Thiếu dân chủ là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô

07/09/2020 - 06:47

PNO - Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Vừa qua tại sao xảy ra một số hiện tượng tiêu cực? Tại sao một số cán bộ bị kỷ luật? Chỗ này phải đề cập rõ hơn, chú trọng làm tốt hơn công tác xây dựng Đảng...”.

Ngày 3/9, tại buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM để cho ý kiến về dự thảo văn kiện và phương án nhân sự cấp ủy trình Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là đại hội Đảng, nên cần báo cáo sâu sắc hơn nữa về công tác xây dựng Đảng, chứ không chỉ nặng về kinh tế.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Ông chỉ rõ: “Vừa qua tại sao xảy ra một số hiện tượng tiêu cực? Tại sao một số cán bộ bị kỷ luật? Chỗ này phải đề cập rõ hơn, chú trọng làm tốt hơn công tác xây dựng Đảng. Tiềm năng, tiềm lực phong phú đến đâu đi nữa, nhưng con người không tốt, sự lãnh đạo không đúng thì không có hiệu quả, có khi đi chệch hướng”. 

Lâu nay, khi nói đến “chệch hướng”, phần đông chỉ nghĩ về đường lối chính trị - vấn đề cốt tử trong sự tồn tại và phát triển của Đảng. Đặt trong thời điểm hiện nay, đối diện thực tế, đối chiếu lý luận, sự “chệch hướng” mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước đặt ra lại chủ yếu phát sinh từ các “nhánh” của công tác xây dựng Đảng: từ cái gốc cán bộ và công tác cán bộ; xây dựng Đảng về đạo đức cho đến thực thi nguyên tắc cơ bản - tập trung dân chủ trong hệ thống chính trị.

Đây là những vấn đề có thể dễ nhận diện hơn thông qua định lượng diễn tiến công việc, biểu hiện của con người, so với những diễn biến trong tư tưởng - vốn dĩ là cốt lõi để hình thành con người và hành động của nó, nhưng cũng chính con người lại biết dùng hành động để “biến hình” tư tưởng! 

Ngày 24/7/1962, trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi đây là cuộc cách mạng nội bộ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

Xin lưu ý, đây là cuộc sinh hoạt chính trị dành cho cán bộ cao cấp, người sáng lập ra tổ chức Đảng, người thầy của các thế hệ đảng viên lại đặt ra những vấn đề thuộc về trách nhiệm quản lý tổ chức, đạo đức cán bộ. Người chỉ rõ: “Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của những “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách. Vì vậy, bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô”. 

Soi vào thực tế hiện nay, trong nhiều trường hợp, nguyên tắc tập thể lãnh đạo - cá nhân phụ trách có thật sự gắn liền với tính dân chủ - tập thể, tính tập trung - cá nhân? Hay vai trò người đứng đầu - bí thư cấp ủy đã bị cá nhân hóa, phủ trùm lên tập thể, thành tập trung quyền lực, phân hóa dân chủ. Thậm chí, lạm dụng những nguyên tắc, quy định trong Đảng (thông thường phải được xem xét khách quan, minh bạch) để phủ quyết tính dân chủ trong Đảng. 

Điều này phần nào lý giải vì sao trong hầu hết các vụ việc vi phạm pháp luật của các tổ chức Đảng, cán bộ đảng viên sau khi được công bố, dư luận quần chúng vẫn đặt ra câu hỏi, ở đâu vai trò giám sát kỷ cương trong Đảng, tiếng nói phản biện, đấu tranh của tổ chức Đảng đã vắng bặt.

Kỳ thực, chức năng giám sát, phản biện hay nguyên tắc tập trung dân chủ, một khi đã bị kiểm soát, phân hóa, giả hiệu bởi tập trung quyền lực của người đứng đầu hoặc một nhóm quyền lực thì sức chiến đấu của tổ chức Đảng đã bị suy yếu, thậm chí triệt tiêu. Quan liêu, tham nhũng, tha hóa từ đấy mà nảy nòi, Đảng mất cán bộ, nhân dân mất lòng tin vào Đảng cũng từ đấy mà sinh sôi. 

Tư tưởng được “chưng cất” trong não trạng, tư duy của con người; tư tưởng - chính trị xác quyết nhận thức, thái độ, hành động của mỗi đảng viên. Đạo đức cách mạng làm nên phẩm giá, nhân cách của người cán bộ. Thực hiện nguyên tắc “nền” tập trung dân chủ là quyền, nghĩa vụ của từng tổ chức Đảng và đảng viên. Tất cả, đều quy về con người. Xây dựng Đảng cũng không ngoài chỉnh đốn, xây dựng, hoàn thiện tổ chức, bộ máy, công cụ do chính con người - cán bộ, đảng viên nắm giữ, điều hành, thực hiện, giám sát. 

Ở chức năng cuối cùng, nhân dân dự phần giám sát, tuy không nằm trong tổ chức Đảng nhưng tai mắt nhân dân là công cụ cảm biến nhạy bén nhất, xác thực nhất bởi rốt cùng, Đảng thoát thai từ dân. 

Cũng là Hồ Chủ tịch, Người nói: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng”.

Gốc rễ ấy có bám đất mà bền sâu, vững chãi hay không, thực tiễn đã, đang và sẽ có câu trả lời chân thực nhất. 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI