Thiết lập nền tảng quan trọng để ĐBSCL tiếp tục phát triển thịnh vượng

13/03/2021 - 12:33

PNO - Sáng 13/3, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tham dự hội nghị còn có các Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, TPHCM và 13 tỉnh thành miền Tây Nam bộ, đại diện các viện, trường, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước có nhiều năm nghiên cứu và đóng góp lớn cho sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chính phủ chủ trì hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chính phủ chủ trì hội nghị

Cam kết và tầm nhìn thế kỷ của Chính phủ với 20 triệu người dân ĐBSCL

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đề ra tầm nhìn tới năm 2100, mục tiêu tới năm 2050, định hướng phát triển thịnh vượng, an toàn, bền vững vùng ĐBSCL - vùng đất anh hùng, giàu tiềm năng và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của đất nước.

Hội nghị này nhằm đánh giá kết quả đạt được sau ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP; nhận diện các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; xác định rõ các nhiệm vụ ưu tiên, giải pháp và nguồn lực để đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết một cách hiệu quả và thực chất trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị lần 3 về phát triển bền vững ĐBSCL
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị lần 3 về phát triển bền vững ĐBSCL

Cách đây hơn 3 năm, cũng tại TP Cần Thơ, hội nghị đầu tiên về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ về phát triển ĐBSCL rằng tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế.

Thành công lớn của Hội nghị 3 năm chính là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP đề ra các quan điểm chỉ đạo, chủ trương và định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL, các giải pháp tổng thể và các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới.

Hội nghị có sự tham dự của nhiều đối tác phát triển ĐBSCL
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc hội nghị 

Trong ba năm qua, các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết đang thấm dần và đã thể hiện trên thực tế bằng những giải pháp phi công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và đã mang lại nhiều thành quả như: diện tích canh tác ba vụ lúa được cắt giảm, nhiều mô hình canh tác ở vùng nước lợ, mặn, nhiều giống lúa chịu mặn được thử nghiệm cho kết quả khích lệ; nhiều mặt hàng gạo Việt Nam đã được vinh danh quốc tế; chuỗi một số ngành hàng nông sản ở đồng bằng bắt đầu được xâu kết...

ĐBSCL vẫn còn không ít thách thức từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các tác động tiêu cực của con người vào thiên nhiên
ĐBSCL vẫn còn không ít thách thức từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các tác động tiêu cực của con người vào thiên nhiên

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết 120 đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển vì tương lai thịnh vượng, bền vững của ĐBSCL  theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất. 

Sau hơn ba năm triển khai thực hiện, với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong kiến tạo thúc đẩy, sự tích cực tham gia của doanh nghiệp cùng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của người dân vùng ĐBSCL và sự hỗ trợ hiệu quả của các đối tác quốc tế, chúng ta đã đạt được những kết quả rất tích cực, thiết lập những nền tảng quan trọng cho ĐBSCL tiếp tục phát triển thịnh vượng, cất cánh trong thời gian tới.

Hội nghị có sự tham dự của đông đảo các đối tác phát triển ĐBSCL
Hội nghị có sự tham dự của đông đảo các đối tác phát triển ĐBSCL

 

Huy động thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ĐBSCL

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết đã ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt về xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL; phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, ĐBSCL giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là vùng một động lực, nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua ĐBSCL đang phải đối diện với nhiều nguy cơ và thách thức của biến đổi khí hậu, các hoạt động phát triển của thượng nguồn, mặt trái từ phát triển kinh tế xã hội chưa bền vững, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, tỷ lệ di dân tự do tăng cao...

Coi tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; đa dạng về văn hoá cũng như hoạt động kinh tế, không để ai bị bỏ lại trong quá trình phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
"Coi tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; đa dạng về văn hóa cũng như hoạt động kinh tế, không để ai bị bỏ lại trong quá trình phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025, đưa ra được những giải pháp mang tính chiến lược, giải quyết được các thách thức của Vùng để giúp vùng ĐBSCL phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và người dân trong Vùng, tổ chức triển khai quy hoạch vùng sau khi được phê duyệt, bảo đảm tính hiệu quả trong công tác điều phối, liên kết, giải quyết các vấn đề có tính liên ngành, liên tỉnh.

Về huy động nguồn lực, để tiếp tục ưu tiên đầu tư cho vùng ĐBSCL, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 973, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 26 về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 266 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020, trong đó: nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là khoảng 162 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách trung ương là khoảng 82 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn nước ngoài (ODA) là 22 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ như Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong Vùng đạt khoảng 121,6 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 của Vùng khoảng 388 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc bấm nút khởi công xây dựng tuyến cao tốc quan trọng cho sự phát triển của miền Tây Nam bộ

Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng như: thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng như: quốc lộ 30, 53, 57; đường băng số 2, sân bay Phú Quốc; cầu Rạch Miễu 2; Cầu Mỹ Thuận 2; cầu Đại Ngãi, tuyến Mỹ An - Cao Lãnh, tuyến An Hữu - Cao Lãnh; tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Kênh Chợ Gạo giai đoạn 2; hoàn thiện hệ thống thủy lợi Tứ giác Long Xuyên; nâng cấp, cải tạo kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng; Kết nối và hoàn thiện các hệ thống thủy lợi Bảo Định, Gò Công, Tân Trụ; Kè bảo vệ và chống sạt lở luồng Sông Hậu; các công trình chuyển nước cho bán đảo Cà Mau; các công trình trữ nước, chống xâm nhập mặn…

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI