanh. Loại cây này phát tán theo gió, nên việc nhổ bỏ rất khó triệt để. Đồn biên phòng Tri Lễ cũng thường phối hợp với chính quyền địa phương, già làng, trưởng bản để tuyên truyền cho người dân về tác hại của cây lá ngón, nâng cao nhận thức cho người dân. Nhờ “mưa dầm thấm lâu” mà từ hàng chục người ăn lá ngón mỗi năm, gần đây số lượng người Mông ăn lá ngón quyên sinh ở xã Tri Lễ đã giảm đáng kể. |
Phan Ngọc