Thiệt thòi nhiều khi rút bảo hiểm nhân thọ trước hạn

04/01/2024 - 06:26

PNO - Tham gia bảo hiểm nhân thọ được 7 năm, anh Trần Văn Tuấn (quận 3, TPHCM) quyết định rút tiền, chờ khi có công việc ổn định sẽ tham gia trở lại. Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, nếu rút trước hạn, kể từ năm thứ mười trở đi, giá trị hoàn lại mới tương đương với số phí mà người tham gia đã đóng.

Thiệt  thòi trong ngắn hạn lẫn dài hạn 

Anh Tuấn kể, anh tham gia bảo hiểm nhân thọ (BHNT) từ năm 2015, mỗi năm đóng 30 triệu đồng: “Trước đây, tổng thu nhập của vợ chồng tôi khoảng 30 triệu đồng/tháng nên tạm đủ sống. Nay vợ tôi thất nghiệp nên chúng tôi không thể tiếp tục tham gia BHNT. Tôi phải rút BHNT, được khoảng 100 triệu đồng, “lỗ” hơn 100 triệu”. 

Một khách hàng đang được nhân viên bảo hiểm tư vấn về các quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm nhân thọ
Một khách hàng đang được nhân viên bảo hiểm tư vấn về các quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm nhân thọ

Ngồi ở văn phòng của công ty BHNT mà anh Tuấn đang làm thủ tục, trong buổi sáng, chúng tôi ghi nhận có 4-5 người đến rút BHNT với lý do gặp khó khăn về kinh tế. Chị Nguyễn Ngọc Thùy (quận 6, TPHCM) đã tham gia BHNT tròn 7 năm, chi phí mỗi năm trên 32 triệu đồng (bao gồm cả sản phẩm chính và phụ). 2 năm gần đây, do thu nhập giảm, chị Thùy quyết định rút số tiền đã đóng. Nếu rút hết khoản đã đóng, chị chỉ thực lãnh 58 triệu đồng. Sau khi được nhân viên tư vấn, chị quyết định chỉ rút 80% giá trị hợp đồng, được 49 triệu đồng, giữ lại 9 triệu đồng để khi có tiền thì đóng tiếp. 

Nhân viên một văn phòng tổng đại lý BHNT trên đường Hùng Vương, quận 5, TPHCM cho biết, hồi tháng 4/2023, sau khi 1 diễn viên nổi tiếng phản ánh việc “cảm thấy mình bị lừa” vì số tiền thực lãnh khi đến hạn hợp đồng không còn nguyên vẹn như số tiền đã đóng, mỗi ngày, cô phải hỗ trợ tất toán hàng chục hồ sơ rút BHNT trước hạn. Gần đây, mỗi ngày, cô phải tiếp nhận, tư vấn 3-5 trường hợp muốn rút BHNT để có tiền trang trải trong thời gian chờ kiếm được công việc mới. Các trường hợp rút BHNT sau 5-7 năm tham gia thường chịu lỗ 60 - 80% số tiền đã đóng.

Theo ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - người rút BHNT trước hạn sẽ gặp nhiều thiệt thòi trong ngắn hạn và dài hạn. Đầu tiên, họ không thể nhận lại đủ số phí đã đóng mà chỉ nhận được số tiền sau khi công ty đã trừ các khoản phí, như phí quản lý hoạt động, phí bảo hiểm rủi ro. Tiếp đến, họ sẽ mất đi quyền lợi bảo vệ cho bản thân và những người được bảo hiểm. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc có một công cụ phòng vệ như BHNT hoặc bảo hiểm sức khỏe là rất cần thiết. Do đó, người mua không nên rút BHNT trước hạn mà nên tìm cách duy trì để bảo vệ bản thân và người thân trước các rủi ro. 

Ông Trần Nguyên Đán - giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Trường đại học Kinh tế TPHCM - cũng khuyên nên cố gắng duy trì hợp đồng mua BHNT, không nên rút trước hạn bởi số tiền thực lãnh trong 5 năm đầu tiên rất thấp. Hiện có khoảng 7 loại hình BHNT nhưng phần lớn người dân đang tham gia sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Trong vòng 4 năm đầu tiên, số tiền đóng bảo hiểm bị trừ vào các chi phí cơ bản ban đầu như trả lương nhân viên, thuê mặt bằng, hoa hồng đại lý, lần lượt là 90%, 80%, 30% và 20%. Từ năm thứ năm trở đi, người mua bảo hiểm bị trừ tiếp chi phí quản lý rủi ro (khoảng 1,5% và tăng theo độ tuổi), phí quản lý hợp đồng… 

Cần thêm sản phẩm cho người thu nhập thấp

Nếu mua gói bảo hiểm với mức đóng 50 triệu đồng/năm, tổng chi phí tham gia trong 4 năm là 200 triệu đồng thì chi phí quản lý ban đầu đã hết 80-110 triệu đồng, số còn lại tiếp tục bị trừ vào phí quản lý rủi ro, phí hợp đồng và tổng thực lãnh chỉ còn khoảng 50-70 triệu đồng. Nếu bên mua bảo hiểm tham gia đủ 10 năm với tổng cộng 500 triệu đồng thì số tiền rút về chỉ khoảng 350 triệu đồng. Đó là chưa kể, khi bên mua rút trước hạn, công ty bảo hiểm phải rút bớt tiền bên đơn vị liên kết đầu tư, khoản tiền trong hợp đồng bảo hiểm của khách sẽ không còn sinh lãi như dự tính ban đầu, dẫn đến số tiền thực lãnh càng ít đi.

Theo ông Trần Nguyên Đán, nếu gặp khó khăn về tài chính, người mua BHNT nên liên hệ công ty bảo hiểm để xin giảm số tiền phí hằng năm thay vì ngưng đóng tiền bảo hiểm. Hiện nay, người giàu muốn tham gia bảo hiểm, còn người có thu nhập từ trung bình trở xuống không muốn tham gia hoặc có tham gia thì muốn phí bảo hiểm ít nhưng tiền lãi nhận được phải nhiều, số tiền đã đóng còn nguyên vẹn. Ông cho rằng, người có thu nhập trung bình trở xuống là đối tượng cần trích tiền để mua bảo hiểm hằng năm, nếu không đủ khả năng tham gia BHNT thì có thể mua các sản phẩm bảo hiểm vi mô, như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo. 

Ông Trần Nguyên Đán nói: “Các công ty bảo hiểm phải phát triển nhiều hơn nữa dòng sản phẩm bảo hiểm vi mô nhưng phải có chính sách tốt cho người mua. Nếu bán sản phẩm bảo hiểm vi mô qua kênh đại lý với hoa hồng cao, sẽ làm giảm quyền lợi của khách hàng. Do đó, nên bán bảo hiểm vi mô online hoặc trực tiếp, dành khoản hoa hồng trả cho đại lý để chiết khấu trực tiếp cho người có thu nhập thấp. Như vậy, chúng ta sẽ có phân khúc sản phẩm bảo hiểm vi mô dành cho người thu nhập thấp và sản phẩm bảo hiểm liên kết dành cho những khách hàng có thu nhập cao hơn”. 

Theo đại diện một công ty bảo hiểm, thay vì rút toàn bộ tiền BHNT trước hạn, người mua nên chọn rút không quá 80% số tiền mặt thực nhận sau khi đã khấu trừ các loại phí và chi phí. Số dư còn lại sẽ được duy trì cho đến khi khách hàng có tiền thì tiếp tục tham gia. Khách cũng có thể yêu cầu tạm ứng tiền mặt với điều kiện là hợp đồng phải có hiệu lực từ 2 năm trở lên, số tiền tạm ứng không được vượt quá 80% giá trị hoàn lại của hợp đồng.

Thanh Hoa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI