Thiệt thà như... quảng cáo một thời

13/05/2023 - 10:31

PNO - Từ đầu thế kỷ XX, trên báo chí Sài Gòn, quảng cáo sản phẩm đến người tiêu dùng đã rất thịnh. Những người có ảnh hưởng trong xã hội, từ doanh thương, điền chủ cho đến văn thi sĩ, nghệ sĩ, giáo viên… giới thiệu sản phẩm của mình bằng những câu từ chất phác, chân phương, những mong chúng đến gần người tiêu dùng hơn.

Mạnh mẽ giọng doanh thương

Trương Văn Bền được biết tới là nhà doanh thương nổi tiếng đất Việt với sản phẩm trứ danh xà bông Cô Ba, quảng cáo trên nhiều báo. Ngoài kinh doanh xà bông, họ Trương còn kinh doanh dầu và dám thách thức giá cả với khách trú (chỉ những người Hoa sống ở Việt Nam). Quảng cáo trên Đông Pháp thời báo số 11, ra ngày 1/6/1923, hãng dầu Trương Văn Bền ở số 40 đường Cao Miên, Sài Gòn giới thiệu bán đủ loại dầu phộng, dầu dừa, dầu mè thơm, bánh dầu đậu phộng, bánh dầu đu đủ… và tuyên bố “Đồ tốt mà giá rẻ hơn khách trú”; lại kiêm cả mua dừa khô, đậu phộng, hột đu đủ… “giá khá hơn các nơi”. Sự mạnh bạo trong quảng cáo này không chỉ do Trương Văn Bền là một nhà kinh tài có thế lực kinh tế mà ông còn là thành viên Hội đồng Quản hạt. 

Đông Pháp thời báo  số 11, ra ngày 1/6/1923,  đăng quảng cáo  hãng dầu Trương Văn Bền
Đông Pháp thời báo số 11, ra ngày 1/6/1923, đăng quảng cáo hãng dầu Trương Văn Bền

Vợ chồng Nguyễn Đức Nhuận không chỉ làm chủ Phụ nữ Tân văn mà trên thương trường, có sự nghiệp kinh tài rất phát đạt. Ngay trên Phụ nữ Tân văn số 1, ra ngày 2/5/1929, ở trang 2 đã có phần quảng cáo cho Nguyễn Đức Nhuận đại thương cuộc chiếm gần trọn trang báo, giới thiệu “bổn hiệu” lập từ năm 1917, có số vốn tới 250.000 đồng, trụ sở chính tại 48-50 đường Vanier, chi nhánh ở 42 đường Catinat (cũng là tòa soạn Báo Phụ nữ Tân văn, nay là đường Đồng Khởi), kinh doanh nhiều mặt hàng nhập từ châu Âu, Ấn Độ như lụa, gấm, nhiễu cho đến đồng hồ, máy hát. 

Quảng cáo Nguyễn Đức Nhuận đại thương cuộc trên Phụ nữ Tân văn số 1
Quảng cáo Nguyễn Đức Nhuận đại thương cuộc trên Phụ nữ Tân văn số 1

Nguyễn Sơn Hà được biết tới là người thành công với ngành sơn dầu. Tâm sự trong hồi ký Tay trắng làm nên, thuở bần hàn, ông làm công cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu, “rất chú ý xem xét học hỏi về nghề chế biến sơn, vì tự nghĩ đến câu phi thương bất phú”.

Báo Tân tiến số 119, ra ngày 25/6/1938,  đăng tin quảng cáo thương hiệu sơn Resistanco của Nguyễn Sơn Hà
Báo Tân tiến số 119, ra ngày 25/6/1938, đăng tin quảng cáo thương hiệu sơn Resistanco của Nguyễn Sơn Hà

Năm 1917, nhờ việc nghiên cứu, thí nghiệm các nguyên liệu sẵn có trong nước, Nguyễn Sơn Hà sản xuất được sơn. Để quảng bá sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng, sơn của ông được quảng cáo bằng nhiều hình thức, kể cả việc cho người dùng sản phẩm mà không lấy tiền. Khi thành danh, thương hiệu sơn của Nguyễn Sơn Hà có mặt tại số 97 đường Charner. Báo Tân tiến số 119, ra ngày 25/6/1938, đăng tin quảng cáo thương hiệu sơn Resistanco (Bền chặt) với lời rao: “Chỉ nên sài [xài] sơn dầu Resistanco của hiệu Nguyễn Sơn Hà là được vừa ý”. 

Quảng cáo Việt Nam ngân hàng trên Báo Tân văn số 25, ra ngày 19/1/1935
Quảng cáo Việt Nam ngân hàng trên Báo Tân văn số 25, ra ngày 19/1/1935

Ngày nay, thiên hạ thỉnh thoảng vẫn dùng danh “Công tử Bạc Liêu” chỉ đại điền chủ Trần Trinh Trạch để nói về người tiêu tiền không tiếc. Lúc sinh thời, ông Trạch không chỉ là thành viên Hội đồng Quản hạt mà còn có chân trong Việt Nam ngân hàng ở vị trí lãnh đạo. Trên Báo Tân văn số 25, ra ngày 19/1/1935 giới thiệu đây là ngân hàng hữu hạn có số vốn 250.000 đồng ra đời năm 1927, địa chỉ 54-56 đường Pellerin (nay là đường Pasteur), hoạt động với tôn chỉ “Làm vẻ vang cho xứ sở mình”. Danh sách ban danh dự và cố vấn có những cái tên rất quen thuộc. Phó hội trưởng Trần Trinh Trạch - nghiệp chủ, Hội đồng Hội nghị tư; Lê Phát An - nghiệp chủ (cậu ruột của hoàng hậu Nam Phương); Trịnh Đình Thảo - luật sư danh tiếng.

Văn nghệ sĩ vào cuộc đua

Nguyễn An Ninh được biết đến là một nhà yêu nước nhiệt thành, có thân sinh là nhà yêu nước Nguyễn An Khương, chú là danh y Nguyễn An Cư. Ông Cư là người đã chữa bệnh cho cụ Phan Châu Trinh khi cụ về nước tháng 6/1925. Danh tiếng của ông Cư không chỉ được truyền tai, mà để khuếch trương cho tay nghề và hiệu thuốc của mình, ông Cư rất năng quảng cáo thuốc trên sách báo. Sách ông viết có Ngoại khoa bí quyết in 1938, tái bản năm 1939. Để tránh cho người dùng mua phải thuốc giả, ông Cư dùng con dấu riêng. Trên bìa 4 sách Ngoại khoa bí quyết bản 1939 lưu ý: “Mỗi lần mua thuốc xin nhận kỹ dấu hiệu đỏ dán ở 2 đầu. Dấu hiệu và tên thuốc cầu chứng tại tòa ngày 1/12/38”. Dấu này hình tam giác in dòng chữ NG.AN.CU. Bìa 4 sách Chế độ báo giới Nam Kỳ năm mươi sáu năm nay (Diệp Văn Kỳ, Nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn 1938) quảng cáo y thuật của Nguyễn An Cư là uyên thâm, cứu được nhiều sinh mạng: “Đây chỉ có một lời khuyên: Người có bịnh (bệnh) nên tìm hỏi danh y ở Hốc Môn (Hóc Môn). Phải tìm hỏi, kẻo ngày kia lại có di hận. Và ai cũng chẳng nên quên: 14 thứ Cao, Đơn, Hoàn, Tán của Nguyễn Tiên sanh bào chế, dụng ý giúp người nghèo thiếu thuốc”.

Bìa 4 sách Ngoại khoa bí quyết in dấu  hình tam giác với dòng chữ NG.AN.CU để  bảo chứng thuốc thật của danh y Nguyễn An Cư
Bìa 4 sách Ngoại khoa bí quyết in dấu hình tam giác với dòng chữ NG.AN.CU để bảo chứng thuốc thật của danh y Nguyễn An Cư

Ở lĩnh vực sân khấu, gánh hát Phước Xương có đào Năm Sa Đéc quảng cáo trên Đông Pháp thời báo số 468, ra ngày 6/8/1926, cho vở diễn Điên vì tình diễn tại Sài Gòn. Trên Báo Điễn tín số 628, ra ngày 27/2/1937, gánh Phụng Hảo câu khách bằng đào Phùng Há khi công bố vở diễn mới ở rạp Thành Xương: “Đối với lòng chiếu cố cũa (của) chư quí khán quan, cô Phùng Há và toàn ban, nguyện tận tâm, làm cho khán quan sẽ được vừa ý. Tuồng mới, tranh cãnh (cảnh) tinh hão (hảo). Kính thỉnh lấy vé sớm tại rạp, để chọn chổ (chỗ) ngồi”. 

Báo Điễn tín số 628, ra ngày 27/2/1937,  đăng quảng cáo của gánh Phụng Hảo  với đào Phùng Há
Báo Điễn tín số 628, ra ngày 27/2/1937, đăng quảng cáo của gánh Phụng Hảo với đào Phùng Há

Thời Pháp thuộc, trường tư mở ra khá nhiều. Nhà giáo Huỳnh Khương Ninh lập trường tư mang tên mình từ năm 1917, trụ sở tại Đa Kao. Để thu hút phụ huynh và học sinh, Báo Sài Gòn số 294, ra ngày 11/5/1934, đăng quảng cáo cũng như cải chính vì trước đó trường bị đồn là đóng cửa. Đích thân Huỳnh Khương Ninh kêu gọi: “Xin phụ huynh học sanh (sinh) an tâm và tin cậy nơi bổn trường mà gỡi (gởi) gấm (gắm) con cháu vô trường nầy (này) học tập thì ắc (ắt) có lắm đều (điều) vừa lòng về sau”, đồng thời cam đoan rằng dù có trở ngại gì, “bổn trường chũ nhơn (chủ nhân) quyết không để cái tên HUỲNH KHƯƠNG NINH nầy (này) xa HỌC ĐƯỜNG YÊU QUÍ của bỗn (bổn) trường chũ nhơn (chủ nhân) đâu!”. Với bề dày lịch sử cùng chất lượng giáo dục, trên Tổng xã báo số 86, ra ngày 26/6/1941, trường khoe danh rằng dù kỳ thi sơ học năm 1941 bài vở rất khó khăn nhưng “Trường “Huynh Khuong Ninh” Saigon: Đi thi: 68 trò. Đậu: 38 trò. Thật là một kết quả vẻ vang - ngoài tưỡng [tưởng] tượng”. 

Tổng xã báo số 86, ra ngày 26/6/1941,  đăng giới thiệu kết quả kỳ thi sơ học năm 1941 của học sinh trường Huỳnh Khương Ninh
Tổng xã báo số 86, ra ngày 26/6/1941, đăng giới thiệu kết quả kỳ thi sơ học năm 1941 của học sinh trường Huỳnh Khương Ninh

Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, thương hiệu Khánh Ký trở nên nổi tiếng khắp Bắc Nam. Tại Sài Gòn, hiệu này có cửa tiệm tại số 54 đường Bonard (nay là đường Lê Lợi), đã khuếch trương tên tuổi với nhiều quảng cáo trên báo qua nhiều năm. Quảng cáo bán máy chụp hình của Khánh Ký đăng trên Đông Pháp thời báo số 472, ra ngày 18/8/1926, rao rằng bổn hiệu có đủ loại máy chụp hình phục vụ người mua. Đồng thời “xin hiến đủ kiến (kiếng, kính), giấy, thuốc và chỉ dẫn tường tận, cách chụp hình, cách rửa, cách phơi, cách dán, cách siu [sưu] tập, cách giữ gìn”. Trung lập báo số 6700, ra ngày 9/4/1932, đăng mẩu tin Khánh Ký “Đại giảm giá hình chơi tết, hình rọi lớn, cà khuôn”. 

Trung lập báo số 6700, ra ngày 9/4/1932,  đăng mẩu tin giảm giá của hiệu ảnh Khánh Ký
Trung lập báo số 6700, ra ngày 9/4/1932, đăng mẩu tin giảm giá của hiệu ảnh Khánh Ký

Với các văn thi sĩ, việc giới thiệu, quảng cáo sách mới ra trên sách báo được xem là sự thường ngay từ dạo báo chí mới xuất hiện tại Sài Gòn. Nam Kỳ số 118, ra ngày 8/2/1900, quảng cáo sách Tiểu học gia ngôn diễn nghĩa của Trương Minh Ký “in một bên chữ nho, một bên chữ quấc [quốc] ngữ, dẫn giải từ câu từ chữ”, giới thiệu luôn nơi bán là nhà tác giả ở số 26 đường Charner (Kinh Lấp, nay là đường Nguyễn Huệ), Sài Gòn. Hồ Văn Trung (nhà văn Hồ Biểu Chánh) giữ chân Giám đốc Đại Việt tập chí (tục bản). Trên tạp chí này số 3, ra ngày 1/11/1942, đăng mẩu tin giới thiệu tiểu thuyết giáo dục Cư Kỉnh của Hồ Biểu Chánh với lời rao đây là sách in rất mỹ thuật, có giá trị, cần thiết cho mọi gia đình, “một áng văn kiệt tác mà mọi người cần nên đọc và đừng để thiếu trong tủ sách gia đình”. 

Trần Đình Ba

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI