Thiếu lắng nghe, khó hòa hợp

27/12/2014 - 17:33

PNO - PN - Sự khác biệt về quan điểm, văn hóa ứng xử của mỗi gia đình là nguyên nhân khiến không ít các ông chồng, bà vợ cảm thấy bức bối khi hòa nhập vào đại gia đình nhà chồng/vợ. Để hóa giải được vấn đề, đòi hỏi người...

edf40wrjww2tblPage:Content

Từ buổi tiệc…

Chồng: Em làm sao vậy, có ba mẹ, anh chị đến chơi mà mặt cứ nhăn nhó, miệng thì im ỉm. Nhìn em như vậy ai mà nuốt trôi cơm.

Vợ (khó chịu): Anh nói vậy nghĩa là sao, sáng sớm em đã dậy đi chợ chuẩn bị đầy đủ từ món khai vị cho đến tráng miệng. Ngay cả con nít cũng có những món ăn riêng, như vậy còn đòi hỏi gì nữa.

Chồng: Không ai đòi hỏi gì cả, em có cho ăn rau luộc chấm mắm mà mặt mày em tươi tắn, cởi mở thì mọi người vẫn thấy vui. Đằng này em chẳng nói chẳng cười thì có ăn vàng cũng không thấy ngon. Mọi người ái ngại vì em lạnh lùng xa cách quá, cười một cái khó lắm sao?

Vợ (mất bình tĩnh): Sao anh chẳng bao giờ chịu hiểu và cảm thông cho vợ vậy, anh cũng như gia đình anh chỉ biết bắt lỗi em thôi. Anh thử đặt anh vào vị trí của em đi, cả tuần quần quật với con cái, nhà cửa, công việc; có ngày Chủ nhật nghỉ ngơi thì phải dậy sớm đi chợ nấu nướng tiệc tùng cho hơn chục miệng ăn rồi còn phải dọn dẹp thì có tươi nổi không?

Chồng (cố gắng kiềm chế): Đâu phải Chủ nhật nào mọi người cũng đến chơi, lâu lâu mới đông đủ một lần mà em lại... (bỏ lửng). Em xem những lần tổ chức họp mặt nhà anh chị, có ai chủ nhà mà mặt mày bí xị như em không?

Vợ (mất kiểm soát): Vậy em phải làm sao để vừa lòng cả nhà anh? Những lần trước em nói cười thoải mái thì bảo em không giữ phép tắc, lần này em im lặng thì lại trách là không gần gũi, thân thiện. Mỗi chuyện mỗi bắt bẻ ai chịu cho nổi.

Thieu lang nghe, kho hoa hop

…qua cuộc chiến

Chồng (quát lớn): Em thôi đi, việc gia đình anh góp ý về em cũng chỉ vì mọi người thương em, muốn em hòa hợp với gia đình. Em đã không biết sửa đổi thiếu sót của mình mà còn để bụng, trách móc.

Vợ (nói như quát): Thế thì sao? Em có phải là con nít đâu mà mỗi chút mỗi ý kiến, em cho con ăn cũng góp ý, nhặt bó rau, rửa con cá cũng bảo phải làm thế này thế nọ. Việc lớn việc nhỏ gì mọi người cũng can thiệp, bắt lỗi, bắt phải.

Chồng: Tại em cứ giữ thành kiến với mọi người nên ai nói gì em cũng nghĩ là ghét bỏ, soi mói. Mà em không chịu nhìn nhận thiếu sót của mình. Em để con vừa ăn vừa xem ti vi, chơi game, ngay cả anh còn khó chịu thì nói gì đến ba mẹ, anh chị. Người khác góp ý đúng em phải biết lắng nghe chứ. Còn nhiều việc khác nữa, tóm lại nhập gia thì phải tùy tục.

Vợ (khóc bù lu): Vậy anh có nhập gia tùy tục với gia đình em không? Anh thấy đó, thằng út đi làm về ngồi ngửa sai vợ dọn cơm, ba em nhìn thấy đã nhắc nó để vợ nghỉ ngơi vì đứa nào cũng đi làm như nhau. Còn nhà anh thì sao, em mà nhờ anh làm tí việc nhà thì cả nhà anh cau có, khó chịu với em ra mặt. Cái kiểu chồng chúa vợ tôi đó em không hòa nhập được. Em cũng đi làm, cũng kiếm tiền thì vợ chồng phải bình đẳng mọi việc chứ.

***

Câu chuyện kết thúc bằng thái độ hằn học của chồng và những giọt nước mắt ấm ức của vợ. Mâu thuẫn không được giải quyết, vì người vợ vẫn khư khư cho rằng nhà chồng xem chị như người ngoài, còn người chồng thì cảm thấy ngao ngán vì vợ tự ái thái quá, cố chấp không biết lắng nghe.

Gỡ bỏ lăng kính thành kiến

Theo chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy, Giám đốc Công ty WE Link, khi bước vào đời sống hôn nhân, không ai muốn xảy ra bất hòa giữa chồng/vợ với đại gia đình, nhưng do sự khác biệt về ý thức, thói quen dẫn đến khác biệt trong ứng xử, làm nảy sinh mâu thuẫn. Biểu hiện cụ thể là một bên không hài lòng, một bên cảm thấy oan ức. Ai cũng biết, nếu bị bên mình la mắng, tự mình cảm thấy rất ấm ức nhưng không bao giờ để bụng. Tuy vậy, nếu bị bên chồng nói vài câu thì cảm thấy bực mình, cho rằng nhà chồng cố tình bới lông tìm vết, để bụng suốt đời dần dần đóng băng thành định kiến.

Câu chuyện trên là sự khác biệt về cách ứng xử trong mỗi gia đình dẫn đến người vợ không hòa hợp được với nhà chồng. Và thay vì lắng nghe để hòa hợp thì người vợ lại tự ái, cay cú, từ đó luôn cảm nhận sự việc theo chiều hướng tiêu cực.

Để hóa giải vấn đề này, đòi hỏi thái độ hợp tác và nỗ lực hòa nhập của cả hai vợ chồng. Người chồng cần phải giúp vợ dần hòa nhập với gia đình mình bằng cách san sẻ công việc, khích lệ vợ trong những dịp họp mặt gia đình, khéo léo chuyển tải những lời góp ý sao cho người vợ không cảm thấy tự ái về những điểm còn hạn chế của mình. Ngược lại người vợ cũng phải cởi bỏ định kiến, không nên nghĩ mình là người “phục dịch” và so sánh với văn hóa của “nhà mình” để biện minh cho thái độ của bản thân. Vấn đề hoàn toàn có thể khác đi nếu người vợ thấy rằng mình đang góp phần vào việc nuôi dưỡng mối quan hệ với gia đình chồng, mà giờ đây là gia đình mình. Người vợ cần biết rằng mang lại niềm vui, hòa vào không khí chung của gia đình bên chồng cũng là việc làm để nuôi dưỡng cuộc hôn nhân của chính mình.

 NHƯ PHONG 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI