Thiết bị di động ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?

24/07/2017 - 05:00

PNO - Theo chuyên gia tâm lý, việc tiếp cận các thiết bị di động quá nhiều sẽ khiến trẻ bị ảnh hưởng nặng nề từ tâm lý, vận động, thần kinh, thậm chí là những bệnh tật không liên quan đến thực thể.

Không biết thể hiện cảm xúc, tay chân không thể vận động

Một ngày đầu tháng 7, cặp vợ chồng trẻ hối hả ôm con đến cầu cứu chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến, khoa Tâm lý, Bệnh viện Quận 2 TP.HCM. Bé N.T.T. (4 tuổi, ở Bình Thạnh) nói không rõ chữ, phát âm không tròn câu, thường xuyên ngồi bó gối ở góc nhà. Nhất là tần số bé bị nóng sốt, bệnh tật ngày càng nhiều.

Bé gần như vô cảm với mọi thứ xung quanh, không thiết ăn uống, thường ngất xỉu mỗi khi không có người bên cạnh. Mặc dù ba mẹ của bé T. ôm con chạy khắp các bệnh viện. Tuy nhiên, ở bệnh viện nào cũng vậy, sau khi bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm cũng cho ra kết quả bình thường. Cơ thể bé không hề có bệnh.

Thiet bi di dong anh huong den tre nhu the nao?
Bức ảnh “Hãy đặt máy xuống để thực sự bên con” của tác giả Nguyễn Thị Thu Thảo đăng tải trên một diễn đàn đã thực sự khiến nhiều bố mẹ "cúi đầu" xấu hổ.

Khi chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến trò chuyện với bé, bà phát hiện ra ba mẹ bé T. thường xuyên bận việc. Ba phải đi công tác, mẹ bận quán xuyến gia đình nên ngoài việc làm vệ sinh, cho bé T. ăn uống, thì cảm xúc của bé bị bỏ mặc, bé T. phải chơi một mình trong thời gian dài.

Mỗi khi “bị lãng quên”, bé T. thường chạy quanh mẹ, vứt đồ vật lung tung, có khi vứt cả lên người mẹ mình để được mẹ chú ý. Lúc này, thay vì chia sẻ với con, mẹ của bé liền đưa điện thoại, máy tính bảng cho bé xem để… được yên.

Những hình ảnh sinh động từ các trang mạng đã thực sự thu hút, bé T. không quấy khóc, không còn nhu cầu gì khác ngoài máy tính bảng. Mẹ của bé cũng đã có nhiều thời gian hơn để làm việc. Tuy nhiên, chị không biết rằng con của mình dần dần bị vô cảm trước những vấn đề xung quanh.

Bé T. không biết cách giải tỏa tâm lý của mình. Khi gặp những tình huống liên quan đến cảm xúc, bé đều bị nóng sốt, ngất xỉu.

Ngược lại với bé T., bé P.H.D. (3 tuổi) luôn được mẹ bên cạnh, đi đâu mẹ bé D. cũng dẫn bé theo. Tuy nhiên, khi ở bên cạnh con, chị T.T.K.P. lại… chơi điện thoại, còn con mình được cầm máy tính bảng. Ra ngoài họp mặt bạn bè, chị P. cũng sạc pin đầy máy tính để bé D. ngoan ngoãn ngồi xem, không chạy lung tung làm đổ bể đồ vật ở quán, cũng dễ dàng quản lý bé.

Dần dần, bé D. chỉ có máy tính bảng làm bạn, sáng thức dậy có máy tính bảng, ăn cũng dán mắt vào những thước hình nhảy múa đầy màu sắc. Thậm chí, mẹ của bé thường khoe con mình thông minh, mới tí tuổi đầu đã biết sử dụng đồ công nghệ một cách thuần thục, linh hoạt. Chị P. càng để con mình nằm, ngồi với máy tính.

Đến khi nhiều người thắc mắc vì sao D. đã lớn mà không cứng cáp, không vận động, không chạy nhảy như những đứa trẻ khác thì chị P. mới giật mình. Con chị ngoài sử dụng tay để chỉnh máy tính, bé không màn đến những nhu cầu khác.

Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến cho biết: “Cả hai bé đều bị bệnh tâm lý ở dạng rối loạn tâm căn (rối loạn dạng cơ thể - PV). Ở dạng này, trẻ sẽ có những biểu hiện đau đớn, mệt mỏi về mặt cơ thể rất rõ ràng như đau bụng vả mồ hôi, nóng sốt, đau tai, mắt, co giật, lã người gần như ngất xỉu… Vì vậy, dù cha mẹ có đưa con mình đi khám cũng không thể tìm ra bệnh về thực thể.

Điều đáng buồn ở đây, cha mẹ luôn không hài lòng về kết quả bác sĩ đưa ra, họ lại đưa bé đi hết nơi này đến nơi khác để tiếp tục tìm bệnh. Có cha mẹ sẵn sàng chọc tủy bé để ra bệnh. Thậm chí, khi không tìm được bệnh, họ cho rằng con mình bị tự kỷ”.

Cha mẹ nên dành ít nhất 10 phút mỗi ngày để trò chuyện cùng con

Theo chuyên gia tâm lý Hoài Yến, trong thời buổi công nghệ phát triển, nhịp sống hối hả như ngày nay. Các bậc phụ huynh phải chấp nhận làm việc nhiều hơn để đảm bảo chất lượng sống cho gia đình. Thời gian trò chuyện, tiếp xúc với con ngày càng bị thu hẹp.

Thiet bi di dong anh huong den tre nhu the nao?
Hãy dành thời gian trò chuyện, chơi đùa cùng con trẻ hơn là quăng cho trẻ chiếc smartphone là xong chuyện.

Hầu hết phụ huynh ngụy biện rằng không có thời gian để giao tiếp với con. Họ nghĩ rằng cho con một môi trường học tập tốt, lo chu toàn về vật chất là đã đủ. Tuy nhiên, cái cốt yếu mà trẻ cần đó là sự chia sẻ để cân bằng cảm xúc.

Có nhiều gia đình thường chỉ hỏi thăm nhau được vài câu với nội dung trả lời có hoặc không như: con về nhà lúc mấy giờ?; con ăn cơm chưa?; con học bài chưa?;… Sau đó cha xem ti vi, mẹ tiếp tục công việc còn dang dở, con vào phòng riêng xem phim, bấm điện thoại.

“Khi trẻ xem phim, những hình ảnh vui nhộn khiến trẻ tự nhìn, tự cười nhưng đó chỉ là tiếp xúc một chiều. Trẻ nhận những cảm xúc một cách thụ động mà không thể tương tác. Không được giao tiếp trong thời gian dài, chúng sẽ không biết cách thể hiện cảm xúc của mình. Nhiều lúc muốn thể hiện quan điểm cũng không biết bắt đầu từ đâu, nhìn qua ba mẹ lại đang bận và lại tự đóng cửa phòng.

Có những trẻ quá bức bối sẽ dễ rơi vào hội chứng ma túy nội sinh, tức là chúng tự giải tỏa bằng cách cắn móng tay, xé những mảng da ở ngón tay, tự cào cấu mình, tự cứ tay,… Tất cả đều chúng làm nhằm để cơ thể đau đớn thay vì căng thẳn về thần kinh. Nhiều trẻ khi được hỏi có cảm thấy đau không, chúng cho rằng mình không đau mà rất thoải mái. Mặc dù, cơ thể lúc này thực chất bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, bà Hoài Yến cho biết.

Theo chuyên gia tâm lý Hoài Yến, không chỉ riêng những đứa trẻ dưới 6 tuổi, mà ở bất kỳ đổ tuổi nào, nhất là trẻ đang trong giai đoạn dậy thì, mỗi ngày cha mẹ nên dành ít nhất 10 phút để nói chuyện cùng con.

Ngoài những câu thăm hỏi thông thường, hãy nói với con những vấn đề khác, lắng nghe con trò chuyện. Nếu không, trẻ rất khó có thể phát triển cảm xúc, hành vi, ngôn ngữ, tâm sinh lý,… Thậm chí là vận động và các vấn đề về thần kinh.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI