So với mặt bằng chung của văn học trẻ Việt Nam, Thiên thần mù sương (Đức Anh, NXB Văn Học) là một tác phẩm dày dặn, công phu và tham vọng hiếm thấy. Với gần 500 trang, cuốn tiểu thuyết dựng lên cả một thế giới để soi chiếu bản thể con người, khám phá những tầng bậc bí hiểm nhất và những ngóc ngách sâu kín nhất.
Như một màn sương mù giăng ra khắp nẻo, cuốn sách luôn có xu hướng mở rộng biên độ về chủ đề và thể loại. Tác phẩm hòa trộn giữa trinh thám, tâm lý ly kỳ và khoa học viễn tưởng, hay thậm chí, ở một vài khoảnh khắc, còn là hiện thực huyền ảo. Sự đa dạng ấy cho phép nó đào sâu vào nhiều vấn đề của thế giới hiện đại, từ mối quan hệ giữa con người và máy móc, sự nhận thức về bản thân trong kỷ nguyên công nghệ, đến sự mập mờ của những lựa chọn đạo đức mang màu sắc triết học.
Thiên thần mù sương lấy bối cảnh Việt Nam năm 2038, một tương lai khi con người lệ thuộc hoàn toàn vào công nghệ. Ở thời điểm đó, nhân loại đang chìm đắm trong sự tiện nghi và thịnh vượng, mà không mảy may chú ý đến những hiểm họa từ trí tuệ nhân tạo. Bằng sự tỉ mỉ và kỹ lưỡng đến khó tin, tác phẩm đã soi chiếu những vết nứt sâu thẳm trong một thế giới tưởng chừng tinh xảo đến tận chân tơ kẽ tóc.
Trọng tâm của Thiên thần mù sương là chuyến xe buýt bí ẩn mang số 99 đi về vùng ngoại ô. Trên chuyến xe đó, hành khách đã có những trải nghiệm kỳ quái, thậm chí hãi hùng, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn vĩnh viễn. Hai nhân vật chính, cô gái trẻ Minh Hà cùng với người yêu cũ Hải Anh, đã lần theo những manh mối mơ hồ về chuyến xe kia, để rồi ngày càng lún sâu hơn vào những điều nằm ngoài sức tưởng tượng và chịu đựng của chính họ.
|
"Thiên thần mù sương" vượt ra khỏi những ranh giới về thể loại - Ảnh: diemsach.info |
Tuy nhiên, chuyến xe kỳ bí trên chỉ là quân domino đầu tiên đổ xuống, báo hiệu sự tan rã và sụp đổ của thế giới mà Minh Hà và Hải Anh đang sống. Sau nhiều bước ngoặt, những gì diễn ra trước mắt họ dần trở nên giống với một giấc mơ quái đản, hay một thứ “hiện thực thay thế” mang đậm màu sắc viễn tưởng. Mỗi chương của cuốn sách đều được mở đầu bằng trích dẫn từ một tựa game, như thể các nhân vật đang mắc kẹt trong thế giới giả lập của một trò chơi điện tử.
Thiên thần mù sương sở hữu một cấu trúc lắt léo và tương đối khó nắm bắt. Bất chấp những sự kiện diễn ra tuần tự, tổng thể tác phẩm không phải một câu chuyện tuyến tính mạch lạc, mà là một trò giải đố với những manh mối rải rác. Những manh mối ấy không hiện hữu trên bề mặt, mà chỉ xuất hiện nếu ta đủ kiên nhẫn để đi thật sâu vào quá khứ và thế giới tinh thần đầy biến động của các nhân vật.
Trong cuốn sách này, những bất an, nghi hoặc và thương tổn ngự trị nơi tâm hồn con người đã tạo nên bức chân dung nghịch đảo về thế giới bên ngoài. Đó là một thế giới văn minh nhưng cũng hết mực điên rồ, khi tiến bộ khoa học đã biến những tưởng tượng quái dị nhất trở thành hiện thực. Nếu không đặt ra những giới hạn, công nghệ sẽ nhanh chóng nắm lấy điểm yếu của con người và thao túng con người.
Từ tiền đề đó, Thiên thần mù sương gợi lên những câu hỏi nhức nhối về đạo đức của công nghệ. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho một vụ tự sát, khi nạn nhân tham vấn ý kiến của ứng dụng thông minh để đưa ra lựa chọn? Trong thế giới mà cuốn sách xây dựng, dường như mọi quyết định của con người đều có sự hỗ trợ của máy móc. Đó không khác nào một viên đạn bọc đường, khi đằng sau sự tiện nghi, nhanh chóng là muôn vàn mối đe dọa.
Tuy nhiên, những bi kịch trong cuốn sách không chỉ bắt nguồn từ sự vô cảm của máy móc, mà còn được "đồng lõa" bởi sự lạnh lùng, tàn bạo giữa người với người. Trong rất nhiều trường hợp, các nhân vật phải đối đầu trực diện với bạo lực đến từ thế giới xung quanh, dưới vô vàn hình thức khác nhau. Bởi vậy, trong Thiên thần mù sương len lỏi một cảm thức bi quan, khi các cỗ máy ngày càng giống người hơn, còn con người lại đang rút cạn nhân tính của mình.
|
Tác giả Đức Anh, một trong những cây bút tích cực nhất thuộc thế hệ 9x trên văn đàn hiện nay |
Mặt khác, kỷ nguyên công nghệ cũng thổi bùng lên những hoài nghi về bản ngã. Liệu ta là người, hay chỉ là những thông tin được mã hóa? Liệu trải nghiệm sống của ta là một hành trình tuyến tính, độc nhất, hay chỉ là những tệp dữ liệu có thể được tiếp cận bởi bất cứ ai, bất cứ lúc nào? Những đổi thay của thời đại yêu cầu con người phải nhận thức lại về chính mình, cũng như về những giá trị người.
Trong tình thế đó, chính sự bất toàn và nỗi sợ khiến ta được là người. Các nhân vật của Thiên thần mù sương đều gánh trên vai một quá khứ trĩu nặng và xước xát; trái tim họ không nguyên vẹn mà đầy ắp những vết cứa của cuộc đời. Bước lên chuyến xe kỳ lạ, họ dấn thân vào một vùng sương mù bất tận, mịt mùng và vô vọng như cõi sâu thẳm trong tâm hồn. Giống như ở Chân trời sự kiện (*), đó là nơi ánh sáng và ý thức không thể chạm tới để dẫn lối cho con người.
Thế nhưng, chỉ có đi đến tận cùng thế giới, ta mới nhận ra rằng mình có lựa chọn. Dù công nghệ có thể thao túng tâm trí con người, nhưng trong những khoảnh khắc hệ trọng, quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về chúng ta. Giống như một nhân vật đã nói với Minh Hà: "Cậu tung đồng xu để lựa chọn, nhưng dù kết quả là sấp hay ngửa thì cậu vẫn sẽ làm theo những gì trái tim mình mách bảo".
Có những lựa chọn khó khăn và đau đớn, nhưng không thể khác. Ta chỉ có được bản lĩnh làm người khi dám đưa ra những lựa chọn đó. Bởi nếu tất cả đều phụ thuộc vào máy móc thì loài người chẳng khác gì những ký sinh công nghệ, trong chính cuộc sống của mình.
Minh Trang
(*) Chân trời sự kiện, hay Event Horizon là một thuật ngữ của ngành vật lý vũ trụ, mô tả đường biên của hố đen, nơi ánh sáng và sóng điện không thể thoát ra bên ngoài. Thuật ngữ này liên quan đến một chi tiết quan trọng trong Thiên thần mù sương (chú thích lấy từ tác phẩm).