Từ một cô bé 12 tuổi ở Thanh Hóa, Thu Huệ một mình học tập ở Hà Nội và dần trở thành nghệ sĩ ballet số 1 Việt Nam, nhất là khi cô đảm nhận cả hai vai diễn Thiên Nga Trắng, Thiên Nga Đen trong vở Hồ Thiên Nga. Sự khổ luyện nhọc nhằn trải qua đau đớn của thể xác cùng ý chí, nghị lực đã giúp cô hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình, đem lại sự hứng khởi và động lực phát triển cho bộ môn nghệ thuật hàn lâm ballet Việt Nam.
Chấp nhận dị nghị
Phóng viên: Tôi đã rất muốn aballet để ngắm xem, điều gì khiến họ theo đuổi bộ môn được coi là quý tộc này, Huệ có thể “bật mí” được không?
Nghệ sĩ ballet Nguyễn Thu Huệ: Điều khiến tôi theo đuổi bộ môn này chính là tìm được cảm giác “quý tộc” bên trong con người mình, điều mà khó tìm thấy trong cuộc sống, nhất là nơi một cô gái sinh ra ở làng quê.
* Thế nào là cảm giác... “quý tộc”?
- Nói ra, chị đừng… cười. Đó là cảm giác thanh cao, sang trọng và kiêu sa của những nàng công chúa mà ta chỉ có thể tìm thấy hoặc biết trong chuyện cổ tích, trên phim ảnh… Toàn những thứ mà sống trong đời thật, khó có thể thấy.
* Thế thì có thể thấy Huệ là người thuộc kiểu người lãng mạn đấy. Quay lại tuổi thơ, bạn có thấy mình có cái gì gọi là “liên quan” tới múa không?
- Trước khi bắt đầu theo học tại trường múa, tôi hoàn toàn không có khái niệm về múa một cách rõ ràng. Từ bé, tôi thường tham gia nhiều chương trình văn nghệ tại trường, việc biểu diễn cũng vì thế mà giúp tôi tự tin lên nhiều chăng? Nhiều giải thưởng nho nhỏ khiến tôi tiếp cận gần hơn tới nghệ thuật mà chẳng nghĩ đó sẽ là con đường… chung thân
của mình.
* 12 tuổi rời xa gia đình để lên Hà Nội học, Huệ có thể chia sẻ về những sự bỡ ngỡ khi một thân một mình ở miền đất mới?
- Tất nhiên là vô cùng bỡ ngỡ, tôi lúc ấy mới chỉ là một cô bé, sẽ phải tự làm mọi thứ. Việc thay đổi môi trường sống, bạn bè, thầy cô, tất cả đều vô cùng lạ lẫm. Nhưng ngay từ đầu, tôi đã xác định và tự ý thức mình phải có trách nhiệm với đời mình, với sự lựa chọn trở thành một diễn viên múa.
Đây thực sự là một sự lựa chọn không giống ai. Gia đình cũng không biết gì nhiều để có thể đưa ra lời khuyên hay định hướng cho mình. Tôi như một con thuyền nhỏ tự trôi theo dòng nước mà không hề biết bến bờ của tương lai ở đâu, như thế nào.
|
Thu Huệ là nghệ sĩ ballet người Việt Nam đầu tiên đảm nhận vai chính, cả Thiên Nga Trắng và Thiên Nga Đen trong vở "Hồ Thiên Nga" trong một đêm diễn |
* Vậy có ai là người sát cánh bên Huệ trong những ngày đó?
- Tuy gia đình không ai theo nghệ thuật nhưng ba mẹ và anh trai luôn là chỗ dựa tinh thần và là động lực lớn của tôi trong giai đoạn ấy. Bỏ ngoài tai những định kiến và dị nghị, ba mẹ đã nén nỗi lo âu nặng nề vào trong lòng để tôi được tự lựa chọn con đường của mình. Đến giờ, tôi vẫn thầm cảm ơn sự hy sinh đó của ba mẹ, để tôi được thỏa sức theo đuổi đam mê. Sau này nếu có con, không biết chính tôi có thể làm được cho con mình như vậy hay không.
Nếm những chấn thương
* Và Huệ đã trải qua sự khổ luyện thế nào để có thể có vị trí danh giá như ngày hôm nay?
- Theo tôi, ở bất kỳ bộ môn nghệ thuật hoặc ngành nghề nào đều phải trải qua sự khổ luyện. Đối với múa ballet, sự khắt khe trong luyện tập là một thử thách rất lớn, đòi hỏi phải có đủ tình yêu và quyết tâm mới có thể vượt qua.
Sáu năm học trong trường, tôi luôn tâm niệm: “Khi mình yêu nó, mình muốn sống cùng nó thì những sự khổ luyện đó chính là hành trang không thể thiếu để đồng hành cùng mình”. Chính vì vậy, cũng không hẳn dễ dàng nhưng tôi đã luôn đón nhận và vượt qua. Tôi đã dành rất nhiều buổi tối để ở lại ôn luyện ngoài giờ học, vượt qua những đau đớn về thể xác. Các buổi tập ép dẻo, những chấn thương… thường xuyên xảy ra. Nếu không đổ mồ hôi và máu, sẽ không có kết quả hôm nay.
* Có bao giờ bạn thấy hoang mang với những gì mình đang theo đuổi?
- Ngày mới học, tôi hoang mang lắm, vì ngày đó tôi quyết định đi học khi chưa thực sự hiểu con đường mình đi là gì, gian truân thế nào. Lúc đó tôi chỉ là một cô bé non nớt 12 tuổi đầu, gia đình không ai theo nghệ thuật. Tôi không biết sau khi tốt nghiệp, mình có được nhận về đoàn làm không, mình sẽ sống với nghề thế nào... Đó là những suy nghĩ ban đầu, còn sau đó, càng học, tôi càng hiểu, có lẽ đây là nghiệp, thì thôi không phải suy nghĩ nữa. Ta cứ theo thôi.
* Một ngành nghệ thuật mang tính hàn lâm thế này, liệu có nhiều sự “cạnh tranh”?
- Nếu nói về sự cạnh tranh hay vui buồn đan xen thì tôi không quan ngại gì cả, bởi lẽ khi được đắm mình trong những điệu múa hay vở diễn ballet cũng là lúc tôi cảm thấy mình đã khai thác cảm xúc, bản năng của chính con người bên trong của mình; thấu rõ nhất bằng lớp gương sáng, trong trẻo. Thế nên, việc người nghệ sĩ được phân vai diễn hay thành công của một vở diễn cũng vậy, nó được đánh giá bằng hàng ngàn con mắt của khán giả, mỗi người sẽ có cảm xúc khác nhau.
Diễn viên sẽ thực sự cảm thấy thăng hoa khi sống thật được với vai diễn hay cá tính của nhân vật mà mình được giao, chứ không phải thắng hay thua. Mỗi diễn viên đều có thế mạnh riêng, điều cần thiết là không ngừng học hỏi.
* Việc nhận một lúc hai vai diễn trái ngược hoàn toàn trong Hồ Thiên Nga, mang tính cách đối kháng, cần cả tâm lý lẫn kỹ thuật múa có phải bài toán khó với Huệ?
- Khi nhận hai vai diễn trong Hồ Thiên Nga, tôi đã mất 8 tháng cho việc nghĩ, xem và tập luyện. Để có thể hoàn thành được chuyện một mình đóng hai vai đối lập, tôi gần như đã không sống với tên Huệ trong thời điểm đó. Ngoài thời gian làm việc tại nhà hát, tôi hoàn toàn đặt mình vào hai nhân vật để sống trong cảm xúc của họ và tìm ra chính mình trong cảm xúc đó để mang đến cho khán giả cảm nhận một cách chân thật nhất.
Sự đắm chìm vào nhân vật khiến chúng choán hết tâm trí và cuộc sống của tôi thời điểm đó. Tôi thực sự hạnh phúc bởi mình đã hoàn thành tốt các vai diễn. Tôi hiểu đó là những mâu thuẫn, mặt tốt, mặt xấu trong một con người hoặc những mặt đối lập của cuộc sống. Những vai diễn có chiều sâu như vậy là mảnh đất rộng cho người nghệ sĩ thể hiện được sở trường của mình. Đó là một hạnh phúc.
* Tới chừng này, có lẽ kinh nghiệm sân khấu tưởng như đã dày dạn rồi, nhưng có bao giờ trước giờ diễn bạn lại thấy hồi hộp?
- Có đấy, mà hình như ai cũng vậy. Cảm xúc không thể quên chính là khi ra chào khán giả và trước khi bước ra sân khấu. Nhưng run không phải là run sợ mà là nóng lòng, là hồi hộp cho sự xuất hiện của mình.
* Huệ có thuộc kiểu nghệ sĩ làm kinh tế giỏi không?
- Kinh tế cũng là một vấn đề nan giải cho đến tận ngày hôm nay, cũng là lý do khiến thế hệ trẻ e ngại khi chọn cho mình con đường này. Với bản thân mình thì đến giờ, tôi cảm thấy hạnh phúc khá trọn vẹn vì chưa phải lựa chọn giữa nghề và kinh tế, chính vì tham lam nên tôi đã luôn nỗ lực để có cả hai.
* Có bao giờ tình thế khó khăn đẩy Huệ buộc phải lựa chọn một trong hai hoặc lấy cái này bù đắp cho cái kia?
- Tôi luôn nhớ tất cả các mốc quan trọng đã đi qua đời mình. Cho tới lúc đi làm bằng trọn đam mê, chính những dấu mốc đó đã khẳng định cho sự trưởng thành và không ngừng học hỏi, từ đó mang lại cho mình những thành công nhất định. Theo tôi, đó chính là những sự thay đổi, sự bứt phá không mang tính đột ngột mà là cả quá trình.
* Sắc đẹp có vị trí quan trọng thế nào với bạn?
- Sắc đẹp thì còn ở nhiều khía cạnh, nhưng tôi yêu một tâm hồn đẹp và một năng lượng đẹp, tích cực. Tôi của hiện tại không phẫu thuật thẩm mỹ.
* Nhiều khi luyện múa ballet nhiều, cái đẹp trong ballet, trong biểu cảm, hẳn cũng có tác động tới tính cách ngoài đời của bạn?
- Cái đẹp trong ballet có tác động đến đời sống, tôi nghĩ là có. Thi thoảng, học sinh của tôi vẫn thường nói học ballet để có thần thái giống cô giáo. Hẳn là có sự hòa hợp nào đó… gây cảm hứng chăng? Việc quá nhập tâm vào vai diễn cũng có nhiều tác động đến cuộc sống thật, ví dụ thời điểm làm Hồ Thiên Nga, tôi thực sự đã không dám lái xe do luôn mang tinh thần của Thiên Nga Đen trong đầu. Nếu stress, tôi thường nhìn vào nó, rồi bảo nó đi đi thôi
* Một cô gái làm nghệ thuật thường có tâm hồn nhạy cảm, làm thế nào bạn có thể hòa hợp giữa sân khấu và cuộc sống?
- Tôi nghĩ điều đó chỉ đúng một phần. Cuộc sống đời thường hay sân khấu hàn lâm thực chất cũng không thể là một. Vẫn có ranh giới, mà đa phần do nội tâm của mình cảm nhận được sự phân biệt đó. Chỉ thi thoảng có vở diễn thì vai diễn chiếm hết suy nghĩ của mình. Chứ lúc nào cũng vậy thì có khi lại mây mây gió gió quá…
* Bạn thường giải trí bằng cách nào? Cuốn sách gần nhất bạn đọc là cuốn nào?
- Một ngày của tôi diễn ra khá bình thường: tới cơ quan làm việc giờ hành chính, đi dạy sau giờ làm. Thi thoảng, để giải trí, tôi đi shopping, đọc sách, nghe nhạc hoặc nếu có kỳ nghỉ dài, tôi rất thích đi lên núi. Còn nếu stress, tôi thường hay nhìn vào nó, rồi bảo nó đi đi thôi. Vui hay buồn, tôi đều bảo nó đi đi. Đi hết. Vì sự thật là nó sẽ qua. Thế nên chẳng tội gì giữ lại lâu. À mà tôi vừa đọc xong cuốn Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh và thấy sự đồng cảm của một tuổi thơ nhiều kỷ niệm.
* Sắp tới Huệ có kế hoạch gì với các đồng nghiệp của mình hay không?
- Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (Vnob) vẫn đang tiếp tục đưa ra những vở diễn mới trong năm nay và Hồ Thiên Nga sẽ đi diễn ở các thành phố lớn trên cả nước. Kế hoạch là vậy nhưng tình hình thực tế có thể sẽ khác bởi dịch bệnh.
* Bạn có vẻ đang rất hạnh phúc...
- Thực sự tôi đang rất hạnh phúc, hạnh phúc trọn vẹn. Giờ đây tôi chỉ tiếp tục hy vọng mình có thể “đẹp” hơn nữa khi múa ballet và mang tất cả những gì mình có được để đồng hành cùng thế hệ trẻ và ballet Việt Nam.
* Cảm ơn bạn đã chia sẻ.
Nguyễn Thu Huệ bắt đầu theo học chuyên ngành múa ballet tại trường cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). Năm 2009, khi còn là sinh viên năm thứ ba, Thu Huệ được giao vai diễn “nàng tiên bé” trong vở Don quichotte và giành Huy chương vàng Hội thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2012.
Sau khi tốt nghiệp và đầu quân cho Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Thu Huệ liên tục được giao vai chính (soloist) trong nhiều vở ballet như Chopiana, Kẹp hạt dẻ, Giselle… cho đến khi đạt đến đỉnh cao sự nghiệp với Hồ Thiên Nga.
Vở ballet kinh điển Hồ Thiên Nga được công diễn lần đầu tiên năm 1877, tại Nhà hát Bolshoi Moscow (Nga), đánh dấu một bước ngoặt trong sáng tác của nhạc sĩ thiên tài người Nga Pie Tchaikovsky. Thu Huệ là nghệ sĩ ballet người Việt Nam đầu tiên đảm nhận vai chính, cả Thiên Nga Trắng và Thiên Nga Đen trong vở Hồ Thiên Nga trong một đêm diễn. Phân vai như vậy đòi hỏi nghệ sĩ phải có tài năng, sức khỏe và sự khổ luyện để đạt tới kỹ thuật mong muốn. Đây là một thách thức lớn trong môi trường ít có điều kiện biểu diễn, đào tạo còn nhiều hạn chế như ở Việt Nam.
Hồ Thiên Nga phiên bản Việt là vở kịch “bom tấn” được công diễn tại Hà Nội sau 35 năm vắng bóng trên sân khấu Việt Nam.
Thu Huệ đã tỏa sáng trên sân khấu và diễn tròn vai, đến nỗi NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam phải thốt lên rằng: “Trái tim tôi vụn vỡ vì cảm kích”...
|
Codet Hanoi (thực hiện)