Thiếu máy bay, khó mong giá vé giảm

03/04/2024 - 07:03

PNO - Nhiều chặng bay trong nước nay chỉ còn 2 hãng Vietnam Airlines và Vietjet Air khai thác, vì vậy giá vé rất đắt đỏ.

Chủ một đại lý bán vé máy bay ở TP Hà Nội cho hay, giá vé dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới cao hơn trước đây là do nhu cầu đi lại tăng cao, các hãng hàng không được tăng mức trần giá vé. Một số hãng đang bảo dưỡng, sửa chữa động cơ máy bay theo khuyến cáo của nhà sản xuất nên giảm số chuyến bay trong năm 2024 và 2025. Việc 2 hãng hàng không Pacific Airlines và Bamboo Airways tái cơ cấu đội bay, giảm chi phí, cắt nợ và chờ thị trường khôi phục cũng làm giảm đáng kể số chỗ trên mạng bay nội địa. Hiện nhiều đường bay từ TPHCM và TP Hà Nội đi các tỉnh chủ yếu do Vietnam Airlines và Vietjet Air khai thác. Những nguyên nhân trên khiến giá vé máy bay khó “hạ nhiệt” trong thời gian tới.

Hành khách của hãng Vietnam Airlines làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh chụp vào tháng 3/2024)
Hành khách của hãng Vietnam Airlines làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh chụp vào tháng 3/2024)

Ông Nguyễn Vũ Hoàng - Giám đốc tiếp thị và truyền thông của hãng Vietravel Airlines - cũng cho biết dòng máy bay A321Neo sử dụng động cơ Pratt & Whitney của một số hãng hàng không Việt Nam phải dừng khai thác để bảo dưỡng nên số chỗ ngồi giảm. Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Vietravel Airlines sẽ tăng tần suất các chuyến bay từ TPHCM đi Đà Nẵng và Hà Nội. Tuy nhiên, hành khách nên đặt vé sớm bởi có thể hết vé hoặc giá vé cao nếu mua vé sát ngày bay.

Theo ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines - các hãng bay đang phải tốn nhiều chi phí đầu vào, đặc biệt là giá nhiên liệu, tỉ giá ngoại tệ cao. Từ ngày 1/3, giá vé trần trên các đường bay nội địa tăng thêm 5% so với trước đây, là điều kiện để các hãng hàng không bù đắp chi phí và cũng là cơ hội để điều chỉnh dải giá vé bay trong mạng đường bay nội địa.

Ông cho hay, đang có hơn 3.500 động cơ máy bay Airbus A320Neo trên thế giới được triệu hồi để kiểm tra, bảo dưỡng, riêng Vietnam Airlines có 24 động cơ của 12 máy bay phải mang đi kiểm tra. Do đứt gãy chuỗi cung ứng nên thời gian bảo dưỡng 1 máy bay kéo dài từ 100-120 ngày lên 250-300 ngày, ảnh hưởng rất lớn đến việc tăng tải trên mạng bay nội địa và quốc tế trong năm nay và có thể kéo dài sang năm 2025. “Tuy nhiên, Vietnam Airlines vẫn duy trì được khả năng vận chuyển hành khách nhờ tối ưu hóa nguồn lực và điều hành linh hoạt, chủ động” - ông nói.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng dịp lễ 30/4 và 1/5, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng duy trì tối đa đội bay, tăng cường bay đêm để bù đắp số máy bay sụt giảm. Ngoài ra, cục cũng điều chỉnh tham số điều phối giờ hạ, cất cánh (slot) tại sân bay Tân Sơn Nhất dịp lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè 2024, cụ thể là tăng từ 42 chuyến/giờ lên 44 chuyến/giờ cho các khung từ 6g đến 23g55 và từ 32 chuyến/giờ lên 36 chuyến/giờ cho các khung từ 0g đến 5g55 (giờ Hà Nội).

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch khai thác, bổ sung máy bay, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và hè sắp tới.

Bộ cũng yêu cầu các hãng bay thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hạn chế tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, điều lệ vận chuyển; tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách; kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá vé máy bay.

Hiện tại, Pacific Airlines đang hoàn thiện các thủ tục để thuê lại 3 máy bay, sớm đưa vào khai thác trong dịp lễ 30/4 và hè 2024. Bamboo Airways và Vietjet Air cũng đang lên kế hoạch thuê thêm máy bay. Các hãng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất vay, đặc biệt là với khoản vay trung và dài hạn; tăng hạn mức tín dụng cho hãng bay; điều hành tỉ giá ổn định ở mức thấp nhất có thể để tránh tác động đến chi phí đầu vào của các hãng hàng không.

Nam Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI