PNO - Có dịp ghé bãi xe chợ Đông Ba ăn tô bún đậm hương vị Huế vào sáng sớm, khách dễ bắt gặp một người phụ nữ phục vụ quán tính tình xởi lởi được biết đến với biệt danh “thiên sứ hồng”.
Trời xẩm tối, tôi tìm đến hẻm 461 Chi Lăng, TP.Huế để gặp chị Công Huyền Tôn Nữ Thị Lai, đúng lúc chị chuẩn bị lên chợ Đông Ba bán giấy dò vé số. Trong căn nhà chưa đầy 30m2 nằm khuất trong hẻm nhỏ, chị vui vẻ: “Nhà chật chội, bề bộn lắm, em thông cảm ngồi trên giường. Nước lũ mới rút, chị chưa dọn đồ đạc xuống vì sợ nay mai nước lại vào. Mà tài sản của chị cũng chẳng có chi ngoài anh chồng cùng ba đứa con”.
Chị Công Huyền Tôn Nữ Thị Lai bên cạnh bằng khen “Phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng năm 2022” do Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa trao tặng
Để nhớ chính xác lần đầu tiên tham gia hiến máu tình nguyện, chị kéo tôi đến bên chiếc tủ nhỏ đặt cạnh giường rồi lấy ra xấp giấy đỏ được cuộn tròn bọc trong mấy lớp túi ni-lông. Chị nói: “Họ giàu, có tiền triệu tiền tỷ, mình dân lao động nghèo, sáng đi bưng bún thuê, chiều đi bán giấy dò số, cuộc sống bữa đói, bữa no, nên tài sản mình giữ lại chỉ có 46 tấm giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện đó em. Mấy tờ giấy này theo chị từ thời con gái”.
Chiếc giường duy nhất trong nhà cũng là nơi duy nhất để chị tiếp khách. Phía đầu giường đặt một chiếc ti vi cũ. Tài sản của gia đình chỉ bấy nhiêu. Những bằng khen, giấy khen về hiến máu nhân đạo treo trên bức tường đã hoen mục do hơi nước thấm vào. Chị kể, sinh thời, cha chị là ông Nguyễn Phước Bửu Thanh (ở nhà số 42 Trần Huy Liệu, TP.Huế) cần nhiều máu để mổ sỏi mật, mà việc xin máu thời điểm đó rất khó khăn, nếu chậm 10 phút là ba chị sẽ mất. Cả nhà 16 anh chị em cùng lo lắng. Nhưng giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” thì có người tốt bụng xuất hiện. Khi cha khỏe lại, gia đình chị Lai muốn tìm người hiến máu để cảm ơn nhưng không biết họ ở đâu.
Kể từ đó, ba chị khuyên dạy và động viên các con nên tham gia hiến máu cứu người. Anh em chị Lai tình nguyện hiến máu từ đó. Lần đầu hiến máu cũng e ngại, nhưng xong rồi, thấy không có gì đáng sợ nên chị tiếp tục việc thiện nguyện cho đến nay. Có người bảo chị, gia đình khó khăn thế sao không bán mà lại cho. Nhưng chị chỉ cười: “Cuộc sống, ai cũng cần tiền, nhưng đối với tôi máu không phải là hàng hóa để mua bán, nên có ai hỏi mua, thậm chí có trả nhiều tiền tôi cũng không bán. Xã hội còn nhiều người nghèo khổ hơn tôi, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo, họ cần những giọt máu để được sống”.
Nhớ ngày mới lập gia đình, vợ chồng chị cơm còn không có ăn, nhà không có ở, nhưng khi nghe tin ai đó cần máu để mổ cấp cứu là chị có mặt. Những năm tháng nuôi con nhỏ, chị Lai vẫn thường xuyên có mặt tại bệnh viện để cho đi giọt máu đào để cứu người trong những tình huống nguy kịch. Và giờ đây, dù vẫn còn vất vả với cơm, áo, gạo, tiền hằng ngày, nhưng trong thâm tâm, chị vẫn muốn được cho đi những giọt máu của mình, bởi chị cảm nhận được niềm hạnh phúc của người được nhận và của gia đình họ cũng như niềm vui của cả gia đình chị khi thấy cha trở về từ cõi chết.
Đại gia đình là ngân hàng máu sống
Hiến máu, với chị chỉ xuất phát từ lòng “thương người như thể thương thân”. Vì thế cứ ba tháng một lần, chị lại đi cho máu. Kể từ năm 20 tuổi đến nay, chị Lai đã có tất cả 46 lần hiến máu. Đối tượng được chị Lai cho máu thường là những bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Huyết học truyền máu - Bệnh viện Trung ương Huế và những người lao động nghèo mưu sinh ở chợ Đông Ba lúc mắc bệnh hiểm nghèo, cần máu.
Chị Nguyễn Hoài Nga - một người từng nhận máu của chị Lai - nhớ lại: “Vào tháng 10/2020, tôi bị tai nạn giao thông, rất cần máu để mổ cấp cứu. Lúc ấy, dù đang phải cách ly tại nhà theo diện F2, nhưng biết tin tôi bị tai nạn, cần máu, chị Lai đã mặc áo quần bảo hộ y tế để xin vào bệnh viện cho tôi máu. Cùng là những người lao động vất vả mưu sinh, nghĩa cử của chị Lai khiến tôi không bao giờ quên được”. Còn chị Lai, mặc dù đang bị bệnh tiểu đường, nhưng vẫn ước “có sức khỏe để tiếp tục hiến máu, vì nhiều bệnh nhân nghèo đang rất cần những giọt máu của mình”.
Càng đặc biệt hơn khi gia đình ông Nguyễn Phước Bửu Thanh được xem là ngân hàng máu sống đầu tiên ở Huế. 30 thành viên trong gia đình gồm anh chị em, con, cháu, đa số làm lao động tay chân, nhưng khi nghe có người cần máu cấp cứu, tất cả họ đều sẵn sàng cho đi mà chẳng mảy may suy tính. Không chỉ ở Huế, anh em chị Lai khi vào Nam lập nghiệp, họ vẫn duy trì nghĩa cử cao đẹp - hiến máu cứu người như lời cha dạy.
“Cách đây mấy hôm, chị vào TPHCM thăm hai con gái đang làm thuê ở Q.Gò Vấp. Con bé lớn khoe mới đi hiến máu tình nguyện lần đầu. Nghe con báo tin, chị vui quá. Mong rằng phong trào hiến máu tình nguyện sẽ được nhân rộng hơn. Bữa cơm hôm nay có thể thiếu miếng cá, miếng thịt, thì ngày khác có, nhưng giọt máu hồng nếu đến trễ sẽ có khả năng không kịp cứu người. Cho nên cũng cầu mong trời thương cho mình sức khỏe để tiếp tục hiến máu” - chị Lai tâm sự.
Tiến sĩ - bác sĩ Đồng Sĩ Sằng - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Huyết học truyền máu, Bệnh viện Trung ương Huế - nói: “Tôi rất cảm phục tinh thần hiến máu của chị Công Huyền Tôn Nữ Thị Lai. Dù điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, chị Lai phải đi làm thuê kiếm tiền chăm lo cho chồng con, bận nhiều công việc nhưng đã cùng các thành viên trong gia đình hưởng ứng rất nhiệt tình việc hiến máu nhân đạo.
Có thể nói chị Lai là một phụ nữ có tâm, yêu thương gia đình và có trách nhiệm với xã hội. Khi trung tâm thiếu máu, ngoài chị Lai còn có hơn 30 thành viên trong đại gia đình chị sẵn sàng hiến tặng máu cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc đi hiến máu, chị còn vận động nhiều người khác cùng tham gia. Việc hiến máu của chị là một nghĩa cử cao đẹp cần được toàn xã hội học tập và noi theo”.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân thông xe giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực.