Trên Biển Đông, chính nghĩa thuộc về Việt Nam

Thiên tử, thiên hạ - não trạng “di căn” của nhà cầm quyền Trung Quốc

24/08/2020 - 06:34

PNO - Tham vọng của các đế chế Trung Quốc là vô biên. Như một sự di truyền ý chí, giới lãnh đạo của Trung Quốc luôn khát khao thống trị cả thế giới.

Một năm sau chiến tranh biên giới Việt - Trung, giáo sư Trần Ngọc Vương khi đó 24 tuổi, đã có bài Chủ nghĩa duy tâm của một quan niệm về lãnh thổ đăng trên tạp chí Triết học (tháng 4/1980). Bốn thập niên qua, nhiều phân tích của ông vẫn còn nguyên tính thời sự, lột tả được não trạng “di căn” của nhà cầm quyền Trung Quốc, đó là thiên tử cai quản thiên hạ theo thiên mệnh.

Giáo sư Trần Ngọc Vương đã dành cho Báo Phụ Nữ TPHCM một cuộc trao đổi về vấn đề này.

Giáo sư, nhà giáo ưu tú Trần Ngọc Vương - Ảnh: Phạm Tùng
Giáo sư, nhà giáo ưu tú Trần Ngọc Vương - Ảnh: Phạm Tùng

Tự lên ngôi, tự lập đàn tế trời

Phóng viên: Thưa giáo sư, ông từng nói, muốn hiểu được “Trung Quốc mộng” thì phải hiểu mô hình hoàng đế Trung Hoa. Vậy mô hình đó cụ thể ra sao?

Giáo sư Trần Ngọc Vương: Mô hình hoàng đế được manh nha từ nhà Thương (khoảng thế kỷ XVII - XI trước Công nguyên). Lần đầu tiên, mô hình thế giới được hình dung như hình ảnh của một gia đình mở rộng. Tổ tiên được thiêng hóa, người thiêng nhất được hình dung là trời - thiên phụ. Thiên phụ được hình dung là có ý chí, có nhân cách nhưng không mang những tiêu chí nhân trắc học. Với mô hình này, ông trời là cha chung, dưới trời là con trưởng - thiên tử - cai quản, chi phối toàn bộ quyền lực dưới gầm trời. 

Đi cùng khái niệm thiên tử là thiên hạ - dưới trời. Đó không chỉ là vùng dân cư, lãnh thổ cụ thể, mà bao gồm tất cả mọi thứ dưới gầm trời. Và những gì dưới trời là của thiên tử, do thiên tử cai quản. Đến thời cận đại, Trung Quốc vẫn giữ nguyên mô hình đó. Quan lại thực hiện hai việc. một là “trí quân trạch dân”: xếp, đặt (trí) cho vua (quân) ngồi vững trên ngai đã được định. Hai là giúp vua rưới ơn huệ xuống cho thần dân (trạch dân). “Ơn mưa móc thấm đến từng cành cây ngọn cỏ” là như vậy. “Đại thiên hành hóa”, “thế thiên hành đạo”, “phụng thiên thừa vận”, mọi hoàng đế Trung Quốc đều theo mô hình đó. Kiểu ông vua - thiên tử như vậy không có ở bất cứ nơi nào khác ngoài Trung Quốc.

* Chính mô hình đó và quan niệm thiên tử cai quản thiên hạ theo thiên mệnh “di căn” từ đời này sang đời khác đã sinh ra tính cực quyền của các ông vua - thiên tử?

- Một trong những hoàng đế khét tiếng của châu Âu là Napoléon Bonaparte. Khi lên ngôi, ông vẫn phải nhờ Giáo hoàng chứng thực và thụ phong cho mình. Napoléon làm duy nhất một hành động khiến cho cả châu Âu kinh ngạc, là khi Giáo hoàng sắp đội vương miện lên đầu Napoléon thì ông ta giằng lấy, tự đội lên đầu mình. Trong mắt Napoléon, Giáo hoàng chỉ là người thường, nhưng ông ta cũng không quên Giáo hoàng là biểu tượng của Chúa, của Thượng đế. Do đó, ông ta vẫn cần Giáo hoàng thay mặt Thượng đế chứng nhận việc lên ngôi. Nhưng các hoàng đế của Trung Quốc thì không, họ điềm nhiên làm cái công việc mà ở châu Âu xưa vẫn coi là việc của Chúa. Họ tự lên ngôi, tự lập đàn tế, không cần phải có bất kỳ ai làm lễ hay tấn phong.

Tham vọng của các hoàng đế và đế chế Trung Quốc là vô biên. Như một sự di truyền ý chí, giới lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc hôm nay luôn mang tham vọng bắt cả thế giới về chầu thiên triều, tức là họ. Họ khát khao chinh phục, thống trị cả thế giới. Mao Trạch Đông là một trong những lãnh tụ của Trung Quốc thể hiện rất rõ khát khao đó. 

Trung Quốc hạ thủy tàu tấn công đổ bộ Type 075 thứ hai vào ngày 22/4/2020
Trung Quốc hạ thủy tàu tấn công đổ bộ Type 075 thứ hai vào ngày 22/4/2020

Nền văn minh úp mặt vào đất

* Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động “vô pháp vô thiên” trên Biển Đông. Họ làm mọi cách để chứng minh (bằng những chứng cớ ngụy tạo) rằng họ có chủ quyền ở các quần đảo của Việt Nam. Nhưng trong lịch sử và văn hóa Trung Quốc đều thể hiện đế chế của họ là đế chế lục địa. Trung Quốc cũng nỗ lực viết sách về văn hóa, chính trị, quốc phòng để chứng minh điều đó. Giáo sư nhận định như thế nào về hai hướng chứng minh dường như ngược chiều nhau này của họ?

- Họ muốn khẳng định là họ không hiếu chiến, hướng nội. Não trạng của giới cầm quyền Trung Quốc có kiến tạo rất phức tạp, ngay từ những khái quát hóa đầu tiên, mang tính ý niệm chứ không chỉ riêng chính trị. Ngũ hành thể hiện rõ điều đó. Hành thổ được họ xem là trung tâm, màu thể hiện là màu vàng, bởi Hoàng Hà tạo ra bình nguyên ở trung lưu (khu vực này gọi là Trung Nguyên, còn hạ lưu của Hoàng Hà là các sơn hệ), màu nước sông và màu đất chủ yếu là màu vàng.

Khi đứng ở Trung Nguyên quy chiếu thì phía tây mặt trời xuống núi, rất nhiều mỏ kim loại, nên phía đó là hành kim, sắc trắng. Phía đông mặt trời mọc, với sơn hệ phủ đầy cây cối, là hành mộc, màu xanh. Phía nam nhiều nắng, nóng, gần đường xích đạo là hành hỏa, sắc đỏ. Phía bắc quanh năm tuyết phủ, ít nắng, cùng những con sông “chúng thủy giai đông tẩu” là hành thủy, màu đen. Người xem tướng số, tử vi nói người mệnh thủy da ngăm ngăm. Họ bị ám bởi ngũ hành đến mức đó. 

Ngũ hành thực ra là chiếu từ vị trí địa lý và điều kiện sống của người Trung Quốc ở Trung Nguyên. Họ xem quy chiếu mọi thứ, mọi “hành” vào đất, đất có tác dụng cân bằng mọi chuyện, nên hành thổ là trung tâm. Từ thời Chu (khoảng thế kỷ X - thế kỷ III trước Công nguyên) đã xác tín rằng, ai làm chủ được Trung Nguyên thì người đó làm chủ thiên hạ.

Điều đó giải thích tại sao nền văn minh Trung Quốc cho đến tận bây giờ vẫn đậm đặc tính chất văn minh lục địa. Đó là nền văn minh úp mặt vào đất, hoàn toàn không hướng biển. Hai lý thuyết thay nhau cai trị ở Trung Quốc là Nho gia và Pháp gia đều trọng nông, dĩ nông vi bản, tập trung khai thác đất đai, lực lượng sản xuất là nông dân.

* Ngoài Hoàng Hà, Trung Quốc còn có một dòng sông với vùng đồng bằng rất lớn khác là Trường Giang. Nhưng, chỉ cư dân Trung Nguyên gọi mình là Hoa Hạ. Điều này có liên quan đến lịch sử chính trị của Trung Quốc không, thưa giáo sư?

- Ba mươi năm trước, có một cuốn sách của một học giả Trung Quốc viết khá hấp dẫn - cuốn Hoàng sắc văn minh (nền văn minh màu vàng) - viết về văn minh sông Hoàng Hà. Trong thư tịch của Trung Quốc, phía nam Trung Quốc thời Tần chưa phải là lưu vực sông Trường Giang, mà phía nam rất gần Trung Nguyên. Người Trung Nguyên tự gọi mình là Hoa Hạ, vừa tốt đẹp (Hoa), vừa văn minh rực rỡ (Hạ) hơn tất cả các vùng khác. Họ gọi các nhóm dân tộc xung quanh là Tứ di, gồm Đông di, Bắc địch, Tây nhung, Nam man.

Khi tiến ra đông bắc, họ gặp một vùng cao nguyên và thảo nguyên, dân cư thưa thớt và tương đối thiện chiến. Tiến lên phía bắc và tây bắc cũng là thảo nguyên nhưng cao nguyên nhiều hơn. Đó chính là những tộc người Trung Á (về sau, nhiều tộc người này theo Hồi giáo), lực lượng này còn thiện chiến hơn nữa, và họ gọi chung nhóm đó là rợ Hung Nô, hay Ngũ Hồ. Trong lịch sử Trung Quốc, họ từng bị Hung Nô khuấy đảo, chinh phục, lấn vào (họ gọi trịch thượng là “phạm vào”). Để ngăn ngừa các sắc dân này, họ mới xây Vạn lý trường thành.

Phía tây cũng không vừa, vì bản thân nước Tần ban đầu là Tây nhung, một tộc thiểu số nhưng lại là sắc dân đầu tiên tiến vào, cai quản và thống nhất cả Trung Nguyên như một đế chế. Tuy vậy, họ vẫn tìm mọi thủ đoạn để tiến về ba hướng đó, và việc tiến về phía nam cũng không bị “bỏ quên”. 

Cuối nhà Chu, họ đã hoàn thành bước tiến đầu tiên về phía nam, chinh phục đồng bằng sông Dương Tử (tức Trường Giang), là nơi sinh sống của cư dân Bách Việt. Đúng ra thì dân Trung Nguyên, Hoa Hạ cũng không chinh phục nổi dân phương Nam bằng sức mạnh quân sự, nhưng họ đã gây ảnh hưởng lớn và liên tục nhiều thế kỷ bằng văn hóa. Đó là vùng văn minh thứ hai, ghép với văn minh sông Hoàng Hà, sau sẽ được gọi là “nền văn minh màu vàng”. Sau khi ghép, nền văn minh sông Trường Giang bị văn hóa phía bắc xâm lấn, nền văn minh sông Hoàng Hà được coi là chủ đạo.

Chinh phục phía nam là câu chuyện rất lôi thôi của các đế chế Trung Quốc. Dân phương Bắc ở xứ lạnh, lương thực chủ yếu là lúa mạch; Bách Việt phương Nam là dân lúa nước. Hai vùng văn minh rất khác nhau. Hiện nay, ở Trung Quốc, vẫn tồn tại khái niệm - như họ thường nói - là phân biệt dân phương Bắc và dân phương Nam. Sự phân biệt này là phổ biến và cũng rất khó hòa hợp giữa hai bộ phận cư dân đó.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

* Ngoài cốt lõi Trung Nguyên thể hiện văn minh của Trung Quốc là nền văn minh úp mặt vào đất như trên, điều gì cho thấy Trung Quốc không hề có dấu ấn lịch sử ở Biển Đông?

- Suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, họ chọn ra thập đại đế vương. Trong đó, chỉ có ông vua sáng lập triều Minh - Chu Nguyên Chương - mang gốc gác phương Nam. Chín người còn lại đều ở phương Bắc. Việc này thể hiện rõ trọng tâm văn hóa, chính trị của Trung Quốc nằm ở đâu.

Cũng vì gốc gác phương Nam nên trong mấy chục năm đầu triều Minh, tầm nhìn ra biển của Trung Quốc bắt đầu được hé. Tuy nhiên, cái gọi là tầm nhìn ra biển của họ cũng chỉ xoay quanh thái giám Trịnh Hòa, người gốc Ả rập, có vốn kiến thức và buôn bán ở Địa Trung Hải của cha ông. Khi phục vụ nhà Minh, vua Minh đã chấp thuận cho Trịnh Hòa lập đội tàu lớn để đi ra biển, mục đích chủ yếu là thám hiểm như Magellan. 

Nếu ở Trung Quốc xuất hiện một nhà hàng hải lớn thì người đó chính là Trịnh Hòa. Sau khoảng ba mươi năm, với bảy chuyến hải hành lớn nhỏ được sử gia đề cập (“thất há Nam Dương”), ông này đã lập ra lần đầu tiên ở Trung Quốc một kho tàng khá đồ sộ những tài liệu, thư tịch lẫn hiện vật về biển nói chung. 

Nhưng, như đã nói, não trạng chi phối tầng lớp cai trị của cái đế chế lục địa ấy vẫn cứ là “dĩ nông vi bản”. Sau những cuộc đấu đá liên tục giữa các đại thần, rốt cục, cái nhìn ra biển đó đã đóng lại. Luật “hải cấm” chính thức được ban hành và thực thi liên tục, quyết liệt từ năm 1435, có hiệu lực kéo dài xuyên qua suốt cả triều Mãn Thanh. Các ông vua đời sau của nhà Minh sau Minh Tuyên Tông quay sang trọng nông, xem trọng lục địa như giới cầm quyền gốc phương Bắc.

Năm 1909, lần đầu tiên, hải quân của nhà Thanh đi ra biển lớn, thám hiểm Biển Đông và bắt đầu lên tiếng về các tàu khách, các chuyến hải hành của phương Tây vãng lai đến khu vực này cũng như khu vực biển Hoa Nam. Cũng năm 1909, xảy ra vụ va chạm giữa hai tàu châu Âu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của ta. Tàu chìm, họ kéo vào trình báo tỉnh trưởng Quảng Đông nhờ phân xử. Nhưng, tỉnh trưởng Quảng Đông trả lời: “Chúng tôi không biết. Chúng tôi không chịu trách nhiệm. Các ông sang hỏi Việt Nam”. Vì bấy giờ, nhà Thanh vẫn thực hiện Luật Hải cấm và đã ủy quyền cho vua Việt Nam, với tư cách là phiên quốc, chịu trách nhiệm toàn bộ khu vực Biển Đông (họ gọi là Nam Hải).

Trong lịch sử quan niệm của họ, dân du mục cùng dân sống trên biển bị coi là thảo khấu, không phải lục lâm thì là nụy khấu, hải tặc.

* Cảm ơn giáo sư. 


 Uông Ngọc (thực hiện)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • ngọc hà 24-08-2020 11:39:47

    Bài viết của giáo sư Trần Ngọc Vương rất hay, giúp chúng ta hiểu sâu nhiều về tư tưởng Trung Quốc qua các triều đại đồng thời phân tích cho thấy nguồn gốc, bản chất tham vọng của Họ đối với thế giới nói chung và Biển Đông nói riêng. Rất mong được đọc nhiều bài nữa của giáo sư trên báo phụ nữ tp Hồ Chí Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI