“Làm người nổi tiếng mà không giữ được hạnh phúc gia đình thì cũng bằng không. Không biết có phải vì tôi trở thành nhân vật của chương trình “Người đương thời” mà gia đình tan vỡ hay do một lý do khác, nhưng dù sao thì cũng tự trách mình trước” - anh nông dân Trần Quốc Biên, sinh năm 1967, hiện sống độc thân tại thôn Đá Vách, xã Phú Lộc, Phù Ninh, Phú Thọ tâm sự.
Gặp lại "người đương thời"
Lối vào nhà anh cỏ mọc um tùm, cánh cổng sắt hoen rỉ, khóa im ỉm, gọi mãi không ai trả lời. Tôi phải nhờ người hàng xóm, vốn là bạn rượu của Biên, điện thoại báo có khách… nhậu, mới thấy anh lừ đừ ra mở cổng. Một khuôn mặt trắng bủng, phù nề vì nghiện rượu. Tôi thật sự không còn nhận ra được anh nông dân tháo vát, vui vẻ của hơn mười năm trước, khi chúng tôi tới tìm anh để viết về một trong ba điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh Phú Thọ.
Khu chuồng trại nuôi lợn quy mô ngày nào giờ tan hoang, đầy cỏ dại. Ngôi nhà khang trang của đôi vợ chồng triệu phú Biên-Huệ giờ như nhà hoang. Nhấp chén rượu, anh khen rượu ngon và dần nói chuyện cởi mở hơn về hoàn cảnh của mình. Vợ chồng anh ly hôn đã mấy năm. Chị vợ sau khi đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan về, hình như chung vốn với người tình đã cùng lao động bên ấy, cất một căn nhà lớn ở Bắc Giang, hiện hai người đang chung sống với nhau.
|
Bằng khen, kỷ niệm chương của “Người đương thời” |
Hai cô con gái ở với cha, nay đều đã học xong đại học. Một mình lủi thủi trong khu nhà cũ hoang phế, anh Biên chán đời mượn rượu giải sầu. Hàng ngày anh lang thang ở nhà mấy người bạn nhậu. Những cuộc nhậu bất tận khiến anh nghiện rượu lúc nào không hay.
Một thời hạnh phúc
Tháng 6/2005, anh được lên hình trong chương trình “Người đương thời” của VTV3, vợ con anh và cả cái xóm nghèo Đá Vách đều háo hức. Đây là chuyện “trăm năm có một”, một người dân của xóm được tôn vinh trên truyền hình vì làm kinh tế giỏi.
Không tự hào sao được khi đôi vợ chồng nghèo Biên-Huệ đã vượt khó vươn lên bằng đồng vốn vay của Hội Phụ nữ, nuôi lợn thịt thành công, thành triệu phú trẻ. Hồi ấy, lúc mới vay được 10 triệu đồng, chị Huệ rất lo lắng, nhưng tin ở nghị lực của chồng, chị lăn lưng chia sẻ khó nhọc với anh. Đàn lợn của gia đình dần phát triển. Khu chuồng trại được đầu tư quy mô, thường xuyên có hơn 100 lợn thịt.
Mỗi năm vợ chồng anh bán ba lứa, được khoảng 10 tấn lợn hơi; trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng - một số tiền không nhỏ ở thời điểm cách nay 11 năm. Có lợi thế từ chăn nuôi, việc sản xuất lương thực, cây lâm nghiệp của gia đình anh cũng phát triển theo, tạo thêm nhiều nguồn thu cho gia đinh.
Trong buổi giao lưu tại trường quay “Người đương thời”, chị Huệ và gia đình vô cùng xúc động khi nghe anh nói về những nỗ lực của hai vợ chồng, những kỷ niệm trong thời gian đầu anh mới về làm rể xóm Đá Vách và khẳng định, động lực thúc đẩy anh làm giàu chính là lòng tận tụy, thủy chung của vợ.
|
Gia đình anh Biên thời “vàng son” |
Chuyện tình yêu và kinh nghiệm làm kinh tế của họ được cả nước biết đến. Bà con thường lấy gương vượt khó của anh chị để nhắc nhau cố gắng thoát nghèo. Không ngờ, cuối năm 2006, đàn lợn của gia đình anh bị dịch, mất rất nhiều tiền thuốc men cũng không cứu được. Chỉ trong vòng nửa năm, anh phá sản, trắng tay.
Họa vô đơn chí
Trước thảm cảnh đó, chị Huệ bàn với chồng vay tiền thế chân cho mình đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan để kiếm tiền vực lại kinh tế gia đình. Anh tâm sự, ngày ấy bi quan lắm, nhưng cũng cố vay mượn hơn bảy chục triệu cho vợ đi nước ngoài. Chị Huệ đi rồi, còn lại ba cha con trong căn nhà vắng, thiếu thốn đủ bề. Hai cô con gái 12 và 9 tuổi tự chăm sóc lẫn nhau cho cha đi làm kiếm tiền.
Từ một ông chủ trẻ, anh Biên thoắt cái thành người phụ hồ, đào đất thuê. Anh sẵn sàng làm mọi công việc nặng nhọc, miễn có tiền nuôi con. Chờ mòn mỏi không thấy vợ gửi về đồng nào, anh vô cùng lo lắng, khoản nợ lớn cứ đè nặng tâm trí anh. Có đôi vợ chồng chủ gỗ ở Lào Cai quen biết anh từ trước, thấy bạn sa cơ thất thế, đã rủ anh theo phụ việc.
Anh nói, hai đứa con đang cần tiền đóng học phí, nếu họ ứng trước cho năm triệu đồng thì anh đồng ý đi Lào Cai. Vợ chồng người bạn đáp ứng ngay yêu cầu. Được hơn một năm, công việc đang thuận tiện, đã trang trải gần xong số nợ, thì một đêm con gái út gọi điện cho anh khóc: “Ba ơi! Cứu con với! Con đau quá!” Con gái lớn nói rõ hơn, em bị sốt, co giật, phải sang nhờ ông bà ngoại đưa đi bệnh viện.
Lo lắng, hôm sau anh bắt xe về nhà. Từ đó anh không dám bỏ con mà đi nữa. Mình anh bươn chải nuôi hai con gái vào đại học. Một thân một mình, chẳng biết từ lúc nào anh Biên mượn rượu giải sầu. Vợ anh thấy chồng “nát rượu”, chán nản không muốn trở về. Năm ngoái, chị về nước, làm ngay thủ tục ly hôn. Cái kết của “Người đương thời” thật quá đau lòng!
Phùng Hoàng Chương