Thiên thần và ác quỷ

08/05/2013 - 16:12

PNO - PN - Hôm nay (8/5) là tròn hai tuần từ ngày xảy ra vụ sập tòa nhà tám tầng Rana Plaza ở Bangladesh. Đến 16g30 chiều nay, theo AFP số người chết đã là 782 người. Cuộc đào bới tìm kiếm vẫn tiếp tục vì còn nhiều gia đình đang tìm người...

Didar Hossain làm công nhân trong một nhà máy đối diện với tòa nhà Rana Plaza. Khi tòa nhà đổ sụp, bất chấp nguy hiểm, Hossain là một trong những người tình nguyện đầu tiên tham gia giải cứu nạn nhân. Tòa nhà tám tầng, lúc đó chỉ còn ba tầng, các tầng trên đã sụp đổ. Với cây búa trong tay, Hossain xông vào bên trong cứu người. Từ 9g ngày 24/4 đến 13g ngày 26/4, Hossain đã cứu được 34 người, trong đó có hai người anh phải cắt bỏ tay, chân của họ để cứu mạng.

Thien than va ac quy

Didar Hossain thăm cô gái được anh cắt bỏ tay để cứu mạng -  Ảnh: Telegraph

Hossain phải mất đến năm giờ mới cứu được một cô gái mắc kẹt ở tầng ba ra khỏi tòa nhà. “Cô ấy la khóc và nói “Anh ơi, đừng bỏ tôi ở đây một mình, cho tôi ra ngoài dù cho anh phải cắt bỏ bàn tay của tôi”. Nghe vậy, Hossain chạy tìm bác sĩ, đề nghị giúp đỡ. Người bác sĩ trả lời: “Tôi sợ lắm, tôi không thể vào trong đó, anh hãy tự giải quyết”. Thế là, với con dao và thuốc gây tê của bác sĩ, Hossain cắt bỏ bàn tay cô gái. Do chỉ có thuốc gây tê nên cô gái nhìn thấy hết mọi sự và la, khóc theo từng cơn đau. Sau đó, Hossain cột cố định cánh tay vào thân người của cô gái, buộc người cô vào giữa hai chân của anh, rồi bò thật chậm để tìm lối thoát thân. Trên đường, họ gặp một người đàn ông cũng đang bị mắc kẹt, ông ta nói: “Anh hãy cưa chân tôi để cứu sống tôi”. Hossain tiếp tục việc đoạn chi, lần này thuốc gây tê đã hết. Người đàn ông gần như ngất lịm, được Hossain buộc chặt tay của ông vào tay mình. Hossain tiếp tục kéo theo hai nạn nhân để cùng thoát ra ngoài an toàn.

Được vinh danh vì xả thân cứu người, Didar Hossain cho rằng: “Tôi không phải anh hùng, tôi chỉ là người bình thường, cố gắng giúp đỡ người khác”.

Trong khi đó, chủ tòa nhà Rana Plaza Mohammad Sohel Rana giờ đã trở thành kẻ bị căm ghét nhất Bangladesh. Sohel là người cuối cùng trong chín người bị bắt vì liên quan trực tiếp đến thảm họa này.

Thien than va ac quy

Mohammad Sohel Rana bị bắt trên đường chạy trốn ra nước ngoài - Ảnh: Yahoo! News

Sohel xuất thân nghèo khó, nổi tiếng vì giàu lên nhanh chóng và củng cố được địa vị sau khi tham gia chính trường. Khi tòa nhà Rana đổ sụp, các cuộc điều tra đã lật tẩy chuyện làm giàu phi pháp của Sohel.

Phó Chủ tịch đảng cầm quyền tại địa phương, ông Ashfuddin Khan cho biết: “Sohel Rana kiểm soát thế giới ngầm của các băng đảng ở địa phương, sử dụng thế lực đen tối đó để buôn bán chất cấm, tống tiền và rửa tiền”. Nhờ sự bảo kê của các chính trị gia tham nhũng, Sohel củng cố vị thế của mình. Thế lực của Sohel càng mạnh mẽ sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 2008. Khi đó, người bảo trợ cho Sohel, ông Touhid Jong (thường được gọi là Murad Jong) trở thành đại biểu quốc hội tại địa phương. Dĩ nhiên, sau thảm họa kinh hoàng ở tòa nhà Rana Plaza, Murad Jong cũng như các đảng phái chính trị địa phương đều chối bỏ mối liên hệ với Sohel.

Những năm 1990, tiểu khu Savar phát triển rầm rộ các hoạt động kinh doanh bất động sản, do đây là khu vực gần thủ đô Dhaka và được quy hoạch xây dựng các nhà máy. Với sự nâng đỡ của giới chính trị gia địa phương, Sohel thành lập hai công ty về bất động sản, nhưng không hề kinh doanh đàng hoàng mà dùng vũ lực để tước đoạt đất đai của người khác.

Theo các điều tra viên, tòa nhà Rana Plaza xây dựng trái phép ba tầng, hầu hết vật liệu đều không đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là không được phê duyệt thiết kế để bố trí các xưởng may trong tòa nhà.

VĨNH LINH (tổng hợp từ BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI