Tôi xin phép được gọi ông là thầy như rất nhiều người đang xem ông là một người thầy cầm tay chỉ lối cho mình trong hành trình tìm lại bản thân, tìm lại những ngày sống ý nghĩa.
Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Phụ Nữ Chủ nhật đã có buổi trò chuyện cùng ông để thấu 2 chữ hạnh phúc mà chúng ta luôn hoài công kiếm tìm.
Khi ý thức được “mình có”, chúng ta mới hạnh phúc
*Phóng viên: Chúng ta đã nói quá nhiều về hạnh phúc nhưng hạnh phúc là gì thì mấy ai định nghĩa được. Ta nên hiểu thế nào cho đúng về hạnh phúc, thưa thầy?
- Thiền sư Thích Minh Niệm: Đúng là chúng ta thường nói rất nhiều về hạnh phúc nhưng dường như ai cũng đang cố gắng đi tìm hạnh phúc hơn là tận hưởng những gì đang có. Mọi người thường đặt ra mục tiêu hạnh phúc, kỳ vọng ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay. Hiểu theo nghĩa đó, hạnh phúc là điều ta đang đuổi theo thay vì nắm giữ.
Hạnh phúc là cảm giác vui vẻ, hả hê, sung sướng khi đạt được điều gì đó, chẳng hạn mua nhà, mua xe, tốt nghiệp, ở cạnh người thương... Lúc mới có thì ta rất hạnh phúc nhưng các trạng thái đó thường không tồn tại lâu. Khi ý thức được “mình có”, chúng ta mới hạnh phúc.
* Có câu “Muốn hạnh phúc phải tìm được mục đích sống”, điều đó có cần thiết không, thưa thầy? Và, làm thế nào để có thể tìm ra mục đích sống của mình?
- Có lẽ chúng ta đặt mục tiêu cho cuộc đời mình quá lớn: “Làm sao để hạnh phúc?”. Nhưng, như đã nói, khi mọi thứ hiện diện/có bên cạnh, nếu cảm nhận được chữ “có” ấy theo đúng nghĩa thông thường nhất, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Ngay lúc này, ta có thể lấy giấy bút ra, ghi tất cả những gì mình đang có.
Mình đang có một sức khỏe đảm bảo tốt. Mình đang có một công việc nuôi được gia đình, vẫn cho mình những giá trị. Mình đang có những đứa trẻ dù đang trong giai đoạn dậy thì nhưng vẫn hiểu chuyện, ít chống đối. Mình đang có một người chồng dù không xuất chúng nhưng tử tế…
Cứ vậy, bạn hãy ghi ra tất cả những gì mình đang có rồi so sánh với những gì chưa có/chưa làm được. Hầu hết chúng ta sẽ thấy những cái chưa đạt được ít hơn những điều ta đang có. Vậy nhưng tâm của ta lại luôn bị thu hút bởi những cái chưa có, chưa làm được thay vì ngược lại. Ngoài kia, hầu hết mọi người đều như thế - không cảm nhận được mọi thứ đang hiện hữu rất thật quanh mình mà lại giẫm đạp lên hạnh phúc mà đi.
Để rồi một ngày nào đó, khi không thể có được “cỏ bên kia đồi”, ta quay về chấp nhận uống nước, ăn cỏ bên ngọn đồi thân thuộc và… cảm thấy thật ngon lành. Khi đó, ta mới tỉnh ngộ. Ta thấy hạnh phúc hiện diện quanh mình, chỉ cần mình có mặt trọn vẹn, chỉ cần mình biết cách nhìn và tận hưởng, chỉ cần mình quan niệm cái gì là hạnh phúc và biết nâng niu. Khi ấy, có thể ta sẽ rơi nước mắt nghẹn ngào vì đã đi quá nửa đời người mới nhận ra hạnh phúc quá đỗi giản dị, vậy mà ta đã phải vắt kiệt sức để kiếm tìm.
Đại thi hào Rabindranath Tagore (Ấn Độ) sau những năm tháng miệt mài chu du khắp nơi trên thế giới khám phá và học hỏi, bỗng một ngày nhận ra rằng: “Tiêu hao năm tháng/ Du ngoạn khắp vùng/ Thấy bao núi cao/ Thấy bao biển rộng/ Sao ta không thấy/ Ngay trước cửa nhà/ Giọt sương lấp lánh/ Trên cành cây ngô”. Thực tại vốn luôn màu nhiệm, những điều kiện hạnh phúc vốn luôn sẵn sàng, chỉ cần tâm bạn sẵn sàng là có thể đón nhận được ngay.
Uống một ly trà là dành cả tâm trí cho việc uống trà
* Hạnh phúc vận hành trong cuộc sống mỗi người theo một nguyên tắc nhất định phải không, thưa thầy?
- Có rất nhiều doanh nhân tìm đến tôi. Có người rất thành công nhưng giờ… ngơ ngác bởi họ thất bại hoặc đang phải trả giá quá đắt cho những thành công trong đời mình: không kết nối được với người thân, nghi ngờ hết những người xung quanh, không ngủ được, trầm cảm cấp độ cao...
Khi tôi hỏi: “Anh ơi, anh uống trà thấy sao?”, họ không trả lời. Tôi nắm tay, họ không cảm nhận được. Phải đến mấy ngày sau, họ mới cảm nhận được bước chân mình; lâu thật lâu, họ mới lắng nghe được tiếng chim hót. Điều đó cho thấy ít khi nào chúng ta bằng lòng hoặc có thể tận hưởng được những gì đang có.
Chúng ta luôn “dán” lên người chữ bận rộn. Ai cũng tin rằng mua thêm cái nhà, đời mình sẽ vui hơn; mua thêm chiếc bình đắt tiền, trà sẽ ngon hơn... Trong khi nhà sẵn đó thì ta không muốn ở, thức ăn chất đầy tủ lạnh mà ta cứ ăn uống ở ngoài đường… Bi kịch chính là chúng ta bị kích hoạt vào lòng tham, làm chúng ta bị dụ dỗ mà vội ruồng bỏ những gì đang nắm giữ, khiến chúng ta quên mất ý nghĩa cuộc sống.
Theo tôi, sống là phải sâu sắc, tận hưởng, biết mình đang có mặt và cuộc sống đang có mặt; không suy nghĩ quá nhiều cho quá khứ, không bận tâm quá nhiều cho tương lai mà nên tập trung tận hưởng hiện tại. Ăn chén cơm là tập trung toàn bộ giây phút đó cho bữa cơm. Uống một ly trà là cả tâm trí dành cho việc uống trà. Tiếp một vị khách thì ngay thời khắc đó, con người đang hiện hữu trước mắt mình chính là người quan trọng nhất. Ta không bị điện thoại kêu réo, không ai lôi vào cơn ảo mộng, hài lòng tuyệt đối, không tìm kiếm gì thêm nữa.
Chúng ta sống sâu sắc nhất, tận hưởng mọi ý nghĩa, cảm nhận mọi thứ đẹp đẽ, hay ho mà trời đất đang dành cho mình. Ai cũng có những điều đó nhưng lại bị dụ dỗ bởi những thứ tầm thường, vật chất bên ngoài. Cố gắng tập mỗi ngày, giảm bớt tham sân si, chúng ta mới đạt được tầng cao hơn của hạnh phúc.
* Tại trung tâm của thầy có rất nhiều học viên đang theo học để được chữa lành và trở thành chuyên gia trị liệu. Đó có phải là một cuộc từ bỏ, khám phá bản thân để hạnh phúc?
- Trong số học viên đến với chương trình đào luyện này, có một ít đối tượng cần được chữa lành, còn hầu hết là sẵn sàng khám phá bên trong, khai phóng những giới hạn tầm thường để hướng đến những giá trị rộng lớn, để rồi sau đó tất cả đều hướng đến lý tưởng chung: trở thành một nhà chữa lành, một người sống bình an và hạnh phúc, đầy hiểu biết và thương yêu để sẵn sàng chữa lành cho những ai đang bị tổn thương cần đến.
Họ từng là doanh nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ… nhưng vì nhìn thấy xung quanh có quá nhiều người bị tổn thương hoặc chính họ có nhiều bế tắc tâm lý mà không ai có thể giúp tháo gỡ nên họ muốn được học, được đào luyện bài bản rồi giúp lại người khác. Họ xem đó là một thứ hạnh phúc lớn.
Hạnh phúc là sự chọn lựa của mỗi người, miễn sao chúng ta luôn hài lòng về nó, làm chủ được nó, vui vẻ với nó trong mỗi giây phút. Hạnh phúc sẽ lớn hơn nữa nếu nó mang lại hạnh phúc cho người khác.
|
Hiểu về trái tim đề cập tới những vấn đề rất đời, rất nhiều ưu tư mà ít nhiều ai cũng từng trải qua |
Muốn hạnh phúc thì phải luôn chậm và dừng lại một chút
* Thầy là người tìm ra mục đích sống cho mình. Như vậy, tìm ra một mục đích sống nào đó ngoài những ngày sống hằng ngày có phải là hành trình tìm hạnh phúc?
- Hạnh phúc ở quanh chúng ta. Hạnh phúc là do chúng ta quyết định, lựa chọn. Muốn hạnh phúc thì phải luôn chậm và dừng lại một chút. Tại sao có người thấy nắng lên thì hân hoan, nhìn những người mình thương cười nói thì thấy vui, uống ly cà phê thấy hạnh phúc…? Vì họ đã chậm lại một nhịp để cảm nhận chậm và sâu hơn.
Ngày xưa, khi mọi thứ còn thiếu thốn, ta ăn gì cũng thấy ngon. Nên chăng chúng ta phải thiếu một chút, sống đơn giản hơn, để cho con cái cảm nhận sự thiếu thốn. Khi nhu cầu của bản thân ít đi, ta sẽ có thời gian dài hơn để hạnh phúc, nói chuyện với người thân nhiều hơn...
Còn nữa, chúng ta hạnh phúc khi chúng ta sống thật. Nguồn cơn mọi thứ đôi khi cũng từ sống ảo mà ra. Chiếc điện thoại dù có ích nhưng nó không làm ra hạnh phúc. Hạnh phúc là tương tác với đời thật, cảm giác với đời thật.
Tóm gọn thế này: “Nếu muốn có hạnh phúc, bạn phải kiểm soát được cái điện thoại của bạn”. Kiểm soát điện thoại chính là kiểm soát con “quái thú” trong bạn. Hầu hết những người bị trầm cảm là những người mê điện thoại.
* Dường như với phụ nữ, tình yêu chính là chìa khóa quan trọng cho họ cảm thấy mình hạnh phúc. Làm thế nào để nhìn thấy tình yêu một cách đúng đắn nhất, thưa thầy?
- Nhiều phụ nữ đã dành hết mọi thứ mình đang có cho tình yêu, để tâm mình bên ngoài, ở trọ trong lòng người kia để quan sát, theo dõi người yêu. Dần dà, họ rời xa chính mình, không còn quan tâm đến bản thân. Nếu vì một lý do nào đó người kia không còn thương họ, phản bội họ thì họ đau khổ, gục ngã. Bởi lẽ những ngày yêu nhau, trong họ đã hình thành thói quen nghiện ngập cảm xúc.
Cơ thể chúng ta thường tự tiết ra cảm giác vui sướng. Đó là nội tiết tố giúp ta an thần, thư thái, hạnh phúc. Thế nhưng, khi ta dựa dẫm vào chồng, não bộ ta ghi nhớ lệnh mới, nó ngưng tiết ra cảm giác vui sướng; nó dựa vào những thứ hấp dẫn bên ngoài, cụ thể là tình yêu lẫn tình dục. Một quãng đường dài bạn sống vì người khác. Một thời gian dài bạn đã không tự tạo ra cho mình sự thoải mái, sự an vui mà dựa hẳn vào chồng.
Khi yêu thương một người, chúng ta phải nhớ rằng tình yêu vốn dĩ là vô thường - trước sau gì cũng sẽ biến chuyển. Đến khi chúng ta không còn ham thích dựa dẫm vào đối tượng nữa, liên hệ tình cảm đó phải còn lại cái nghĩa. Vậy nên, khi tình đã lắng dịu xuống mà cái nghĩa vẫn chưa hình thành, bản ngã của mỗi người sẽ bứt ra, 2 tâm hồn không đồng điệu sẽ làm tổn thương nhau. Đó là lỗi của chúng ta, những người chỉ biết yêu bản năng mà không qua học hỏi và luyện tập.
Hạnh phúc trong tình yêu theo cách thông thường chỉ là sự thỏa mãn cảm xúc chứ không phải là sự vun đắp cho nhau. Trong vun đắp phải có chịu đựng, thấu hiểu, chấp nhận, thứ tha…
* Theo thầy, muốn mình luôn hạnh phúc, phụ nữ cần thêm bớt điều gì?
- Phụ nữ cũng như bất cứ ai, luôn có những điều kiện để hạnh phúc như tôi đã nói. Họ mong ước được sống chung với người mình thương, sau đó lại ước có con, rồi thêm đứa nữa... Những ngày tháng được xem là hạnh phúc ấy qua nhanh; họ lại muốn có nhà đẹp, thêm nhà nữa, xe hơi tốt hơn, con phải học trường quốc tế hay trường danh tiếng… Họ sợ nếu không theo kịp những định nghĩa xã hội về cuộc sống thì những gì họ đang có cũng tầm thường, chẳng đáng lưu tâm.
Nên rốt cuộc, họ không biết hạnh phúc là gì dù thật ra những gì khiến họ hạnh phúc họ đã từng có. Chỉ là càng ngày, nhu cầu hưởng thụ của họ càng khác đi, cái tôi hưởng thụ vật chất của họ không có điểm dừng. Thế nên, một người khôn ngoan sẽ không chạy quá xa để tìm kiếm những thứ chỉ mang lại cho mình cảm xúc nhất thời. Không cần quá nhiều tiện nghi, chỉ cần bình an, vui vẻ.
Chẳng hạn nếu mình chưa dư dả lắm thì khỏe mạnh đã là hạnh phúc. Mình được ở nhà lúc trời mưa đường ngập cũng là hạnh phúc. Cho dù cực nhọc nhưng con cái học hành thành đạt, đó chẳng phải là hạnh phúc sao? Cũng đừng sợ khổ đau vì nếu không có khổ đau, ta không biết thế nào là hạnh phúc.
Cái cần đặt xuống chính là những trạng thái cảm xúc. Đó là thứ khiến chúng ta nghiện ngập và không bao giờ cảm thấy đủ. Mọi thứ sẽ qua rất nhanh, rồi chúng ta lại khát khao đi tìm cái mới.
* Thưa thầy, nếu muốn thiết lập lại cuộc đời hạnh phúc, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
- Hãy học cách chăm sóc những cảm xúc của bản thân. Khi nào đạt đến trạng thái bình thản mỗi khi cảm giác giận hờn trỗi dậy thì cuộc sống này là của bạn, nghĩa là tâm hồn của bạn đã sẵn sàng bình an. Khi đó, dẫu một mình, bạn cũng cảm thấy hạnh phúc, còn nếu có mặt người thương bên cạnh thì sẽ… hạnh phúc hơn.
Khi người kia bất ổn, họ có thể dựa vào bạn, chứ không phải lúc nào bạn cũng hoàn toàn cần họ, vì đàn ông cũng có lúc bất ổn, chênh vênh. Thành ra, để 2 người đi với nhau lâu dài không phải là người này dựa hẳn vào người kia mà mỗi người luôn phải tự đứng trên đôi chân mình, khi nào mệt mỏi mới dựa vào nhau.
Ban đầu, phụ nữ có thể hấp dẫn đàn ông bởi vẻ ngoài, tài năng nhưng khi ở lâu với nhau, người ta cần sự bình an. Dù bạn đẹp cỡ nào, quyền lực ra sao nhưng nói những lời có tính sát thương, hủy diệt người khác thì… họ cũng khiếp sợ. Không người đàn ông nào muốn ở gần một phụ nữ như thế.
Ngược lại, khi học được cách kiểm soát cảm xúc, nói những lời mang tính chất nuôi dưỡng, thể hiện lòng biết ơn, biết cách nâng đỡ tinh thần người khác… thì chúng ta dư năng lượng bình an hạnh phúc.
Muốn có vóc dáng đẹp, phụ nữ phải chăm chỉ luyện tập. Tương tự, muốn có tâm hồn đẹp hay nội lực vững vàng để nắm giữ hạnh phúc, phụ nữ càng phải luyện tập, thận chí phải luyện tập không ngừng.
* Cảm ơn thầy đã chia sẻ!
Thiền sư Thích Minh Niệm (sinh năm 1975, quê Tiền Giang). Năm 1992, ông xuất gia tại Phật học viện Huệ Nghiêm (TPHCM). Tại đây, ông hấp thu tư tưởng truyền thống Phật giáo Đại thừa. Năm 2001, ông chính thức bước lên con đường thiền tập, thực hành dòng Thiền “Hiện Pháp Lạc Trú” dưới sự truyền dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh, tại Pháp. Lối thực hành thiền của thầy Minh Niệm được hình thành dựa trên nền tảng của thiền nguyên thủy Vipassana, kết hợp với tư tưởng Phật giáo Đại thừa, đây chính là cách Thiền hiểu biết (Understanding Meditation). Để thêm hiểu mình, hiểu đời cũng như thực hành thiền sâu sắc hơn, từ năm 2011-2014, thầy Minh Niệm đã thực hiện chuyến đi bộ vòng quanh 25 tiểu bang của Mỹ. Trong hành trình này, thầy đã dành thời gian để sống ở những nơi hoang vu, hẻo lánh, làm thiện nguyện ở các nông trại trồng hoa màu. Sau khi trở về Việt Nam, sư thầy chia sẻ phương thức trị liệu tâm lý và khai sáng tâm trí bằng thiền tập cho nhiều trường đại học, doanh nghiệp… Năm 2011, thầy Minh Niệm ra mắt tác phẩm đầu tay - Hiểu về trái tim. Tác phẩm truyền đạt những suy ngẫm, lý giải về hạnh phúc, tình yêu, khổ đau, tuyệt vọng, cô đơn, yếu đuối, biếng lười… đủ hỉ - nộ - ái - ố của đời người dưới góc nhìn của một người tu hành. Gần đây, thầy và cộng đồng Miền Tỉnh Thức đã phát triển nhiều dự án mang tính nuôi dưỡng tâm hồn, nâng dậy tinh thần con người, điển hình là các chuỗi radio “Bình yên giữa biến động”, “Nâng dậy tâm hồn”, “Chỉ tình thương ở lại” được phát sóng trên YouTube và Spotify. |
Tạ Khánh Tâm (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp