edf40wrjww2tblPage:Content
Trong các bệnh viện tại thành phố, hiện mới có một bệnh viện có khoa điều trị bệnh nghề nghiệp. Số lượng bác sĩ có trình độ chuyên sâu về bệnh nghề nghiệp cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bảo vệ quyền lợi cho người lao động, các doanh nghiệp nên thường xuyên tổ chức khám bệnh nghề nghiệp
Chớ xem thường!
Bệnh nhân N.T.U., 34 tuổi, làm việc tại một công ty sản xuất giày da, vừa trải qua đợt điều trị tại Khoa Bệnh nghề nghiệp (BNN), Bệnh viện (BV) Điều dưỡng - phục hồi chức năng và điều trị BNN TP.HCM. Trước lúc nhập viện, U. có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, thỉnh thoảng chóng mặt và ngất xỉu. U. đã đi khám bệnh nhiều nơi nhưng không có kết quả. Mới đây, công ty tổ chức khám BNN, U. được chẩn đoán bị nhiễm benzen. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã hết các triệu chứng lâm sàng. “Tôi định chuyển công việc vì sợ bị tái nhiễm lần nữa và cảm thấy sức khỏe của mình không còn tốt như xưa”, U. cho biết.
Anh N.T.H. (36 tuổi, ngụ Bình Dương), công nhân sản xuất bình ắc quy, được đưa vào khoa BNN với chẩn đoán nhiễm chì. Sau 10 ngày điều trị, các triệu chứng lâm sàng giảm, xét nghiệm không phát hiện chì trong máu nữa. Tương tự, kết quả giám định cho thấy chị V.T.T., 39 tuổi, có thâm niên làm nghề dệt gần 10 năm, đã bị điếc. Hai năm trở lại đây, chị T. nghe không rõ. Để chống ồn, chị sử dụng nút tai trong quá trình làm việc.
TS-BS Huỳnh Tấn Tiến - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM - cho biết, hiện có 30 loại BNN được Nhà nước công nhận và chi trả bảo hiểm y tế. Người lao động (NLĐ) mắc các BNN sau nhiều nhất: điếc, nhiễm độc benzen, nhiễm độc chì, nhiễm độc hóa chất trừ sâu, viêm loét da, viêm gan virus. Đa số các BNN có thể chữa khỏi, nhưng một số bệnh để lại di chứng vĩnh viễn, mất khả năng lao động như điếc nghề nghiệp; các bệnh về bụi phổi silic, amiăng…
“Sau điều trị, nếu bệnh nhân không thực hiện tốt việc bảo hộ lao động, bệnh dễ tái phát. Chất độc hoặc các yếu tố có hại thấm nhiễm vào cơ thể sẽ tích lũy theo thời gian. Khi cao hơn mức cho phép thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe” - bác sĩ (BS) Hoàng Văn Thế, Trưởng khoa BNN, BV Điều dưỡng - phục hồi chức năng, điều trị BNN TP.HCM - cảnh báo.
Doanh nghiệp thờ ơ, bệnh viện không mặn mà
Khoa BNN tại BV Điều dưỡng - phục hồi chức năng và điều trị BNN mới thành lập vào tháng 5/2014 với 15 giường bệnh. Thời gian qua, khoa đã điều trị tám đợt cho 80 NLĐ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho giới công nhân làm việc ở những lĩnh vực độc hại. Tuy nhiên, hiện khoa mới có một BS chuyên ngành và một số BS cộng tác đã được tập huấn để làm công tác khám, sàng lọc, nhận diện BNN. Với nhiều loại BNN, khoa vẫn chưa đủ điều kiện máy móc, cơ sở vật chất để điều trị.
Tại Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM hiện chỉ có sáu BS chuyên khoa BNN nhưng mỗi năm phải khám cho khoảng 15.000 người làm việc trong môi trường độc hại. Các BS phải làm việc hết công suất.
Để tránh BNN, quan trọng nhất là biện pháp dự phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận và phối hợp giữa các doanh nghiệp và lực lượng y tế đang gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ khám sức khỏe tổng quát định kỳ mà không khám BNN cho NLĐ. Việc giám sát, phát hiện những cơ sở không chấp hành vệ sinh lao động, phòng chống BNN cũng gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý hóa chất độc hại có yếu tố nguy cơ cao gây BNN vẫn chưa được quan tâm…
TS-BS Trịnh Hồng Lân - Trưởng khoa Sức khỏe lao động - BNN, Viện Y tế công cộng TP.HCM - đánh giá: “Phần yếu nhất trong công tác y tế lao động hiện nay là công tác tầm soát và phát hiện BNN. Thậm chí một số tỉnh, thành vẫn chưa có khả năng khám, phát hiện bất cứ BNN nào. Lực lượng BS chuyên ngành BNN đang rất thiếu và yếu. Tại nhiều địa phương, các khoa BNN chỉ có một hai BS đa khoa chưa đủ năng lực khám BNN. Việc sử dụng con người cũng chưa hợp lý, nhiều BS có kiến thức và kinh nghiệm về BNN lại được điều chuyển sang các bộ phận khác và ngược lại”.
Cũng phải nhắc đến công tác đào tạo. Các trường đại học y khu vực phía Nam hiện đang thiếu nghiêm trọng các cán bộ giảng dạy về BNN. Đa phần, các BS làm công tác khám BNN hiện nay đều là BS đa khoa được tập huấn và học thêm các khóa đào tạo ngắn hạn bởi các viện chuyên ngành thuộc hệ dự phòng. Thậm chí, không ít BS chưa từng được đào tạo về BNN.
BS BNN là BS thuộc hệ dự phòng, khám bệnh chủ yếu theo quy định nhà nước. Ngay cả quy trình khám BNN cũng theo hướng dẫn nhà nước như: chẩn đoán phải dựa trên kết quả giám sát môi trường lao động, yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp, kết quả khám sức khỏe định kỳ… Phải dịch chuyển nhiều nhưng thu nhập không hấp dẫn nên đa số các BS không muốn làm việc ở hệ dự phòng mà chỉ muốn làm điều trị.
Một số BS chấp nhận làm việc ở hệ dự phòng một thời gian rồi lại chuyển công tác sang các lĩnh vực khác với thu nhập cao hơn. Tại các BV công, dù đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất, đội ngũ, nhưng “cũng do thu nhập không hấp dẫn nên các BV không mặn mà với dịch vụ này” - TS-BS Trịnh Hồng Lân lo lắng.
BV Điều dưỡng - phục hồi chức năng, điều trị BNN TP.HCM đang và sẽ xây dựng phòng đo thính lực, chức năng hô hấp, để tăng cường khám, sàng lọc BNN; tăng cường trang thiết bị để khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời một số BNN khác cho công nhân như: hen phế quản, viêm phế quản, các bệnh da, dị ứng, đồng thời lập hồ sơ gửi giám định để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
Tuy nhiên, “một con én không làm nên mùa xuân”, cần thiết phải có sự nỗ lực chung của nhiều đơn vị nghề nghiệp. TS-BS Huỳnh Tấn Tiến cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường tổ chức khám, tầm soát BNN để bệnh nhân được phát hiện và điều trị kịp thời. Các trường đại học, viện chuyên ngành nên mở lớp đào tạo chuyên khoa và chương trình sau đại học về y học lao động và BNN để đào tạo lực lượng chuyên sâu về BNN.
“Hiện, các BV lớn trên địa bàn TP.HCM có thừa khả năng để chữa trị BNN. Nên chăng các BV quan tâm mở các khoa BNN. Đây vừa là cơ sở khám, phát hiện, điều trị bệnh cho NLĐ, vừa là nơi để BS học tập chuyên ngành và thực hành. Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi riêng cho BS thuộc hệ dự phòng nói chung và BS chuyên ngành BNN nói riêng. Các trung tâm, BV cần có cơ chế thu hút BS BNN làm việc và tạo điều kiện để họ có thêm thu nhập, yên tâm làm việc và cống hiến hết năng lực của mình”, TS-BS Trịnh Hồng Lân đề nghị giải pháp.
HOA LÀI