Thiên tai bủa vây con người

21/09/2024 - 06:00

PNO - Các nhà khoa học cảnh báo, biến đổi khí hậu đang khiến mưa bão, hạn hán, cháy rừng… xảy ra với cường độ mạnh và thường xuyên hơn, tác động mạnh đến cuộc sống của hơn 1 tỉ người trên thế giới.

Sự kiện thời tiết cực đoan tăng mạnh

Trong một sự kiện khí tượng bất thường, tàn dư của cơn bão Yagi, bắt nguồn từ trung tâm Thái Bình Dương, đã di chuyển hàng ngàn cây số đến miền Bắc Ấn Độ và gây ra lượng mưa đáng kể. Hành trình của Yagi thu hút sự chú ý của các nhà khí tượng học do sự hiếm gặp và tác động rộng khắp của nó.

Người dân ở Naypyitaw, Myanmar chật vật băng qua vùng nước ngập sau siêu bão Yagi - ẢNH: AUNG SHINE OO (AP)
Người dân ở Naypyitaw, Myanmar chật vật băng qua vùng nước ngập sau siêu bão Yagi - Ảnh: Aung Shine Oo (AP)

Lũ lụt và lở đất trầm trọng do Yagi gây ra ở Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Lào và miền Nam Trung Quốc. Tổng số người chết vì cơn bão đã vượt quá 600. Cơn bão mạnh nhất tấn công Đông Nam Á trong nhiều thập niên là dấu hiệu cho thấy tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến các cơn bão nhiệt đới trở nên dữ dội hơn.

Trong tuần qua, lũ lụt hoành hành khắp Trung Âu, nhấn chìm nhiều thị trấn và hệ thống giao thông công cộng. Hơn 20 người thiệt mạng do lũ lụt ở Romania, Ba Lan, Séc và Áo. Nhiều người mất tích kể từ khi mưa lớn bắt đầu vào ngày 12/9. Hàng ngàn người khác phải di dời đến nơi an toàn.

Sissi Knispel de Acosta - Tổng thư ký của Liên minh Nghiên cứu khí hậu châu Âu - nhận định: “Những trận lũ lụt là lời nhắc nhở rõ ràng về mối đe dọa ngày càng tăng của các sự kiện thời tiết cực đoan do khí hậu gây ra”. Bão Boris đổ xuống lượng mưa gấp 5 lần lượng mưa trung bình của tháng Chín tại khu vực Trung Âu chỉ trong 4 ngày.

Trong khi đó, tại Bồ Đào Nha, chính phủ ban bố “tình trạng thảm họa” vào đêm 17/9 khi hơn 5.000 lính cứu hỏa phải tìm cách khống chế hơn 100 vụ cháy rừng xảy ra trên khắp các vùng phía bắc đất nước. 7 người thiệt mạng trong các vụ cháy, trong đó có 3 lính cứu hỏa.

“Chúng tôi đang trong tình trạng căng thẳng, luôn phải thử thách giới hạn khả năng của mình” - Duarte Costa - người đứng đầu cơ quan bảo vệ dân sự Bồ Đào Nha - cho biết. Hơn 90.000ha rừng ở Bồ Đào Nha bị thiêu rụi vì các vụ cháy rừng quy mô lớn kể từ ngày 14/9, nâng tổng số diện tích thiệt hại do cháy rừng trong năm 2024 của quốc gia này lên ít nhất 124.000ha.

Thay đổi để tránh thiệt hại lâu dài
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), mưa lũ và lở đất do bão Yagi đã ảnh hưởng đến gần 6 triệu trẻ em ở Đông Nam Á, cản trở khả năng tiếp cận nước sạch, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và nơi trú ẩn của các em.

June Kunugi - Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF - cho biết: “Những trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương nhất đang phải đối mặt với hậu quả tàn khốc nhất do sự tàn phá của bão Yagi để lại”. UNICEF cũng lưu ý rằng, trẻ em ở Đông Á và Thái Bình Dương phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm về khí hậu và môi trường chồng chéo và những tác động phức tạp từ những mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu làm gia tăng bất bình đẳng và gây tổn hại đến tiềm năng phát triển của trẻ em.

Mới đây, các nhà khoa học từ Trung tâm Nghiên cứu khí hậu quốc tế CICERO tại Na Uy cho biết: 70% dân số thế giới sẽ chứng kiến ​​những thay đổi mạnh mẽ về điều kiện thời tiết trong 20 năm tới, trừ phi lượng khí thải nhà kính được cắt giảm nhanh chóng. Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nature Geoscience lưu ý rằng, khi thế giới trở nên ấm và ẩm ướt hơn, các sự kiện cực đoan bắt đầu dịch chuyển ra khỏi những gì xã hội và hệ sinh thái có thể ứng phó. Điều mà thế giới phải làm là tiếp tục giảm phát thải và thích ứng với những thay đổi chưa từng có về khí hậu trong 20 năm tới.

Linh La (theo CNN, India Today, New York Times, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI