Thiếu giáo viên vì chính sách đã có nhưng khó đi vào cuộc sống

26/05/2023 - 19:57

PNO - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga chỉ ra, dù đã có chính sách song tình trạng thiếu giáo viên chưa được cải thiện, nhiều sinh viên sư phạm chưa được hỗ trợ.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nêu tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn tồn tại trong khi đã có chính sách của Nhà nước
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga nói rằng tình trạng thiếu giáo viên vẫn còn tồn tại trong khi đã có chính sách của nhà nước

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đánh giá rất cao việc Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Việc tổ chức phiên thảo luận này tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng cho cử tri, giúp cử tri cùng giám sát việc trả lời kiến nghị của các cơ quan chức năng, tăng tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng thực hiện công tác này đảm bảo chất lượng cao nhất. 

Gửi ý kiến kiến nghị của cử tri, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay, cử tri đặc biệt quan tâm và tháo gỡ khó khăn khi thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP hỗ trợ sinh hoạt cho sinh viên sư phạm.

Theo bà, dù Nghị định 116 đã được ban hành 3 năm nhưng tới nay, ít đơn vị triển khai thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên. Việc đấu thầu đào tạo giáo viên như cung cấp một mặt hàng, các cơ sở đào tạo là nơi cung cấp mặt hàng đó. Trong khi chất lượng, uy tín, bề dày kinh nghiệm của các cơ sở cung cấp là không giống nhau. “Điều gì sẽ xảy ra nếu các cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng lại trượt thầu và ngược lại” - ĐB đặt câu hỏi

Cũng theo bà, sinh viên được đào tạo theo đơn đặt hàng nhưng khi muốn trở thành giáo viên thì phải thi tuyển công chức. Sinh viên không theo nghề sẽ phải bồi hoàn tiền đào tạo. Tuy nhiên, bà đặt ra tình huống, nếu sinh viên không thi đậu công chức thì có phải bồi hoàn không? Nếu bồi hoàn thì có thể dẫn tới trường hợp cố tình thi trượt để tránh bồi hoàn không?

ĐB chia sẻ, chính sách dù đã có nhưng đi vào thực hiện rất khó khăn trong khi tình trạng thiếu giáo viên chưa được cải thiện. Người dân mong muốn con em mình theo học ngành sư phạm được hỗ trợ như Nghị định 116 nhưng nhiều sinh viên chưa được hỗ trợ, vì vậy chưa thực hiện được. Do đó, ĐB tha thiết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Chính phủ để tháo gỡ ngay những vướng mắc này.

Cùng quan tâm vấn đề giáo dục, ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho biết, cử tri ngành giáo dục mong mỏi Chính phủ tăng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non, công tác ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Kiến nghị này rất chính đáng. Tại phiên chất vấn kỳ họp trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ghi nhận và sớm xem xét trình Chính phủ điều chỉnh để làm sao động viên, giữ chân đội ngũ giáo viên nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

H.Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI