Thiên vị tình yêu

22/07/2016 - 07:32

PNO - Tình yêu, hôn nhân hay bất kỳ một mối ràng buộc tình cảm nào khác đều chỉ thật sự trở thành lẽ sống, khi nó khiến con người bộc lộ được bản thân, được là chính họ, được phát triển như là họ.

Trên chiếc xe lăn giữa bãi biển, Will ngồi ngắm Louisa. Nàng đi lùi vài bước, rồi chuyển động cơ thể theo một điệu salsa tinh nghịch, đôi mắt long lanh không rời khỏi Will. Rồi với nhịp điệu ấy, Louisa tiến lại, ngồi lên chân chàng. Khoảnh khắc thăng hoa bỗng òa vỡ những mạch ngầm đã chảy xuyên suốt trong phim Me before you, khi Will nhắc đến cái chết. Phần sau bộ phim, kể từ khoảnh khắc ấy khiến khán giả phải “xem lại” với một tâm thế khác. Gút thắt tình yêu và lựa chọn sống còn cũng bắt đầu từ đó.

Will 31 tuổi, bị chấn thương tủy sống, phải chịu những cơn đau chí mạng do suy giảm hệ miễn dịch sau một tai nạn giao thông. Tuổi trẻ sôi động bỗng chốc bước sang quãng đời tàn phế, phụ thuộc. Biết mình không thể bình phục, Will đã sớm sắp xếp cho mình một cái chết. Louisa được mẹ Will thuê chăm sóc, trò chuyện cùng anh trong sáu tháng anh “gia hạn” sự sống vì bố mẹ. Tiếp cận một con người đầy kiêu hãnh và mặc cảm trong tấm thân bại liệt, Louisa trải qua sáu tháng dồn dập những thách thức, đổ vỡ, những gần gũi, thông hiểu, sẻ chia và rung cảm. Họ dần yêu nhau.

Thien vi tinh yeu
Ảnh mang tính minh họa

Nhờ sự khích lệ của Will, Louisa bước ra khỏi thế giới chật chội với những điều “không thể”, bắt đầu làm những điều trước kia cô chưa từng nghĩ mình có thể. Còn Will, ở bên Louisa khi “cột mốc tự đánh dấu cho cái chết” kề cận, lại trở nên tươi tắn, hài hước và đầy nhựa sống. Càng về sau, những nỗ lực trong tình yêu của Louisa càng bị chi phối bởi ý muốn đưa Will ra khỏi ý định chết. Khán giả nghẹt thở khi sáu tháng Will hứa “sống vì bố mẹ” vơi dần. Bộ phim khép lại với hình ảnh một Louisa mới mẻ, tràn đầy năng lượng, một mình bước đi giữa Paris đầy sức sống - đúng như ước nguyện của Will. Còn Will, anh đã chọn cái chết.

Rạp phim sáng đèn khi cảm xúc chưa kịp hồi lại, nhiều khán giả vẫn tiếp tục... khóc. “Sao không phải là một happy ending? Câu chuyện đang quá đẹp mà!” - người phụ nữ đi bên tôi trong lối ra nhỏ xíu trước cửa rạp than. Sau đó, trên các trang bình luận phim, nhiều khán giả tỏ ra thất vọng vì cho rằng bộ phim kết thúc “không có hậu”. “Tại sao tình yêu đang tròn trịa lại không thắng nổi ý định tự sát?”, “Sao Louisa lại thất bại?”, “Sao Will không chọn tình yêu?”... - rất nhiều câu hỏi “tại sao”. Tất cả những bất bình đó cũng giống như phản ứng khi người ta chứng khiến một tình yêu không được lựa chọn, một cuộc hôn nhân bị chối từ.

Cách đây hai năm, khi con cái đều đã kết hôn, ông Nguyễn Văn Bình (P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Bình) một hai đòi... vào chùa sống. 64 tuổi, khỏe mạnh, gia đình hòa thuận, ý định vào chùa của ông bị mọi người phản ứng quyết liệt. Nói chuyện một, hai lần không xong; ông lặng lẽ lui tới chùa mỗi ngày, đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. “Dư luận” trong nhà vừa dịu đôi chút, ông lại nhắc chuyện “vào chùa ở hẳn”. Trong mọi cuộc bàn luận, con ông hết lời khuyên can ông bỏ ý định kia để “cửa nhà yên ổn”, “gia đình lành lặn”. Ông bỏ thật. Nhưng từ đó, ông sống như cái bóng.

Có lẽ, lý lẽ của những diễn biến tưởng chừng trớ trêu này, đều nằm trong câu trả lời của Will ở tình huống thắt nút bộ phim Me before you: “Anh biết cuộc sống đó rất tốt. Nhưng nó không phải cuộc sống của anh”. Lựa chọn của ông Bình cũng vậy - những “yên lành” đang có không còn là thiên hướng sống của ông. Nhìn từ lý lẽ của tình yêu, hôn nhân thông thường; dễ thấy đó là những lựa chọn ích kỷ. Nhưng, câu chuyện về ý nghĩa sống ấy đôi khi không thuộc về những lý lẽ ta vẫn quen dùng cho tình yêu, hôn nhân.

Tình yêu, hôn nhân hay bất kỳ một mối ràng buộc tình cảm nào khác đều chỉ thật sự trở thành lẽ sống, khi nó khiến con người bộc lộ được bản thân, được là chính họ, được phát triển như là họ. Cũng chính vì vậy mà sau khi giúp Louisa “trở thành một con người khác” bằng việc khơi dậy những tiềm năng và khao khát sống ở cô, tình yêu của Will đã hoàn tất sứ mệnh. Mặc kệ những viễn cảnh hạnh phúc được Louisa vẽ ra, Will kiên quyết: “không trói buộc em nữa”. Bởi, không một lý lẽ nào, kể cả tình yêu, đủ chính đáng có thể kềm hãm sự phát tr iển của một con người. Điều này, có lẽ vẫn còn quá xa lạ khi mà thiên vị tình yêu và hôn nhân dường như đã trở thành quán tính nhân đạo của con người.

Mạch chuyện này khiến tôi nhớ đến lời đề nghị “Hãy thuần dưỡng tớ đi!” của chú Cáo trong bộ phim Hoàng tử bé vừa khuấy đảo cộng đồng yêu điện ảnh Việt. Hai chữ “thuần dưỡng” trong lời đề nghị của một con vật vốn đầy bản lĩnh trong cuộc sống hoang dã đã bộc lộ một khao khát muôn đời của loài người - khao khát chối bỏ sự cô đơn. Thuần dưỡng là thổi mình vào đối phương, gọt giũa bớt những cái riêng, những cái xô lệch, đối kháng. Thuần dưỡng là để có thể chung sống. Không có Hoàng tử bé, Cáo vẫn sống tốt. Không có một người thứ hai, thứ ba nào đó đến gần, mỗi con người riêng rẽ vẫn có thể tồn tại.

Nhưng, con người vẫn tìm đến nhau trong tình bạn, tình yêu, hôn nhân... là để hiểu mình, hiểu người, để ngắm nhìn bản thân, để từ mối tương giao ấy mà bộc lộ mình, phát triển mình. Thế rồi, trong cuộc đại thuần dưỡng ấy, chúng ta bắt đầu nhầm lẫn. Chúng ta quên mất rằng mình đã đến với nhau để yêu, để chung sống. Chúng ta bắt đầu nhân danh tình yêu, hôn nhân hay chính sự chung sống để ràng buộc nhau, tạo ra những áp lực thay đổi, hòa hợp, kiểm soát... khiến quan hệ trở nên ngột ngạt.

“Con không thể thay đổi một con người. Con chỉ có thể yêu họ” - câu nói của ông Clark với con gái Louisa khi cô tuyệt vọng trước quyết định của Will. Với Quách Thị Thanh (P.An Phú, Q.2), tám năm hôn nhân, suy nghĩ xuyên suốt của chị là làm sao để thay đổi người chồng hễ nóng lên là... chửi. Anh ức hiếp chị bằng lời nói cho đến khi... hết nóng lại cuống quít xin lỗi, làm lành. Biết chồng nóng mất khôn nhưng vốn là người hiền lành, trách nhiệm, yêu vợ thương con; mỗi lần xảy ra chuyện chị chỉ giận dỗi một hai hôm là thôi. Ngặt nỗi, dù biết lỗi nhưng mỗi lúc nóng lên, anh lại mất kiểm soát. Cảm giác bị trút giận chị đã quen dần, nhưng nỗi mặc cảm mình không biến cải được chồng khiến chị dằn vặt, trách móc anh suốt bao năm.

Tình yêu xưa nay vẫn mang theo trong nó bao nhiêu lý lẽ, bao “quy tắc ứng xử”, bao “quyền lực” và cả áp lực như thế. Những lý lẽ ấy đã được bà Traynor giữ chặt suốt hai năm rưỡi níu lấy con trai trong câm lặng và đau đớn; để rồi vỡ òa một cuộc giằng co khi biết chồng có dấu hiệu hỗ trợ con trai tìm đến cái chết:

- Đó là con trai tôi! - Bà quát.

- Đó cũng là con trai tôi - ông Traynor quát to không kém, rồi buông từng chữ, chắc nịch: - Nhưng-đây-là-lựa-chọn-của-nó! Mấy chữ sau cùng của người cha đau khổ đã gỡ nút thắt cho bộ phim. “Đó là lựa chọn của Will”, không một tình yêu nào đủ lý lẽ để phủ nhận điều đó.

Quả thực, có những tình huống ngặt nghèo mà nếu ta thiên vị tình yêu, cực đoan đứng về phía tình yêu - ta sẽ trở nên độc ác với con người.

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI