edf40wrjww2tblPage:Content
Lớn lên trong sự “lót ổ”
Các bậc cha mẹ luôn muốn dành mọi thứ tốt nhất cho con mình, nhất là khi các gia đình bây giờ thường chỉ có một đến hai con. Đứa trẻ được tạo điều kiện tối đa, chỉ cần chuyên tâm học hành cho tốt.
Nhà nào khá giả thì có người giúp việc cáng đáng hết, nhà không thuê người thì cha mẹ cũng thường làm việc nhà thay con như rửa chén, lau nhà, dọn dẹp...
Đến trường, đứa trẻ cũng không phải bận tâm đến lao động vì đã có cô lao công, bảo mẫu lo việc đó.
Nguồn ảnh: internet. |
Đứa trẻ lớn lên trong “cái ổ” có sẵn nên rất bị động khi phải đương đầu, ứng phó với các tình huống. Chúng trông chờ vào sự ra tay của người lớn chứ ít khi tự mình tìm cách xoay xở.
Hè đến, các lớp dạy kĩ năng sống mở ra rầm rộ, đại loại như “học kì quân đội” nghe rất oách nhưng hiệu quả thì chưa ai kiểm chứng được. Với sự phát triển của công nghệ, đứa trẻ tiếp thu rất nhanh và chiếc điện thoại di động thường là cứu cánh khả dụng hàng đầu của chúng.
Chị hàng xóm của tôi thường xuyên than thở về cậu con trai to xác nhưng nhất nhất đều cầu cứu ba mẹ. Con trai sắp tốt nghiệp cao đẳng nên chồng chị xin cho nó chân thực tập ngay tại công ty anh đang làm chỉ để dễ bề kèm cặp. Chị bảo nó khờ lắm, đi chỗ lạ bị bắt nạt thì khổ.
Mà có lẽ chị nói đúng, bởi có lần khi được giao đi phát tờ rơi, đảo một vòng là nó quay về với mớ giấy trên tay chỉ vơi đi một tờ. Hỏi thì nó trả lời thật thà: “Con phát nhưng ai cũng không nhận hoặc nói có rồi nên con mang về”.
Bấm ổ khóa cửa mà quên chìa trong nhà thì nó sẽ gọi điện cầu cứu mẹ, đi đường bị công an phạt thì nó sẽ gọi điện cho ba để ba năn nỉ giúp...
Cậu sinh viên cao đẳng ấy đáng trách lẫn đáng thương vì vô tình bị tước đi khả năng thích ứng với hoàn cảnh vì sự chăm lo quá mức của người lớn.
Tôi không dám chắc đó là trường hợp cá biệt bởi còn có rất nhiều đứa trẻ được bao bọc quá cẩn thận.
Qua lâu rồi cái thời học sinh phải lên trường cùng nhau dọn dẹp lớp học sau mỗi kì nghỉ hè, nghỉ Tết. Thời chúng tôi, lên trường lao động là làm việc một cách nghiêm túc chứ không phải quơ quào cho có.
Chổi, giẻ lau, ki hốt rác phải mang từ nhà lên hoặc gửi ở phòng giám thị, trực nhật cũng phân công theo tổ thay phiên nhau thực hiện mỗi tuần. Tham gia phong trào kế hoạch nhỏ thì gom giấy báo hoặc chai lọ lên góp lại, tất cả đều là hiện vật.
Thi đua nhưng không đặt nặng thành tích. Vì thành tích nên ngày nay ve chai giấy vụn được quy đổi ra hiện kim, đám trẻ cũng chẳng cần bận tâm, vì cha mẹ chúng phải móc ví nộp cho nhà trường dễ tính. Cái nhận lại là những tràng vỗ tay tán thưởng một cách hả hê nhưng hời hợt.
Khó mà trách các em cứ lơ ngơ trong mọi chuyện trừ việc học, bởi chúng mất đi cơ hội được trải nghiệm thật sự, dù là điều cơ bản nhất.
Sự cần thiết của hoạt động thiện nguyện
Hầu hết các trường phổ thông hiện nay đều từng tổ chức ngoại khóa nhằm nâng cao hiểu biết cho các em về thế giới xung quanh. Tham gia ngoại khóa, các em có được buổi học trực quan sinh động, bổ ích hơn hẳn mớ kiến thức khô cứng, mơ hồ trên lớp.
Thực tế và sách vở luôn có khoảng cách nhất định, chỉ có thực tế mới vỡ ra nhiều điều. Đó là một nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng phần nhiều chương trình ngoại khóa hiện nay chỉ mang nặng tính hình thức. Chưa kể các buổi học ngoại khóa chỉ mang lại món lợi cho một nhóm người khác chứ không phải cho chính các em.
Nguồn ảnh: internet. |
Thực tế hiện nay cho thấy, nhà trường thường chỉ là đối tác với công ty du lịch theo kiểu đôi bên cùng có lợi. “Học mà chơi, chơi mà học” chỉ là khẩu hiệu êm tai để phụ huynh buộc lòng cho con tham gia, và dĩ nhiên, đóng tiền.
Các em được đưa đến những bảo tàng, khu du lịch sinh thái, cơ sở sản xuất thủ công mĩ nghệ để tham quan. Đến bảo tàng thì xem tranh ảnh, mô hình, di vật và nghe thuyết minh, mấy điểm khác thì mục đích chính là kinh doanh, các em là khách hàng dù là đi trong thời gian bao lâu. Trải nghiệm thì khó mà đo được, nhưng lợi nhuận và thiệt hại lại là con số cụ thể.
Vậy thì tại sao không tổ chức những hoạt động thiện nguyện để các em tham gia? Hòa mình vào tập thể, biết chia sẻ với người xa lạ, biết học cách yêu thương, tự các em sẽ thể hiện được bản thân.
Đến với trại trẻ mồ côi hay nơi nuôi dưỡng người bị nhiễm chất độc da cam, các em sẽ tận mắt chứng kiến, chạm vào thực tế, những điều chỉ được nghe qua lời kể. Đến trung tâm bảo trợ xã hội, được tham gia lao động như phụ cuốc đất, trồng rau cải thiện bữa ăn, sẽ ích lợi hơn hẳn mấy chuyến đi biển (đã trở thành thừa mứa với các em).
Nhìn cách người khuyết tật tạo ra một sản phẩm thủ công để bán, các em sẽ hiểu được giá trị của lao động, của đồng tiền do chính mình làm ra. Hay như cách những đứa trẻ ở trại mồ côi chăm sóc lẫn nhau sẽ là bài học về ý chí sinh tồn, chia sẻ yêu thương.
Kính mời bạn đọc gửi bài, ý kiến cho chuyên mục "Bạn đọc làm báo” qua các địa chỉ: - Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang - Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com - Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn. Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút). Phụ Nữ trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc. |
Trong những chuyến đi này, các em không còn là vị khách du lịch thong dong mà qua điều mắt thấy tai nghe, tự các em sẽ cảm nhận được giá trị cuộc sống, của lao động, của yêu thương.
Kĩ năng sống đâu phải là cái gì cao siêu xa lạ, đôi khi chỉ là biết làm gì để phục vụ bản thân. Ra đường, thấy người già lóng ngóng chờ người dắt qua đường mà ngoảnh mặt làm lơ thì cũng vứt, đi hội trại mà nhóm lửa không xong cũng vô ích.
Công tác xã hội hay hoạt động thiện nguyện đâu chỉ là việc của Đoàn thanh niên hay nhóm người nào đó mà chính các em, khi lăn xả vào mới học được nhiều thứ mà gia đình lẫn nhà trường có lúc bỏ sót.
Không phải ngẫu nhiên mà các trường đại học nước ngoài khi xét cấp học bổng đều đánh giá rất cao hoạt động xã hội. Bởi lẽ, khi hướng đến cộng đồng, con người sẽ trang bị được nhiều thứ từ cuộc sống, đó mới có thể gọi là “tài đức vẹn toàn”.
Gần đây, các vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra. Hàng loạt chữ “giá như” được nhắc đến: giá như các em biết yêu thương, giá như các em biết tự bảo vệ, giá như cha mẹ quan tâm sâu sát, giá như thầy cô có trách nhiệm hơn...
Ngày nào “cái ổ” trong gia đình bị phá bỏ, trẻ hiểu thế nào là “cho đi để nhận lại” thì khi đó người lớn chúng ta mới thôi thốt ra hai tiếng “giá như”.
ĐÀM CHÂU SONG THUẬN (TP.HCM)