Vào một ngày giữa tháng Bảy nắng gắt, dẫu đã chuẩn bị tâm thế và dăm ba tư liệu dân tộc học, chúng tôi vẫn không hết ngạc nhiên khi thấy từng nhóm người vui vẻ, khệ nệ bưng cỗ đặt dưới tán một cây rừng lớn. Sau khi cẩn trọng đặt đồ ăn, thức uống lên sàn gỗ của “căn chòi” nhỏ còn vướng vất lau sậy và cỏ dại, suốt hơn một tiếng đồng hồ, họ đứng vây quanh, chăm chú quan sát động tác và lời khấn lầm rầm của thầy mo.
|
Lễ cúng thần bản diễn ra đúng thời điểm vừa kết thúc thu hoạch mùa màn |
1.
Đây là nghi lễ quan trọng và được mong chờ nhất trong năm của cộng đồng người Thái, Mường ở bản Tài Chánh, xã Mường Lý, rồi lan ra cộng đồng người Khơ Mú, Dao ở huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Được tổ chức thường niên vào ngày 16/6 (âm lịch), lễ cúng thần bản diễn ra đúng thời điểm vừa kết thúc thu hoạch mùa màng, bắt đầu mùa lúa mới, là dịp cầu xin thần linh phù trợ việc cày cấy gieo trồng thuận lợi.
Trước ngày lễ, dân bản phải họp để thống nhất việc chuẩn bị đồ cúng của mỗi gia đình, gồm một con gà, một chai rượu và bánh kẹo. Vào ngày chính lễ, đồ cúng đặt ở thiêng sần (chính là “căn chòi” mà chúng tôi vội vàng định danh), gồm 12 cuộn vải, 12 đĩa trầu không, 12 chai rượu (con số 12 ở đây hàm ý là sự trọn vẹn, đầy đủ trong 12 tháng của năm), và hai chĩnh rượu cần. Tiếp đó, thầy mo lần lượt tiến hành các nghi thức cúng tế.
Mở đầu là bài cúng thỉnh ma rừng về ăn trầu, uống rượu và chờ lễ cúng cơm. Nội dung bài cúng có tính chất giãi bày lý do, lời lẽ mang màu sắc cung kính thỉnh cầu. Trong khi cúng, mỗi mâm sẽ được thắp một bó nhang, và khi kết thúc bài cúng, thầy mo sẽ tung ba miếng gỗ (tiếng Thái gọi là toóc téc) nhỏ bằng đốt tay, xem ma rừng đã chấp thuận lời cầu xin hay chưa (miếng toóc téc sẽ lật sấp hoặc ngửa).
Tiếp đó là cúng mời cơm, thầy cúng bày tiếp 12 mâm cơm, rượu thịt lên thiêng sần và đọc: “Dân bản còn gặp nhiều khó khăn nên năm nay đã soạn sửa mâm cơm xin dâng lên ma rừng mong được phù hộ, giúp đỡ mọi việc được tốt đẹp, yên lành”. Tiếp sau, thêm một bài cúng với nội dung thỉnh cầu thần bản ma rừng bảo trợ cuộc sống.
Chưa dừng lại đó, nghi lễ cúng thần bản ở Tài Chánh còn có thêm công đoạn cúng thổ địa (phi cháu đín) sau cúng thiêng sần, đặt ở gần đó, với lễ vật gồm hai con gà, hai chai rượu. Phi cháu đín là vị thần cai quản khu vực thiêng sần, và cả địa bàn cư trú của người dân. Sau phần cúng thổ địa, thầy mo lại cúng ma xấu, ma ác với lễ vật là thịt chó thui, vịt luộc (theo lý giải của người dân, chó là con vật xấu xí nhất, thường đem lại xui xẻo); đây cũng là nghi thức cuối cùng.
|
Khu vực thờ Tư Mã Hai Đào ở vùng giáp ranh biên giới Lào - Việt |
Mâm cỗ sau đó sẽ được thầy mo dọn ra thiêng sần để dân bản cùng ăn. Chiêng trống như cái nền mà cũng như điểm nhấn âm thanh được tấu lên suốt quá trình lễ. Lễ cúng kết thúc, người dân đánh chiêng trống từ thiêng sần về bản, bắt đầu các hoạt động vui chơi, lễ hội.
Tín ngưỡng thờ cúng bản mường ở đây được gọi bằng một cái tên phổ biến là thiêng sần hoặc ít phổ biến hơn là phi sần. Theo cách hiểu cơ bản nhất, đây là hình thức thờ cúng vị thần mà dân bản tin rằng luôn bảo trợ, phù hộ mọi mặt đời sống. Thiêng sần cũng gắn với tục thờ cúng thần rừng, thổ địa và tùy vào điều kiện kinh tế, quan niệm của bản làng, cũng là nơi diễn ra nghi lễ thờ cúng thường niên và lễ hội cộng đồng.
Thiêng sần của người Thái Mường Lát trước hết là một điểm thờ tương tự như miếu (đền), được dựng ở những nơi mang tính thiêng trong bản. Hầu hết các thiêng sần của người Thái Mường Lát đều dừng ở mức bài trí giản đơn, thấp bé, tựa một cái lán rừng. Nhưng, điểm độc đáo của thiêng sần lại nằm ở vị trí của nó: thường tọa lạc dưới gốc cây lớn, cao vút, um tùm, men theo bìa rừng hoặc bờ suối.
Người ta, khó phát hiện thiêng sần từ xa, nhưng dễ dàng nhìn thấy bóng cây cao nổi bật giữa đại ngàn. Điểm thờ này thường cách xa địa bàn cư trú của dân bản, và phải được một thầy mo uy tín làm lễ lựa chọn. Thiêng sần, vì thế, đồng nghĩa với quá trình tạo lập tính thiêng, không gian thiêng, để cư dân tìm đến niềm tin vào thế lực siêu nhiên bảo vệ cuộc sống và đem lại may mắn cho họ. Đó cũng là nơi thể hiện ý thức xác định khu vực quần cư của bản làng. Bản làng nào cũng phải có thiêng sần riêng. Với những bản Thái quần cư lâu đời, thiêng sần có thể coi là dấu chỉ để tìm hiểu về các phong tục, đời sống tâm linh của cư dân.
2.
Khởi thủy, vị thần bản trong thiêng sần có thể là một người có công gầy dựng bản làng, có ảnh hưởng lớn đến tình cảm và nhận thức của người dân. Gốc gác vị thần này, theo truyện dân gian, có những tương đồng với vị thành hoàng làng của người Việt ở đồng bằng.
Trong nhiều nét tương đồng, thiêng sần gần với tục thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào, người được cho là tham gia công cuộc khai bản lập mường ở vùng phía tây Thanh Hóa, một hành trình nhọc nhằn và phức tạp diễn ra từ thời Lê sơ đến thời Lê trung hưng.
Đó là thời kỳ mà các cuộc giao tranh biên giới cũng như mở rộng lãnh thổ trở thành chiến lược hệ trọng của triều đình, hút vào đó một lượng lớn tộc người thiểu số tham gia. Khi biết tin Tư Mã Hai Đào mất, dân bản lập đền thờ tại Tén Tằn, nơi giáp ranh Lào. Theo truyền thuyết, đền Tư Mã rất thiêng, ai đi qua cũng phải thành kính tôn nghiêm.
Ngày nay, dấu tích của đền không còn, nhưng vào dịp lễ cơm mới hoặc cuối năm, dân bản Tén Tằn vẫn tổ chức thờ cúng ông dưới gốc một cây đa lớn, tỏa bóng xuống dòng sông Mã cuộn chảy ngày đêm, cách Cửa khẩu quốc gia Tén Tằn khoảng 200 mét. Họ cảm tạ quan Tư Mã đã cho họ lúa gạo bội thu, chăn nuôi trâu bò đông đàn tốt giống. Ngoài những dịp lễ chính, các hộ gia đình không may gặp khó khăn hoạn nạn, ốm đau, thất lạc người thân hoặc gia súc, mất mát vật dụng… thường đưa đồ lễ cầu cúng thần bản mường trợ giúp. Khi việc thành, phải tạ lễ chu đáo.
3.
Dọc theo con sông Mã hùng vĩ mà thi sĩ Quang Dũng từng hạ bút thần tình “gầm lên khúc độc hành”, là những cánh đồng ruộng bậc thang hút mắt. Có độ cao trung bình từ 700 mét trở lên, hệ thống núi ở Mường Lát chạy theo hướng tây - đông tạo thành những bức bình phong trùng điệp, mà đứng từ xa, có thể liên tưởng đến bức họa đa màu sắc, khi trắng phau, khi xám xịt, khi ngút ngàn xanh thẳm.
Dịp cuối xuân, hoa xoan dọc theo các triền núi thấp đột ngột nở trắng pha tím nhạt, kéo dài đến vô tận. Dưới rừng xoan, nơi các bản làng nhỏ nằm cách xa nhau có khi cả chục cây số, chẳng ai bảo ai, lam lũ gầy dựng, chắt chiu từng khoảnh ruộng bậc thang dốc đứng, nhoài mình ra phía dòng sông đỏ ối màu đất feralit. Đều đặn theo thời gian, màu xanh của lúa non và màu vàng của lúa chín đã làm cho núi đồi như có phần mềm mại, yên bình và no ấm.
Và dẫu có thất bát, cơ cực vì thiên tai bão lũ thế nào, cư dân nơi đây vẫn không quên lời tạ ơn và cầu xin thần bản, thần rừng chở che, phù trợ. Hàm ơn và kính trọng sự hiện diện vô hình của thần linh trong đời sống thường ngày, thoạt nghe có vẻ mê tín lạc hậu, nhưng lại là điểm cốt lõi để người dân kết nối với nhau, duy trì mối cộng cảm lâu dài bên cạnh yếu tố huyết tộc, họ tộc.
Việc giao tiếp với cái thiêng, thực ra, không chỉ là hồi quang của tư duy duy linh cổ xưa mà dân tộc nào cũng từng sống trải. Đó còn là một nhu cầu của thời hiện đại vốn dĩ đang gánh chịu nhiều bất an, thử thách trong lao động sản xuất, mùa màng, làm ăn. Trông cậy vào sự bảo trợ của thần linh không đẩy dân chúng vào thói quen lười biếng được chăng hay chớ, mà ngược lại, giúp họ sống bình tâm, biết lắng nghe thiên nhiên và cố gắng điều chỉnh hành vi của mình sao cho hợp lý nhất. Khi tính thiêng can dự vào thế giới tinh thần, dân chúng sẽ có cảm giác được thuộc về bóng mát của thần linh. Chỉ riêng điều đó thôi, tựa như sức mạnh vĩnh cửu, đủ để cư dân miền biên viễn Mường Lát đương đầu muôn nỗi khó khăn, sống một đời chất phác, hiền lành mà rắn rỏi.
Mai Anh Tuấn