Thiếu hụt viện trợ, một “đại dịch tử vong” đe dọa thai phụ toàn cầu

07/04/2025 - 12:20

PNO - Tổ chức y tế Thế giới (WHO) cảnh báo việc cắt giảm viện trợ khiến các dịch vụ thiết yếu cho sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở nhiều quốc gia trở nên khan hiếm.

Một người tị nạn chảy máu trong thai kỳ được đưa đến bệnh viện ở thành phố Bangassou, Cộng hòa Dân chủ Congo - Ảnh: Alexis Huguet/MSF
Một người tị nạn chảy máu trong thai kỳ được đưa đến bệnh viện ở thành phố Bangassou, Cộng hòa Dân chủ Congo - Ảnh: Alexis Huguet/MSF

Cơ quan của Liên hiệp quốc (LHQ) cảnh báo nhiều phụ nữ có nguy cơ tử vong trong thai kỳ và quá trình sinh nở hơn, do các quốc gia giàu có đang cắt giảm viện trợ. Điều này có thể "tác động giống như đại dịch" với tỷ lệ tử vong ở thai phụ.

Theo báo cáo mới của LHQ về xu hướng tử vong ở bà mẹ, phụ nữ mang thai ở các vùng xung đột là những người dễ bị tổn thương nhất, và phải đối mặt với "nguy cơ cao đáng báo động" gấp 5 lần so với những nơi khác.

Các tác giả cho biết, tử vong do biến chứng khi mang thai và sinh nở đã giảm 40% trên toàn cầu trong giai đoạn 2000-2023, nhưng tiến triển này "mong manh" và bắt đầu chậm lại kể từ năm 2016. Ước tính có 260.000 phụ nữ tử vong vào năm 2023 do các nguyên nhân liên quan đến thai kỳ.

Họ nói thêm rằng, có "mối đe dọa về sự thụt lùi lớn" trong bối cảnh "những trở ngại ngày càng gia tăng".

Các chuyên gia của WHO cảnh báo rằng việc cắt giảm tài trợ của Mỹ trong năm 2025 sẽ khiến nhiều phòng khám đóng cửa và nhân viên y tế mất việc làm, đồng thời làm gián đoạn chuỗi cung ứng thuốc men cần thiết, nhằm điều trị các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bà mẹ như xuất huyết, tiền sản giật và sốt rét.

Bản báo cáo được chính phủ Mỹ tài trợ một phần tiết lộ rằng số ca tử vong ở bà mẹ đã tăng 40.000 vào năm 2021 do đại dịch COVID-19, có thể là do các biến chứng từ chính loại vi-rút này, và do sự gián đoạn trong chăm sóc sức khỏe.

Tiến sĩ Bruce Aylward - trợ lý tổng giám đốc của WHO - cho biết, sự gia tăng đó có thể cung cấp thông tin chi tiết về tác động có thể xảy ra của các đợt cắt giảm viện trợ hiện tại.

Ông cho biết: "Với COVID-19, chúng ta đã chứng kiến ​​một cú sốc cấp tính đối với hệ thống, và những gì đang xảy ra với nguồn tài chính là một cú sốc tương tự. Các quốc gia không có thời gian để đưa ra và lập kế hoạch cho các nguồn tài chính khác và những người lao động khác mà họ sẽ sử dụng, và những đánh đổi nào mà họ sẽ thực hiện trong hệ thống của mình, để cố gắng đảm bảo các dịch vụ thiết yếu nhất có thể tiếp tục".

Ông nói thêm rằng sự thiếu hụt các dịch vụ sẽ dẫn đến "những tác động giống như đại dịch", đồng thời cảnh báo việc cắt giảm tài trợ không chỉ gây nguy cơ cho sự tiến triển trong việc bảo vệ sức khỏe thai phụ toàn cầu, mà còn có thể khiến thế giới bị thụt lùi.

Tỷ lệ tử vong trên toàn thế giới cần phải giảm nhanh hơn 10 lần so với hiện tại - 15% thay vì 1,5% hằng năm - để đạt được mục tiêu phát triển bền vững là dưới 70 ca tử vong trên 100.000 ca sinh trước năm 2030.

Báo cáo nêu bật những bất bình đẳng đáng kể. Ở các nước nghèo vào năm 2023, có 346 ca tử vong ở sản phụ trên 100.000 ca sinh - gần gấp 35 lần so với mức 10 trên 100.000 ở các nước giàu. Trong khi ở các nước có thu nhập cao và trung bình khá, 99% ca sinh có sự tham gia của chuyên gia y tế, tỷ lệ này ở các nước nghèo chỉ khoảng 73%.

Các quốc gia có xung đột hoặc được mô tả là an toàn "mong manh" chiếm 61% số ca tử vong ở sản phụ, và 25% số ca sống sót sau sinh trên toàn cầu.

Một bé gái 15 tuổi ở một quốc gia nghèo có 1/66 nguy cơ tử vong do nguyên nhân liên quan đến thai kỳ hoặc sinh nở. Ở một quốc gia giàu có, con số này là 1/7.933. Riêng tại một quốc gia có chiến tranh, con số này là 1/51.

Catherine Russell - giám đốc của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) - cho biết: “Việc cắt giảm tài trợ toàn cầu cho các dịch vụ y tế đang khiến nhiều phụ nữ mang thai gặp rủi ro hơn, đặc biệt là ở những nơi dễ bị tổn thương nhất, bởi họ bị hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc thiết yếu trong thời kỳ mang thai và sự hỗ trợ cần thiết khi sinh con.

Thế giới phải khẩn trương đầu tư vào nữ hộ sinh, y tá và nhân viên y tế cộng đồng để đảm bảo mọi bà mẹ và em bé đều có cơ hội sống sót, phát triển khỏe mạnh”.

Báo cáo cho biết nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ đã "đình trệ" ở nhiều nơi trên thế giới, kể từ năm 2015, bao gồm Bắc Phi và phần lớn châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh, và vùng Caribe. Các tác giả kêu gọi nỗ lực hơn nữa để đảm bảo duy trì các dịch vụ quan trọng, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và giáo dục giới tính.

Pascale Allotey - giám đốc bộ phận sức khỏe sinh sản của WHO – nhận xét: "Phụ nữ tử vong khi sinh con là điều mà tất cả chúng ta đều có trách nhiệm chung. Chúng ta phải hành động".

Ngọc Hạ (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI