Đổi mới chương trình mà "cứng" trong thời khóa biểu là rất khó
Hiệu trưởng một trường THCS tại TP Thủ Đức chia sẻ, dù Chương trình GDPT 2018 đã giảm tải một số môn học, song thời lượng tổng số tiết học vẫn không thay đổi. Do vậy, việc thiết kế dạy học 2 buổi/ngày với thời lượng 8 tiết sẽ đảm bảo vừa tải hết chương trình, vừa giúp học sinh có thêm kỹ năng thông qua hoạt động, môn học bổ trợ.
“Theo quy định của Bộ GD-ĐT trong hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày ở Chương trình GDPT 2006 thì chỉ tối đa 7 tiết/ngày. Tuy nhiên với Chương trình GDPT 2018 lại tăng cường các hoạt động trải nghiệm, kỹ năng cho học sinh thì với 3 tiết/buổi 2, nhà trường chưa thể nào tải hết được các hoạt động giáo dục bổ trợ, học sinh có thể phải học vào thứ Bảy. Thêm nữa, học 3 tiết/buổi chiều, phần nào gây khó khăn cho phụ huynh trong việc đưa đón… Đổi mới chương trình mà cứng trong thời khóa biểu cũ thì rất khó”.
|
Học sinh Trường THCS Minh Đức (quận 1) trong tiết học ở phòng thực hành |
Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1 lại nhìn nhận, ở bậc THCS, hiện nay phụ huynh vẫn còn nặng nề quan điểm học để thi tuyển sinh lớp 10, do vậy khi nhà trường giảm tải cho học sinh thì nhiều phụ huynh thậm chí còn “xin” tăng tiết các môn thi tuyển sinh.
“Nhà trường đã thiết kế cho học sinh nghỉ 1 buổi chiều trong tuần để các em tự học. Tuy nhiên phụ huynh lại xin nhà trường cho các em đến trường rèn luyện vì không thể trông con trong ngày đó, không yên tâm để con ở nhà một mình”.
Cô Trương Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (quận 5) - chia sẻ, hiện tại, cái khó của các trường là chưa đồng bộ trong văn bản hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày, cho cả 2 chương trình là GDPT 2006 và 2018. Tuy nhiên, trong hướng dẫn chuyên môn thì đều rất rõ ràng với 2 chương trình.
“Đúng nghĩa việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trong buổi 2 là chỉ sắp xếp một số môn văn hóa, còn lại là tăng cường các hoạt động dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho học sinh, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, tùy theo đối tượng năng lực học sinh. Việc sắp xếp thời khóa biểu buổi 2 để giảm áp lực cho học sinh thì phải có sự hài hòa, không đặt nặng về kiến thức mà cần chú trọng thêm các trải nghiệm…”.
Nhà trường phải được trao cơ chế mở
Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), thời khóa biểu 2 buổi/ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu ở các khối lớp đều thiết kế 8-9 tiết/ngày. Trong một tuần, mỗi khối có từ 3-4 ngày học 9 tiết/ngày.
Lý giải về việc thiết kế thời khóa biểu như trên, thầy Đỗ Đình Đảo - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, ngoài đảm bảo theo đúng yêu cầu số tiết mà Bộ GD-ĐT quy định, hiện thời khóa biểu các khối lớp của trường đang “tải” các hoạt động giáo dục trong chương trình nhà trường.
Chương trình nhà trường được trường tổ chức với sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, bao gồm đồng thuận về việc tổ chức, mức thu và thời gian tổ chức. Với nhiều hoạt động đa dạng, như tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh với người nước ngoài, giờ học thể dục thể thao tự chọn, năng khiếu, tin học quốc tế, kỹ năng sống, giáo dục STEM… để trang bị thêm cho học sinh kỹ năng, giúp giảm áp lực học tập.
“Mỗi chương trình nhà trường sẽ có thêm từ 1-2 tiết, khi phụ huynh đồng thuận thì nhà trường phải sắp xếp triển khai cho học sinh. Nếu xếp 8 tiết/ngày theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT cho chương trình GDPT 2006 thì không thể tải hết các nội dung này mà học sinh phải học thêm vào ngày thứ bảy. Tuy nhiên, qua khảo sát, nhận thấy nguyện vọng của phụ huynh học sinh là không muốn xếp các hoạt động bổ trợ kỹ năng vào ngày thứ Bảy mà mong muốn xếp luôn vào thời khóa biểu trong tuần. Do đó, thời khóa biểu ở một số ngày trong tuần bị “đôn” lên 9 tiết/ngày” - thầy Đỗ Đình Đảo nói.
Theo hiệu trưởng này, hiện nay Bộ GD-ĐT chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc THPT cho Chương trình GDPT 2018 đang gây khó cho các trường trong sắp xếp thời khóa biểu sao cho hài hòa nhất. Nếu áp dụng đúng theo hướng dẫn cứng của Bộ GD-ĐT như trước đây với Chương trình GDPT 2006 là không quá 8 tiết/ngày, thì nhà trường gặp khó, vì phụ huynh không muốn con em mình đi học vào ngày thứ Bảy.
|
Bộ GD-ĐT cần trao cơ chế mở cho trường trong thiết kế thời khóa biểu |
Nhìn từ thực tế ở trường, thầy Đảo cho rằng, Chương trình GDPT 2018 đã trao quyền chủ động cho các nhà trường trong thiết kế hoạt động giáo dục phù hợp với đặc thù học sinh và đơn vị trường thì cần trao quyền cho trường trong thiết kế thời khóa biểu. Có như vậy mới có thể đảm bảo tạo sự đồng thuận, thuận lợi nhất cho phụ huynh, học sinh.
Thầy Đỗ Đình Đảo kiến nghị: “Bộ cần phải có hướng dẫn cụ thể cho nội dung này để trao cơ chế mở cho trường trong thiết kế thời khóa biểu, tiến tới sự đồng bộ nhất với việc thực hiện chương trình phù hợp với đặc thù của từng nhà trường. Mục tiêu cuối cùng là trang bị thêm kỹ năng cho học sinh, giảm áp lực học tập cho học sinh…”.
Hiệu trưởng này cho rằng, cùng với trao cơ chế mở cho các nhà trường, cần tăng cường kiểm tra giám sát của các cấp quản lý, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.
“Để việc học của học sinh nhẹ nhàng, đôi khi không nằm ở việc số tiết học mỗi ngày trong thời khóa biểu mà phụ thuộc nhiều vào tư duy, phương pháp giảng dạy của giáo viên, cách thức sắp xếp tổ chức của hiệu trưởng. Nếu hiệu trưởng không nặng nề về thành tích, trao sự chủ động cho thầy cô trong tổ chức môn học của mình thì giáo viên không bị áp lực. Khi giáo viên không áp lực thì sẽ mạnh dạn đổi mới phương pháp, sáng tạo trong từng giờ học, tổ chức đa dạng hoạt động trải nghiệm cho học sinh, không đòi hỏi quá cao về khối lượng kiến thức ở tất cả học sinh, thì việc của các em sẽ nhẹ nhàng hơn" - thầy Đỗ Đình Đảo nhìn nhận.
Quốc Trung