Thiếu đất làm công viên, mảng xanh TPHCM đang nhạt nhòa

27/06/2024 - 05:52

PNO - Thiếu cây xanh, nhiều tuyến đường và khu dân cư ở TPHCM khô khốc. Đã vậy, số cây xanh đường phố ngày càng ít đi để nhường chỗ cho các công trình. Trong khi đó, các dự án xây dựng công viên lại khó triển khai do thiếu đất, thiếu tiền…

Đường khô khốc bê tông, nhựa nóng

Rộng 5 làn xe, là một trong những tuyến giao thông chính đi vào quận 1, đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) luôn tấp nập người xe qua lại. Thế nhưng, 2 bên đường này hầu như không có bóng dáng cây xanh, chỉ có nhà ở, cửa hàng và vỉa hè lát gạch. Chạy xe trên đường này lúc trời nắng gắt là một cực hình bởi hơi nóng hầm hập từ nhựa đường hắt lên, tường nhà hắt ra, ánh mặt trời chiếu xuống.

Ngay ở trung tâm thành phố, đường Tôn Đức Thắng (quận 1) từng có nhiều cổ thụ trăm tuổi cao chót vót, tán rộng che mát, nay chỉ có một số cây me cao 3 - 4m, tán nhỏ, chỉ đủ để che mát những khoảng nhỏ trên vỉa hè. Từ năm 2018, hàng cổ thụ đã bị chặt hạ, di dời để thi công đường dẫn cầu Ba Son.

Tương tự, một đoạn trên đường Lương Ngọc Quyến (phường 5, quận Gò Vấp) cũng vắng bóng cây xanh, đoạn khác thì có một số cây chỉ cao hơn 1m, vừa được trồng để thay thế cho những cây bị chết khô trước đó. Ngoài ra, hàng loạt tuyến đường khác ở TPHCM cũng trơ trọi do thiếu cây xanh, như đường Trường Chinh (quận Tân Bình), đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Cách Mạng Tháng Tám, Hai Bà Trưng (quận 3)…

Cây con mới được trồng một bên vỉa hè trên đường Lương Ngọc Quyến (phường 5, quận Gò Vấp) - ẢNH: VŨ QUYỀN
Cây con mới được trồng một bên vỉa hè trên đường Lương Ngọc Quyến (phường 5, quận Gò Vấp) - Ảnh: Vũ Quyền

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65 m2/người (hướng tới 2030 không dưới 1 m2/người). Để thực hiện, đến năm 2025, cần đầu tư xây dựng mới tối thiểu 150ha công viên công cộng, tối thiểu 10ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng TPHCM, từ năm 2021 đến giữa tháng 5/2024, toàn thành phố chỉ phát triển được gần 30ha công viên công cộng (đạt 19,95% so với chỉ tiêu); phát triển được 40,16ha mảng xanh công cộng (đạt 401,6%); trồng mới và cải tạo 28.014 cây xanh công cộng (đạt 93,38%).

Để đạt chỉ tiêu cây xanh theo kế hoạch, TPHCM cần thực hiện 55 dự án với kinh phí đầu tư ước tính 4.480 tỉ đồng nhưng đến nay, mới chỉ có 9 dự án với tổng diện tích là 36,1ha có trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao nhiệm vụ đề xuất chủ trương đầu tư. Trong đó, mới có 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích 18,76ha và kinh phí là 1.591 tỉ đồng.

Giải bài toán đất trồng cây

Trao đổi với chúng tôi, kiến trúc sư Nguyễn Đình Hòa (Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM) nêu nhận xét, TPHCM là địa phương có tốc độ đô thị hóa cao hàng đầu Việt Nam trong nhiều năm qua. Với quy mô dân số lớn, TPHCM rất cần những mảng cây xanh cho người dân, nhưng tỉ lệ đất trồng cây xanh công cộng chỉ đạt 0,57 m2/người, quá thấp so với quy hoạch chung đã được phê duyệt (khoảng 7 m2/người). Vì vậy, chính quyền thành phố cần sớm đầu tư xây dựng thêm các công viên cây xanh.

Ông cho rằng, TPHCM thiếu mảng xanh là do đang thiếu giải pháp quy hoạch tốt và cơ chế đột phá để tạo quỹ đất làm công viên cây xanh. Công tác lập quy hoạch công viên cây xanh trong những năm qua hầu như chỉ tập trung ở phân khu chức năng, quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo đủ chỉ tiêu theo quy mô dân số của các đồ án và khu vực, chưa chú trọng đến hiệu quả sử dụng đất và sử dụng không gian của các khu dân cư, khu đô thị tiếp giáp khu công viên cây xanh.

Đường Cách Mạng Tháng Tám (từ đường Đỗ Thị Lời đến đường Rạch Bùng Binh) trơ trụi, hiếm thấy bóng dáng cây xanh, mà chỉ có nhà cửa, xe cộ và những chùm dây điện - ẢNH: VŨ QUYỀN
Đường Cách Mạng Tháng Tám (từ đường Đỗ Thị Lời đến đường Rạch Bùng Binh) trơ trụi, hiếm thấy bóng dáng cây xanh, mà chỉ có nhà cửa, xe cộ và những chùm dây điện - Ảnh: Vũ Quyền

Theo ông, nhu cầu sống gần các khu công viên cây xanh của người dân là rất lớn nên giá trị kinh tế của các khu đất xung quanh công viên cây xanh rất cao. Từ nhu cầu này, có thể nâng cao hiệu quả sử dụng đất thông qua việc nâng cao hệ số sử dụng đất để thu hút đầu tư, phát triển các dự án khu dân cư, khu phức hợp cao tầng xung quanh các khu công viên cây xanh. Thế nhưng lâu nay, hầu hết công viên cây xanh được đầu tư xây dựng và duy trì bằng tiền ngân sách, mà nguồn ngân sách lại hạn hẹp so với nhu cầu đầu tư và có nhiều công trình khác cần ưu tiên đầu tư hơn, như hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện...

Để thay đổi tình trạng trên, chính quyền thành phố cần giữ vai trò chủ đạo trong việc phối hợp với các bên liên quan gồm các chủ sử dụng đất, các tổ chức tài chính (ngân hàng, quỹ đầu tư), các doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án bất động sản và các đơn vị tư vấn quy hoạch, kiến trúc; điều chỉnh cách làm quy hoạch công viên cây xanh theo hướng nâng cao tối đa hiệu quả sử dụng đất và sử dụng không gian của các khu dân cư, khu phức hợp cao tầng xung quanh công viên cây xanh nhằm kêu gọi, thu hút tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư xây dựng công viên cây xanh.

Tiếp đó, chính quyền thành phố chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án, tổ chức bán đấu giá phần đất khu dân cư phức hợp trung và cao tầng phục vụ mục đích kinh doanh để tạo vốn triển khai thực hiện toàn bộ dự án; tổ chức đấu thầu thi công xây dựng hạ tầng giao thông, khu dân cư phức hợp trung và cao tầng phục vụ mục đích tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Đối với các dự án phức hợp xung quanh các khu công viên cây xanh có quy mô lớn, nên phân thành các dự án thành phần nhỏ để kêu gọi thu hút đầu tư.

Ngoài ra, chính quyền thành phố cần đẩy nhanh quá trình di dời các nhà xưởng - đặc biệt là những nhà xưởng gây ô nhiễm - để thu hồi đất và đầu tư xây dựng công viên cây xanh. Thực tế, TPHCM có một số khu đất thuộc diện này đã được quy hoạch làm công viên cây xanh trong nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Làm công viên từ điểm trung chuyển rác, nghĩa trang

Cuối năm 2023, quận Bình Tân đã tổ chức khánh thành công viên trung tâm khu dân cư Vĩnh Lộc rộng 3,6ha. Vị trí đất làm công viên trước đây là trạm trung chuyển rác ô nhiễm. Việc xây dựng công viên ở đây đã góp phần xóa sổ điểm ô nhiễm, tăng mảng xanh và tạo ra điểm vui chơi cho người dân địa phương nên người dân nơi đây rất đồng tình, ủng hộ.

Ngoài dự án trên, lãnh đạo UBND quận Bình Tân cho biết, hiện tại địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Trước đây, khu đất nghĩa trang Bình Hưng Hòa được quy hoạch làm khu phức hợp thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, quận Bình Tân đã đề xuất điều chỉnh, làm dự án trường học và công viên.

Vũ Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI