Thiếu một chữ 'đồng'

17/10/2017 - 16:00

PNO - Em không có cảm giác đây là nhà mình nữa. Em nghĩ mình chỉ ở tạm bợ vài hôm và mong có thể vay tiền mua căn hộ chung cư trả góp rồi ở riêng, chỉ thương con chịu cảnh cha mẹ ly tán...

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em và chồng lấy nhau gần 10 năm, con gái năm nay lên lớp Ba. Cuộc sống vợ chồng em chỉ ổn thỏa hai năm đầu, sau đó chồng em thường xuyên nhậu nhẹt, về khuya rồi bỏ bê chuyện giường chiếu. Có khi cả năm, vợ chồng chỉ “thăm hỏi” nhau đôi ba lần.

Thiéu mọt chũ 'dòng'
Ảnh minh họa

Quan hệ vợ chồng mỗi lúc một xấu do những va chạm tiền nong. Anh chỉ đưa một phần nhỏ lương để em lo liệu con cái, chợ búa. Đỉnh điểm là khi em mắng anh sống bê tha, thiếu trách nhiệm, anh đã bạt tai em, nói em lấy anh là tự nhiên có nhà cao cửa rộng, còn đòi hỏi gì nữa. Em đau đớn, nhục nhã, mang con về ở với bà ngoại. Được hai tháng thì em phải quay trở lại để con đi học cho gần và cũng vì chồng năn nỉ quay lại cho ảnh gặp con.

Thế nhưng, em không có cảm giác đây là nhà mình nữa. Em nghĩ mình chỉ ở tạm bợ vài hôm và mong có thể vay tiền mua căn hộ chung cư trả góp rồi ở riêng. Bạn gái thân xui em ly dị vì “vừa không có tình, vừa không có tiền”, sống với nhau làm gì. Em thì vẫn tội con phải chịu cảnh cha mẹ ly tán. Nhưng em cũng không biết mình có thể duy trì thế này bao lâu. Xin chị cho em lời khuyên.

Thu Thảo (Q.Tân Phú, TP.HCM)

Thu Thảo thân mến!

Qua thư em, Hạnh Dung nhận thấy có khá nhiều bất ổn, như gối chăn thưa thớt, mâu thuẫn tiền nong, có chửi bới, có bạt tai, nhưng cái chính là dường như giữa hai em thiếu một chữ “đồng”. Hạnh Dung có cảm giác như giữa hai người có một hố ngăn cách, và mỗi người mạnh ai nấy đào theo một phía, khiến khoảng cách ngày càng 
rộng thêm.

Thiéu mọt chũ 'dòng'
Ảnh minh họa

Gối chăn hòa hợp là chất xúc tác giúp tình cảm vợ chồng thêm nồng đượm, nhưng chuyện đó cũng là kết quả của yêu thương, không thể gượng ép. Chuyện “thưa thớt” diễn ra những tám năm mà vợ chồng em không nghiêm túc tìm cách giải quyết. Mâu thuẫn tiền bạc cũng bắt đầu từ tám năm trước, sao cứ để tích tụ rồi bùng phát thành cuộc chửi bới của vợ và cú bạt tai của chồng?

Lẽ ra, khi chớm có mâu thuẫn, hai em nên nói chuyện với nhau. Em nên hỏi xem chồng đang có tâm sự gì buồn, tại sao lại trở nên đàn đúm, nhậu nhẹt. Em cũng có thể thỏa thuận với anh ấy về cách quản lý tiền bạc và chi tiêu. Việc chồng đưa bao nhiêu tiền, giữ lại bao nhiêu, cả hai cần bàn để thống nhất.

Trong ngôi nhà chung, nếu mọi người cứ lo đối phó nhau, cuộc sống sẽ rất ngột ngạt. Chị thấy không chỉ anh ấy thiếu tôn trọng em, mà chính em cũng không tôn trọng anh ấy. Một cái tát trong trạng thái bị kích động (bị vợ chửi) chưa đủ để kết luận anh ta quá tệ. Ly hôn cũng là một hướng nghĩ, nhưng nó chỉ nên được tính đến khi mình đã cố gắng giải quyết. Trong trường hợp này, chị nghĩ em nên định ra một khoảng thời gian (chẳng hạn như hai, ba năm) để cải thiện quan hệ với chồng.

Trước hết, em phải xác định hạnh phúc chung giữa hai người là quan trọng, để từ đó dành sự quan tâm nhiều hơn cho chồng. Em có thể kéo anh ấy về với niềm vui gia đình, nhờ anh ấy chở con đi chơi, rồi nhân lúc vui vẻ, khơi gợi tâm sự của anh ấy. Sau khoảng thời gian nỗ lực, chị mong hạnh phúc lại về với vợ chồng em. Nhưng nếu không có tiến triển, anh ấy không hợp tác, khi đó, em cũng có cơ sở để nghiêm túc nói với anh ấy về những điều mình cảm nhận, suy nghĩ, và nghiêm túc nghĩ đến ly hôn. 

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:
hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI