Thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ ung thư

18/10/2023 - 16:09

PNO - Tình trạng thiếu ngủ mãn tính, dù là do căng thẳng, công việc hoặc chứng ngưng thở khi ngủ, đều có thể gia tăng rủi ro dẫn đến ung thư.

 

Thiếu ngủ là tình trạng phổ biến của xã hội thời đại kỹ thuật số – Ảnh: iStock
Thiếu ngủ là tình trạng phổ biến của xã hội thời đại kỹ thuật số - Ảnh: iStock

Trả lời Channel News Asia (CNA) ngày 18/10, bác sĩ Wong Sheau Hwa, điều hành Phòng khám sức khỏe tâm thần và giấc ngủ SH Wong tại Trung tâm Y tế Mount Elizabeth ở Singapore, cho biết rằng giấc ngủ liên quan đến đồng hồ sinh học của cơ thể con người, nên người bị mất ngủ mãn tính có nguy cơ ung thư cao hơn người ngủ đủ giấc.

Bác sĩ Wong cho biết: “Cơ thể người vận hành theo chu kỳ 24 tiếng được điều chỉnh bởi nhịp sinh học, với các quá trình sinh lý cụ thể xảy ra vào các khoảng thời gian nhất định trong ngày. Giấc ngủ chiếm một phần đáng kể và do đó, bất kỳ sự gián đoạn giấc ngủ nào đều cản trở các quá trình sinh học cụ thể”.

Bác sĩ Wong cho biết, giấc ngủ ngắn làm gián đoạn nhịp sinh học, khiến cơ thể sản xuất hormone gây căng thẳng nhiều hơn, gia tăng các quá trình oxy hóa làm tổn thương mô và tế bào, dẫn đến viêm mãn tính, hình thành môi trường thuận lợi cho tế bào ung thư phát triển và tăng trưởng.

Ông Wong trích dẫn nghiên cứu từ tạp chí y khoa Cancer cho thấy, những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 41% so với người ngủ được từ 6 đến 8 tiếng.

Theo đó, những người không ngủ trưa có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 60% so với những người ngủ trưa hơn một tiếng mỗi ngày. Những người có tổng thời gian ngủ mỗi ngày ít hơn 7 tiếng có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 69%, so với người ngủ tổng cộng từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày.

Bác sĩ Wong cho biết: “Giấc ngủ là khoảng thời gian diễn ra quá trình sửa chữa DNA của tế bào và sự gián đoạn có thể tích tụ các đột biến gen, thúc đẩy sự phát triển của ung thư. Giấc ngủ kém còn dẫn đến khả năng miễn dịch bị suy giảm, kém khả năng phát hiện và loại bỏ các tế bào ung thư”.

Bác sĩ Wong trích dẫn nghiên cứu của Đài Loan (Trung Quốc) được thực hiện trong 10 năm trên hơn 63.000 bệnh nhân, chỉ ra rằng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan và phổi tăng cao ở những người mắc chứng rối loạn giấc ngủ nhưng không bị ngưng thở khi ngủ.

Hệ thống bệnh viện Johns Hopkins ở Mỹ cho biết, những người làm việc ca đêm còn gặp vấn đề đáng lo ngại khác, vì “việc tiếp xúc với ánh sáng khi làm ca đêm nhiều năm làm giảm hormone melatonin, thúc đẩy ung thư phát triển”, bao gồm ung thư vú, ruột kết, buồng trứng, tuyến tiền liệt, gan và phổi.

Tiến sĩ Charlie Zhong, nhà nghiên cứu dịch tễ học tại Hiệp hội ung thư Mỹ, cho biết: “Phần lớn nghiên cứu về giấc ngủ và nguy cơ ung thư vú có liên quan đến tình trạng làm việc theo ca, hoặc các yếu tố khiến giấc ngủ bị gián đoạn, như tiếp xúc với ánh sáng bất ngờ vào ban đêm”.

Đối với những người không thể bỏ ca làm đêm, Hiệp hội ung thư Mỹ đưa ra lời khuyên, có những hoạt động thể chất giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, như vú, tuyến tiền liệt, đại tràng, nội mạc tử cung và cả tuyến tụy, đồng thời giúp điều chỉnh một số hormone khiến hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.

Trường An (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI