Thiết kế bìa sách: Dịch chữ ra hình, dịch hình ra chữ

16/09/2023 - 09:32

PNO - Bìa sách không chỉ tạo ấn tượng ban đầu cho bạn đọc về cuốn sách mà còn khái quát nội dung, tinh thần của tác phẩm. Minh họa bìa sách cũng là công việc cần nhiều cảm xúc và đầy thử thách với họa sĩ thiết kế.

Bìa sách như người dẫn đường

Trong khuôn khổ Hội sách Nhã Nam (vừa diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh Niên từ ngày 6-10/9), bạn đọc có cơ hội hiểu hơn về nghề thiết kế bìa sách thông qua buổi giao lưu với họa sĩ Thanh Vũ và Tạ Quốc Kỳ Nam. Đây cũng là dịp để bạn trẻ yêu thích nghề thiết kế bìa sách, minh họa tác phẩm được học hỏi kinh nghiệm và truyền lửa đam mê với công việc này.

Đằng sau mỗi bìa sách là sự thai nghén, bay bổng về cảm xúc, ý tưởng của người họa sĩ thiết kế
Đằng sau mỗi bìa sách là sự thai nghén, bay bổng về cảm xúc, ý tưởng của người họa sĩ thiết kế

Lần đầu tiên, họa sĩ Thanh Vũ chia sẻ về “hậu trường” thiết kế bìa tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (tác giả Ocean Vương). Bản bìa được chọn in là hình ảnh đóa hoa hướng dương đang bốc cháy, được bạn đọc dành tặng lời khen ngợi “đẹp đến nao lòng”. Đó là bản bìa được lựa chọn trong 3 bản thiết kế khác nhau của Thanh Vũ dành cho tác phẩm này. 

“Tác giả có yêu cầu cụ thể: trên bìa không được xuất hiện hình ảnh người mẹ, thanh niên châu Á và đồng hồ. Tác phẩm của Ocean Vương có rất nhiều hình ảnh ẩn dụ và đó cũng là điều thử thách cho họa sĩ thiết kế. Tôi nghiên cứu kỹ và cuối cùng chọn vẽ về một khoảnh khắc đẹp huy hoàng và đạt đến ngưỡng biến mất. Tôi liên tưởng đến que diêm và một bông hoa đã cháy khô” - họa sĩ Thanh Vũ chia sẻ.

Sau khi gửi đi 2 bản bìa chờ duyệt, anh lại nghĩ đến hình tượng hoa hướng dương - một bông hoa bốc cháy như mặt trời - dựa theo hình ảnh của một nhân vật trong tác phẩm. Cuối cùng, bản bìa “phát sinh” này được chọn in. Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian để lại ấn tượng sâu sắc với bạn đọc từ bìa sách đến nội dung nhờ có sự đồng điệu, cộng hưởng cảm xúc từ họa sĩ và tác giả. Thanh Vũ cũng là họa sĩ thiết kế bìa cho tác phẩm được yêu thích: Diệt chủng (Takano Kazuaki), Vùng đất quỷ tha ma bắt (Kevin Chen), Biên niên ký sao hỏa (Ray Bradbury)…

Họa sĩ Tạ Quốc Kỳ Nam (từng thiết kế bìa các tác phẩm: Dune - Xứ Cát, Đời nhẹ khôn kham, Miếng ngon Hà Nội, Số đỏ…) nói công việc làm bìa sách đòi hỏi họa sĩ phải hiểu, cảm được tinh thần và chọn được nội dung, chi tiết đắt giá của tác phẩm để thể hiện lên bìa sách. Với họa sĩ thiết kế, bìa sách như người dẫn đường, khơi gợi cảm xúc cho độc giả. Vậy nên bìa sách cũng là một tác phẩm nghệ thuật giàu cảm xúc, truyền tải thông điệp và giá trị của tác phẩm. Bìa sách đẹp, giàu cảm xúc sẽ tạo ấn tượng tốt ban đầu và ngược lại. Điều này phụ thuộc và khả năng của họa sĩ thiết kế và sự đầu tư, chăm chút của đơn vị làm sách. 

Thầm lặng tôn vinh tác phẩm

Thiết kế bìa sách nói riêng hay minh họa tác phẩm nói chung đều là công việc thầm lặng của họa sĩ. Tác phẩm hay, được yêu thích và tôn vinh thường nhắc tên tác giả, tên đơn vị xuất bản. Nhưng nếu bìa sách không đẹp, không lột tả được tinh thần cuốn sách thì họa sĩ thiết kế thường bị gọi tên. Đó là thực tế chạnh lòng cho người làm công việc thầm lặng sau trang sách. 

Nghề thiết kế bìa sách đòi hỏi họa sĩ tư duy sáng tạo và óc thẩm mỹ cao. “Đôi khi ý tưởng nảy ra rất nhanh nhưng cũng sẽ có lúc bìa không đẹp hoặc thể hiện sai nội dung. Họa sĩ thiết kế phải hiểu được cả 2 ngôn ngữ: chữ viết và hình ảnh để thể hiện được. Chúng tôi hay nói là “dịch chữ ra hình và dịch hình ra chữ”. Đối với công việc làm bìa sách, nếu không yêu, không trân trọng mà chỉ xem bìa sách như một sản phẩm thì sẽ khó có thể đi được đường dài với công việc này” - họa sĩ Tạ Quốc Kỳ Nam bày tỏ. 

Bìa sách hiện nay đa dạng, đáp ứng nhu cầu xuất bản sách ở nhiều lĩnh vực, thể loại. Thiết kế bìa cũng là công việc thu hút và tạo cơ hội cho bạn trẻ tham gia, thử sức với nghề. Mới đây, Nhã Nam tổ chức cuộc thi thiết kế bìa sách thu hút hơn 1.000 bản bìa dự thi. Các bìa sách được trao giải thiết kế cho các tác phẩm: Cây cam ngọt của tôi (José Mauro de Vasconcelos), Giết chỉ huy đội kỵ sĩ (Murakami Haruki), Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya (Higashino Keigo), Chuyện con mèo dạy hải âu bay (Luis Sepúlveda), Tàn ngày để lại (Kazuo Ishiguro), Ngàn mặt trời rực rỡ (Khaled Hosseini)… Các tác phẩm được lựa chọn thi thiết kế bìa cũng như số lượng tác phẩm dự thi phần nào cho thấy xu hướng đọc cũng như sự quan tâm, yêu thích của bạn trẻ dành cho lĩnh vực này.

Họa sĩ trẻ ngày càng có đóng góp quan trọng và có khả năng tạo dấu ấn riêng với các thiết kế bìa sách, minh họa sách. Tuy nhiên, có rất ít sân chơi để tôn vinh họ. Câu chuyện về thiết kế bìa sách cũng hiếm khi được chia sẻ cùng bạn đọc. Những dịp giao lưu ra mắt sách mới của các đơn vị - đặc biệt với tác phẩm văn chương - có lẽ cũng nên có sự dự phần của họa sĩ thiết kế, bởi đằng sau mỗi bìa sách cũng là một câu chuyện thú vị, có ý nghĩa kết nối, chia sẻ giá trị giữa tác giả - tác phẩm - họa sĩ. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI