Thiếu sự khuyến khích cần thiết để kinh tế ban đêm cất cánh

11/10/2019 - 07:33

PNO - Vùng nhiệt đới như Sài Gòn có tiềm năng phát triển kinh tế về đêm đáng kinh ngạc, đồng thời, còn không ít thách thức.

Đời sống thành thị rõ là không kết thúc vào lúc 17g. Khi “vũ trụ lên đèn” sẽ là hứa hẹn cho buổi tối sôi động, giúp cân bằng ngày dài ngược xuôi. Vùng nhiệt đới như Sài Gòn có tiềm năng phát triển kinh tế về đêm đáng kinh ngạc, đồng thời, còn không ít thách thức. Suy cho cùng, có lẽ thách thức lớn nhất vẫn là nhận thức đúng về thành phần kinh tế này.

Thay vì có sẵn “lệnh giới nghiêm” trong quan niệm quy cho thế giới về đêm những cái nhìn nhạy cảm, mất an ninh trật tự… để rồi thờ ơ trong công tác hoạch định chính sách.

Trong khi thế giới ấy vẫn âm thầm “sống” nhưng tản mát, tự phát dễ “làm mồi” cho chính những âu lo của tệ nạn, bát nháo… với ngày càng nhiều quan hệ kinh tế mới mẻ.

Vậy chi bằng trong định hướng thông minh và sáng tạo, chính quyền thành phố cần tìm ra những cách thức độc đáo để tiếp cận thành phần kinh tế ban đêm.

Trước khi toàn dân nhận ra sự thịnh vượng và kinh tế bền vững chỉ có thể đạt được bằng cách tiếp cận toàn diện, liền lạc, rằng sức sống của trung tâm này, thành phố này không “kết thúc” sau 17g, Nhà nước hãy đi trước trong vai trò của mình. Quản lý hiệu quả một địa điểm kinh tế ban đêm và nhanh chóng nhân rộng bằng các chính sách ưu tiên. Nhờ đó, chúng ta sẽ tạo thêm một thế mạnh, một mũi nhọn của nền kinh tế dịch vụ.

Nền dịch vụ vận hành ngày lẫn đêm thể hiện tính linh hoạt, là dáng dấp của một trung tâm tuyệt vời dành cho người dân và du khách. Vì vậy, TP.HCM hay bất kỳ thành phố du lịch nào cũng cần cung cấp một môi trường sạch sẽ, an toàn, sôi động và hấp dẫn cho các đối tượng khác nhau, vào các thời điểm khác nhau, từ sáng tinh sương đến tối mịt.

Các ưu đãi thuế quan, hỗ trợ mặt bằng, quy hoạch trung tâm thành phố có hướng đến kinh tế ban đêm sẽ giúp chuyển đổi lớn cho thành phần kinh tế đêm khuya. Sự thay đổi trong nhận thức quản lý thông qua những chính sách hợp lý, chẳng mấy chốc sẽ tạo ra những cá nhân, doanh nghiệp tự động thay đổi nhu cầu và cung ứng, để làm cho buổi tối đô thị nhiều màu sắc hơn, thậm chí, đời sống đêm không những mang đến giá trị khai thác hàng trăm tỷ đồng mà còn an toàn hơn.

Thieu su khuyen khich can thiet de kinh te ban dem cat canh
TP.HCM có nhiều tiềm năng về các hoạt động giải trí, thương mại ban đêm

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về tiềm năng của kinh tế ban đêm tại TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Nhật Huy - chuyên gia marketing - nhận định:

- Với thành phố sầm uất như TP.HCM hay Bangkok, Hồng Kông, Seoul, kinh tế ban đêm thiên về dịch vụ. Ban đêm luôn là khoảng thời gian chi tiêu nhiều nhất của mọi tầng lớp người dân. Điều này tạo ra tăng trưởng khá lớn cho nền kinh tế của thành phố.

Về mặt văn hóa, kinh tế ban đêm tạo ra bản sắc sinh động cho một đô thị. Chúng ta vẫn nghe, Sài Gòn là thành phố không ngủ. Ai cũng thấy, cả du khách lẫn người bản xứ luôn có sự thích thú, nhu cầu thú vị đi “city by night” với những dịch vụ hấp dẫn: night-club, ăn khuya, thưởng thức nghệ thuật hè phố…

Tất cả dịch vụ về đêm đó, tôi cho là rất cần thiết đối với một thành phố phát triển cả về kinh tế lẫn văn hóa. Với xứ nhiệt đới, ban đêm luôn mát mẻ hơn, thơ mộng hơn và văn hóa ban đêm gắn liền với kinh tế ban đêm là một nét đẹp của nơi này.

* Phóng viên: Như vậy, kinh tế ban đêm là một yếu tố cạnh tranh và kích cầu tiêu dùng của TP.HCM?

- Ông Nguyễn Xuân Nhật Huy: Đó là một lợi thế cạnh tranh của bất kỳ thành phố nào. Tôi từ một nơi xa xôi đến, trái múi giờ, không ngủ được, chẳng lẽ cứ ngồi im trong khách sạn?

Các hoạt động về đêm không thể thiếu được ở một thành phố du lịch hay trung tâm như Sài Gòn. Chắc chắn đó cũng là yếu tố kích cầu tiêu dùng khi muốn tăng GDP.

Ở các nước phát triển, người ta giảm thời gian làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ, rồi 40, thậm chí 36... là bởi vì làm việc nhiều, thu nhập cao mà không có thời gian để chi tiêu, giải trí thì tổng chi tiêu xã hội sẽ không lớn, không thể nào thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Tích lũy và chi tiêu phải song hành để tạo động lực cho nền kinh tế.

* Theo ông, có mối liên hệ gì giữa kinh tế ban đêm và kinh tế vỉa hè? 

- Theo quan sát của tôi, ở một số nước châu Á phát triển, kinh tế ban đêm có liên quan khá nhiều với ẩm thực đường phố. Kinh tế ban đêm cũng liên quan nhiều đến mặt giải trí, vui chơi, thưởng thức văn hóa đặc thù vào ban đêm mà ban ngày không phù hợp, không phiêu, không cảm được.

Tại Malaysia, Thái Lan, Singapore, người ta tận dụng những khu vực công viên, quảng trường, hội trường để tổ chức thành các food court, phục vụ cho cả nhu cầu ăn uống và vui chơi giải trí.

Những nơi này ban ngày được sử dụng cho các công năng bình thường, ban đêm trở thành những mặt bằng nhàn rỗi. Nếu như ban ngày, thức ăn đường phố chủ yếu là take-away, thì ban đêm chủ yếu là stay-on, nghĩa là có thể ngồi lại dọc đường để thư giãn, quên đi mệt nhọc.

Nói rộng hơn, kinh tế ban đêm có thể được nhận diện trong tất cả hoạt động ngoài trời. Nhắc đến Hồng Kông, ai cũng muốn một lần đến Lan Quế Phường cho biết. Đây là phố bar nổi tiếng, là thương hiệu, là danh tiếng của thành phố này.

* Theo ông, đâu là trở lực lớn nhất khiến cho kinh tế ban đêm tại TP.HCM chưa phát huy được hết tiềm lực?

- Tôi nghĩ trở lực lớn nhất là hiện nay chưa có sự khuyến khích và hành lang pháp lý rõ ràng của chính quyền đối với người dân, doanh nghiệp. Về mặt tiềm năng thì ai cũng nhìn thấy, nhưng vẫn mơ hồ với các nhà đầu tư.

Để tạo ra một nền kinh tế ban đêm, cần rất nhiều thành phần tham gia chứ không chỉ các cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ như hiện nay. Phải có các chính sách hợp lý và táo bạo để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư một cách bài bản, xứng đáng vào nền kinh tế ban đêm của thành phố.

Ở điểm này, tôi nghĩ, vai trò quản lý nhà nước là rất quan trọng, nhưng có vẻ họ chưa quan tâm.

Kinh tế ban đêm cũng rất dễ nảy sinh những vấn đề nhạy cảm, phức tạp liên quan đến tội phạm, tệ nạn, nhưng đó không phải là lý do để không ủng hộ. Không thể cứ cái gì không quản được thì cấm.

Nhà nước phải có trách nhiệm thắp sáng “ngọn đèn” kinh tế ban đêm, tạo ra điểm nhấn văn hóa cho thành phố. Không còn cách nào khác là quản lý tốt và xem đó là lợi thế cạnh tranh của một trung tâm văn hóa, kinh tế, du lịch…

* Ông có thể đề xuất một vài giải pháp?

- Như tôi đã nói, để người ta yên tâm đầu tư, phải có hành lang pháp lý và chính sách rõ ràng, bao gồm các chính sách thuế ưu đãi, hỗ trợ giá cho thuê mặt bằng, địa điểm ở những nơi mà ban đêm không ảnh hưởng đến giao thông, không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng tốt như chiếu sáng, cấp nước, thoát nước để bảo đảm cảnh quan, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường… với phí ưu đãi. Có như thế, người dân và doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư kinh doanh chứ không phải làm manh mún như hiện nay.

* Xin cảm ơn ông. 

Tiến sĩ Nguyễn Lưu Bảo Đoan (Trường đại học Kinh tế TP.HCM):
Trở ngại lớn nhất là thực thi pháp luật còn yếu

TP.HCM là thành phố du lịch, có nhiều người nước ngoài đến tham quan và làm việc. Trong quá khứ, thành phố này cũng có một cuộc sống sôi động về đêm. 

Đặc biệt, khi xét về điều kiện hạ tầng và tình trạng đông đúc, kẹt xe, ô nhiễm vào ban ngày của thành phố thì việc du khách và người dân có thể tản bộ, đi mua sắm, giải trí vào buổi tối là điều cần thiết. Do đó, TP.HCM có nhiều tiềm năng về các hoạt động giải trí, thương mại về đêm.

Các hoạt động giải trí kéo dài vào ban đêm là một trong nhiều yếu tố giữ chân khách du lịch tại bất kỳ địa phương nào. Nó cũng là một hoạt động kích cầu tiêu dùng hiệu quả vì đông người có nhu cầu giải trí, vui chơi buổi tối.  

Như vậy, chính sách quy hoạch vỉa hè, phố đi bộ vào ban đêm là điều cần thiết, tận dụng không gian đô thị thông thoáng vào buổi tối để tổ chức các hoạt động thương mại, giải trí.

Trở ngại lớn hiện nay đối với hoạt động kinh tế diễn ra vào buổi tối là thực thi pháp luật còn yếu. Cụ thể, việc giải quyết ô nhiễm tiếng ồn hiện nay tại các địa phương chưa hiệu quả nên nhiều người e ngại bị tiếng ồn và ánh sáng làm mất ngủ. 

Họ cũng e dè khi quán xá và các vũ trường mọc lên nhiều, trở thành nơi chứa tội phạm. Nếu chính quyền có quy hoạch, chuẩn bị pháp lý tốt và cam kết thực thi pháp luật hiệu quả thì người dân sẽ an tâm hơn. 

Do đó, có thể khoanh vùng làm thí điểm trước khi ban hành chính sách ở quy mô rộng rãi.

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI