Cấp bách khơi thông cơ chế phát triển nhà dưỡng lão - Bài 2:

Thiếu cơ sở, nhân lực và chính sách hỗ trợ phát triển

04/07/2024 - 06:11

PNO - Tư tưởng xã hội thay đổi cùng tốc độ già hóa dân số đã khiến nhu cầu vào viện dưỡng lão ngày càng tăng. Tuy nhiên, thiếu chính sách hỗ trợ, thúc đẩy khiến việc thành lập, vận hành các cơ sở này gặp nhiều khó khăn.

Theo dự báo, đến năm 2038, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già với tỉ lệ người cao tuổi chiếm 25%, kéo theo nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ xã hội ngày càng lớn. Cho nên, ngay từ bây giờ, việc quan tâm đầu tư, phát triển hệ thống các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, trong đó có viện dưỡng lão, là hết sức cần thiết, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM.

Bài 1: Muốn vào viện dưỡng lão, không dễ!

Các cụ già ở viện dưỡng lão Thị Nghè được chăm sóc sức khỏe hằng ngày - ẢNH: B.N.
Các cụ già ở viện dưỡng lão Vườn Lài được chăm sóc sức khỏe hằng ngày - Ảnh: B.N.

Cơ sở lẫn nhân lực đều thiếu

Thành lập từ tháng 6/2018, đến nay viện dưỡng lão Vườn Lài (quận 12, TPHCM) có 2 cơ sở, chăm sóc khoảng 200 ông, bà cụ. Ông Nguyễn Quốc Bảo - Giám đốc viện dưỡng lão Vườn Lài - thông tin, số người cao tuổi xin vào viện ngày càng đông, 2 cơ sở hiện không đủ đáp ứng. Viện dự tính trong năm nay sẽ ra mắt cơ sở thứ ba. Ông Bảo dự đoán, với tốc độ già hóa dân số hiện nay cùng với đặc trưng dân số của một thành phố phát triển như TPHCM, thời gian tới nhu cầu vào viện dưỡng lão của người già sẽ còn tăng nhiều.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó giám đốc trung tâm dưỡng lão Thị Nghè - cũng nhận định, nhu cầu xã hội đối với viện dưỡng lão hiện rất cao. Nguyên nhân là do tư tưởng xã hội đã cởi mở hơn. Nếu như trước đây, các cụ quan niệm vào viện dưỡng lão sẽ bị đánh giá do con cái ngược đãi, bỏ rơi, thì bây giờ, nhiều cụ chủ động vào để con cái yên tâm làm việc. Thêm vào đó, vào viện dưỡng lão, các cụ có bạn đồng niên để trò chuyện, chia sẻ. Nhiều người cảm nhận cuộc sống vui tươi hơn.

Tuy nhiên, theo bà Kim Thúy, do điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là nguồn nhân lực, trung tâm dưỡng lão Thị Nghè hiện chỉ có thể chăm sóc cho 150 người già hiện có chứ không đáp ứng hết nhu cầu ngày càng tăng. Mặc dù trung tâm có quy mô 14.000m2 với 150 căn phòng, khả năng đáp ứng tối đa 150 người (hiện có 126 cụ, trong đó có 50 cụ trong diện chính sách và 76 cụ thuộc diện có thu phí), nhưng biên chế được giao chỉ có 47 người, bao gồm y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên phục vụ.

“Với số biên chế đó, chúng tôi không đủ khả năng để chăm sóc các trường hợp yếu, liệt thuộc diện có thu phí; chỉ dám nhận những trường hợp còn khả năng tự phục vụ bản thân” - bà Kim Thúy thông tin.

Bà Kim Thúy cho biết thêm, từ năm 2015 đến nay, năm nào trung tâm dưỡng lão Thị Nghè cũng đăng thông tin tuyển dụng 1 bác sĩ, nhưng gần 10 năm nay vẫn chưa tuyển được. Các bác sĩ không mặn mà vì môi trường dưỡng lão không có điều kiện giúp họ nâng cao tay nghề để phát triển sự nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, vấn đề nhân lực phục vụ trong ngành dưỡng lão đang rất thiếu. Hiện đã có trường đại học, trường nghề đào tạo chuyên ngành lão khoa, nhưng mức độ đào tạo còn ít cả về số lượng lẫn chất lượng.

Ông nói: “Khi phỏng vấn tuyển dụng, chúng tôi chọn đầu vào là các chuyên ngành điều dưỡng, chăm sóc y tế. Nhưng khi vào làm việc, các bạn như một tờ giấy trắng, không biết chăm sóc một người già phải như thế nào. Tôi nghĩ, để chuẩn bị cho sự phát triển của các mô hình dưỡng lão trong tương lai, cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành này. Đặc biệt, các trường y nên có hẳn chuyên khoa về dưỡng lão”.

Nhà đầu tư chưa tiếp cận được chính sách ưu đãi

Theo bà Trần Thị Thúy Nga - Phó tổng giám đốc trung tâm dưỡng lão Diên Hồng - để nhiều người già vào được viện dưỡng lão, cần có quỹ đất xây dựng cũng như có những ưu đãi về thuế, phí cho các nhà đầu tư. Hiện nay, các nhà đầu tư viện dưỡng lão tư nhân đang phải chịu mọi chi phí từ mua đất, thuê đất, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, thuê đội ngũ… Tất cả chi phí này, người cao tuổi sống ở viện phải “gánh”.

Các cụ tập luyện bài thể dục với dây thun tại trung tâm dưỡng lão Nhân Ái - ẢNH: M.T.
Các cụ tập luyện bài thể dục với dây thun tại trung tâm dưỡng lão Nhân Ái - Ảnh: M.T.

Là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam vận hành mô hình dưỡng lão bán trú (năm 2020), bà Nguyễn Thị Kim Thanh - người sáng lập trung tâm chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái (TP Hà Nội) - cho biết, đơn vị của bà đã mất nhiều năm tìm hiểu và học tập mô hình từ Nhật Bản và có những điều chỉnh khi đưa vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo bà Thanh, yếu tố quan trọng nhất để mô hình dưỡng lão đến được với nhiều người là ở việc thực hiện các chính sách. Bà cho rằng, Luật Người cao tuổi quy định chăm sóc người cao tuổi là một trong những lĩnh vực được khuyến khích xã hội hóa cũng giống như giáo dục, y tế, văn hóa thể thao. Những quy định về thụ hưởng trong việc xã hội hóa chăm sóc người cao tuổi cũng rất rõ ràng. Thế nhưng đến nay, những quy định đó chưa thực sự đi vào cuộc sống, nên sự tiếp cận, thụ hưởng gần như không có.

Bà Kim Thanh nhận định, với mô hình viện dưỡng lão, yếu tố quan trọng đầu tiên bao giờ cũng là mặt bằng. Thế nhưng, những nhà đầu tư như bà gần như rất khó tiếp cận với quỹ đất mà phải đi thuê cơ sở như những ngành nghề kinh doanh khác, nên các đơn vị chỉ có thể đầu tư ở một mức độ, quy mô nào đó, chứ không được hoàn chỉnh như yêu cầu và mong muốn.

Về tài chính tín dụng, các đơn vị cũng chưa được hưởng những ưu đãi về lãi suất mà vẫn phải vay vốn ngân hàng thương mại với mức lãi suất lên đến 12%. “Chính sách, quy định đã có rồi. Bây giờ phải làm sao để thực thi chính sách, đưa được những quy định đó vào cuộc sống. Có như vậy thì hệ thống dưỡng lão tại Việt Nam mới thực sự được hậu thuẫn, vấn đề chăm sóc người cao tuổi nói riêng và an sinh xã hội nói chung mới được khởi sắc và phát triển toàn diện, trọn vẹn hơn” - bà Nguyễn Thị Kim Thanh nói.

Ông Trương Xuân Cừ - Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam - nhiều lần nhấn mạnh việc phải dành quỹ đất để xây dựng viện dưỡng lão, giống như quỹ đất dành cho phát triển kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa. Điều này càng cấp bách trong bối cảnh nước ta đang có 16 triệu người già và tốc độ già hóa dân số đang rất nhanh, nhu cầu về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi rất lớn, nhưng chỉ có gần 0,7% người già được sống trong viện dưỡng lão.

Mỹ: Bảo hiểm chi trả một phần chi phí dưỡng lão

Theo Cục Điều tra dân số Mỹ, bộ phận dân số từ 65 tuổi trở lên tại nước này dự kiến sẽ tăng từ 58 triệu năm 2022 lên 73 triệu vào năm 2030. Khi dân số già đi thì ngày càng có nhiều người ghi danh vào các chương trình an sinh xã hội và medicare - chương trình bảo hiểm y tế liên bang dành cho những người từ 65 tuổi trở lên.

Ngoài lựa chọn sống tự lập, sống chung nhà với con cháu, bạn bè hoặc yêu cầu nhân viên xã hội đến tận nhà để hỗ trợ một số việc cá nhân, chăm sóc điều dưỡng tại các nhà dưỡng lão là lựa chọn phù hợp cho những người già mắc bệnh mạn tính. Có 15.300 cơ sở viện dưỡng lão ở Mỹ vào năm 2020, với tổng cộng khoảng 1,6 triệu chỗ.

Theo Cục Thống kê lao động Mỹ, tháng 9/2023, có 1,4 triệu người đang làm việc trong các viện dưỡng lão, bao gồm y tá, nhân viên xã hội, chuyên gia trị liệu thể chất và ngôn ngữ, dược sĩ… Medicare sẽ hỗ trợ thanh toán cho 100 ngày đầu tiên tại viện dưỡng lão hoặc cơ sở điều dưỡng chuyên môn. Dù vậy, người dân vẫn phải đồng thanh toán 204 USD/ngày trong giai đoạn từ ngày 21 đến ngày 100. Bước sang ngày thứ 101, bảo hiểm Medicare sẽ kết thúc và các hình thức thanh toán khác là cần thiết.

Theo khảo sát về chi phí chăm sóc năm 2023 của tổ chức bảo hiểm nhân thọ Genworth Financial, chi phí trung bình của việc chăm sóc chuyên môn trong phòng riêng tại viện dưỡng lão vào khoảng 116.800 USD/năm. Trong hầu hết các trường hợp, cư dân viện dưỡng lão phải trả tiền túi cho đến khi sử dụng hết tài sản tích lũy của họ.

Đến lúc này thì Medicaid - một chương trình chung của liên bang và tiểu bang cung cấp bảo hiểm cho những người có thu nhập thấp - bắt đầu được kích hoạt để giúp người dân trang trải chi phí. Trên thực tế, Medicaid là nguồn thanh toán cho phần lớn cư dân tại viện dưỡng lão ở Mỹ (62%).

Ngọc Hạ (theo US News, USA Facts)

Minh Tuệ - Nguyệt Minh

Kỳ tới: Cần chính sách đồng bộ để chăm lo tốt hơn cho người già

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu