Mỗi ngày, tại TP.HCM, có hàng chục ngàn xe container ra vào các cảng và các khu công nghiệp để vận chuyển hàng hóa, nhưng số bãi đậu xe đủ tiêu chuẩn dành cho xe container lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để đáp ứng nhu cầu đậu xe, nhiều bãi xe đã hình thành tự phát, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Ám ảnh những bãi đậu xe “chui”
Dọc theo tuyến Xa lộ Hà Nội, có khá nhiều bãi xe container tự phát, được lập trong khu dân cư. Nhiều đoạn, chủ phương tiện cho xe đậu ngay trên lề đường để chờ đến sáng, cho xe vào cảng. Đêm đến, những “khối sắt khổng lồ” nằm trơ trọi bên lề đường, không có bất kỳ tín hiệu cảnh báo nào. Cách đây không lâu, trên Xa lộ Hà Nội, một thanh niên 26 tuổi, quê ở TP.Cần Thơ đã thiệt mạng do xe máy tông vào đuôi xe container đậu trên đường vào buổi tối.
|
Một vụ tai nạn do xe container gây ra tại TP.HCM ngày 21/3 |
Quận 9, nơi có số lượng xe container ra vào cảng bốc hàng đông nhất TP.HCM nhưng lại thiếu trầm trọng bãi đậu xe. Các bãi đậu xe “chui” tập trung tại các phường Phú Hữu, Long Thạnh Mỹ, Phước Long, Long Bình… là nỗi ám ảnh của người dân nhiều năm nay.
Theo quan sát của chúng tôi, ngày 23/3, trên một đoạn ngắn của đường Số 11 thuộc khu phố Giãn Dân, P.Long Bình, Q.9, có hàng chục bãi đậu xe container tự phát nằm san sát nhau. Ở cuối đường này (đoạn gần ngã ba Nguyễn Xiển), có rất nhiều bãi đậu xe tự phát với lượng xe container vào ra liên tục. Hoạt động ngày đêm của các bãi xe tự phát chính là áp lực đè nặng lên hạ tầng giao thông ở đây.
“Ngày nào cũng phải tưới nước mặt đường. Không tưới là không thể nào sống nổi vì bụi mù trời, khách không dám ghé” - ông Nguyễn Thuận, chủ một quán cà phê trên đường Hoàng Hữu Nam, P.Tân Phú, Q.9, lắc đầu.
Nhiều đoạn của đường Số 11, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh… bị xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên xuất hiện biển cảnh báo “Đoạn đường hay xảy ra tai nạn”. “Hồi trong tết, mới tờ mờ sáng, nghe cái rầm, mở cửa chạy ra mới biết xe chạy nhanh đến nỗi rớt luôn cả thùng container xuống đất. Nhà hàng xóm của tôi bị thùng container đè sập cả mảng tường lớn. May không đè trúng người” - ông Biết, nhà ở gần chân cầu Võ Khế (đường Nguyễn Duy Trinh), bàng hoàng kể.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, hầu hết doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM, đặc biệt là ở Q.9, không có bãi đậu xe ổn định, phải đậu lề đường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Hiện trên địa bàn Q.9 có khoảng 200 bãi xe container và xe tải nhưng chỉ có khoảng 10 bãi phù hợp quy hoạch, còn lại là hoạt động tự phát.
Tối 22/3, khi chúng tôi lưu thông qua đường Hồ Học Lãm đoạn vào bến Phú Định (Q.6) thì gặp hai chiếc xe container đậu choán 1/3 lòng đường, trong khi khu vực này thường xuyên có xe tải, xe container ra vào, nên người dân di chuyển rất khó khăn. Tài xế tên Khánh (quê Tiền Giang) cho biết, anh đậu xe tạm trên lề đường nghỉ ngơi từ 22g cho đến sáng mới vào công ty bốc hàng. Do ở khu vực này không có bãi đậu xe container nên tài xế đành phải đậu trên lề đường và chấp nhận bị phạt.
Phải quy hoạch đất để làm bãi xe
Ông Nguyễn Văn Minh - đại diện một doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM - cho biết, nhu cầu vận chuyển hàng hóa ở TP.HCM rất lớn nhưng hầu hết các bãi đậu xe là do doanh nghiệp tự đầu tư, chưa có chủ trương hỗ trợ nào từ chính quyền thành phố. “Thực tế, ai có tiền nhiều thì mua được bến bãi, ai ít tiền thì phải đi thuê. Nhưng hiện nay, bất động sản đang lên giá nên doanh nghiệp rất khó thuê mặt bằng. Giá thuê ở TP.HCM quá cao, chúng tôi phải qua các tỉnh lân cận, rất bất tiện cho việc chở hàng tại TP.HCM” - ông Minh phàn nàn.
Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết, hiện giá thuê chỗ đậu xe container lên đến 1,5 triệu đồng/đầu xe. Dù giá thuê cao, nhưng các bãi xe vừa không đủ quy chuẩn, vừa kém an toàn. Doanh nghiệp sẽ đỡ tốn kém và vất vả nếu có bến bãi đạt chuẩn do UBND TP.HCM chỉ đạo đầu tư.
Ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho rằng, nếu TP.HCM tiếp tục cho chuyển mục đích sử dụng đất ở các khu công nghiệp, cảng biển, cảng sông thì chắc chắn không bao giờ quy hoạch được bãi đậu xe container. Ông nêu ví vụ, một chỗ đậu xe chiếm khoảng 30m2 đất. Đất này nếu đã chuyển mục đích sang đất ở, có giá khoảng 25 triệu đồng/m2. Một chỗ đậu xe có giá 750 triệu đồng thì chủ đất sẽ bán, lấy tiền đi đầu tư việc khác chứ không dại gì làm bãi xe. Do đó, chỉ có cách không cho chuyển mục đích sử dụng sang đất ở mới mong quy hoạch được bãi xe.
Chia sẻ về giải pháp có bãi đậu xe container cho các doanh nghiệp, bà Phạm Thị Thúy Vân - Phó giám đốc marketing Công ty Tân Cảng Sài Gòn - cho biết, năm 2018, cảng Cái Mép có sản lượng 2,6 triệu teu (đơn vị đo lường, tương đương 20 feet) cần vận chuyển về TP.HCM nhưng hơn 80% đi đường thủy bằng sà lan. Việc thiếu quy hoạch các kho bãi cộng với phí BOT quá cao khiến vận tải đường bộ bị mất lợi thế cạnh tranh.
“Để phát triển ngành logistics, TP.HCM cần sớm quy hoạch phát triển liên kết vùng. Cần quy hoạch bãi đỗ xe ở Khu công nghệ cao và khu vực P.Long Bình (Q.9) ở phía đông và đường Vành đai 3, 4 ở phía nam. Cần phải có quy hoạch sớm, có chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này để giải quyết bài toán thiếu bãi xe” - bà Vân nói.
Sẽ công bố quy hoạch kho bãi hàng hóa
Hiện nay, hệ thống bến, bãi ở TP.HCM chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa. TP.HCM đang hoàn thiện đề án chiến lược phát triển logistics gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có vấn đề quy hoạch, đầu tư bến bãi cho vận tải hàng hóa. Từ năm 2017, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã rà soát về quy hoạch bến bãi và hiện đã có bản quy hoạch gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc để phê duyệt, công bố cho các doanh nghiệp biết. TP.HCM cũng đang làm một bến bãi ở khu vực Linh Xuân, sắp tới sẽ đi vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu về kho bãi cho các đơn vị vận tải. Ngoài ra, TP.HCM cũng có chính sách hỗ trợ lãi vay khi đầu tư vào lĩnh vực kho bãi.
✮ Ông TRẦN QUANG LÂM - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM
|
Sơn Vinh - Từ Nhân