Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em năm nay 31 tuổi, có gia đình và một bé gái. Em hiện đang đi làm. Đôi khi em nghĩ công việc là một lối thoát cho em nhưng rồi sau đó em nhận ra lối đó cũng không thoát được. Từ khi em biết chồng em có mối quan hệ ngoài hôn nhân, mặc dù sau đó họ đã chấm dứt, em thực sự không còn tình cảm với chồng nữa.
Anh ấy giải thích đó chỉ là chuyện qua đường, anh nói vẫn yêu vợ, không muốn gia đình tan vỡ, không đồng ý ly hôn. Nhưng sự thật là tất cả động lực trong em đều không còn. Em không phải là phụ nữ xinh đẹp, mạnh mẽ hay giỏi giang; em không dám quyết định ly hôn rồi nuôi con một mình.
Em nghĩ mình sẽ quên được chuyện cũ, sẽ sống vì con. Nhưng thực sự em thấy tinh thần của em đã xuống cấp trầm trọng, em thấy bản thân rất thảm hại kiểu như vì mình xấu, mình nhạt, mình không biết giữ chồng, nên phải chấp nhận tất cả để có được hình ảnh gia đình đầy đủ.
Đi làm thì không phải thấy mặt chồng cả ngày nhưng đầu óc em lại nghĩ biết đâu giờ này chồng em đang có ai đó, tán tỉnh ve vãn ai đó. Về nhà, chồng về trễ, em nghĩ chắc anh lại lăng nhăng ở đâu rồi. Thế nhưng lúc chồng về sớm em cũng thấy khó chịu, thầm nghĩ biết đâu anh ta đang đóng kịch để che giấu một mối quan hệ khác. Về nhà, nói chuyện với chồng, đôi khi em thấy đau đầu, chóng mặt, thở nhanh rất mệt. Thật lòng, em chỉ vui mỗi lúc được… đi tắm.
Vô phòng tắm, đóng cửa lại, em được tự do, quên hết những phiền não bực bội; không ai nhìn em, em cũng không phải nói chuyện với ai. Phòng tắm là thiên đường, khoảnh khắc tự do hạnh phúc của em. Nhiều khi em nghĩ trong nhà chỉ có nơi đó là không gian duy nhất em thực sự được sống…
Võ Thảo (TP.HCM)
|
Ảnh minh họa |
Em Võ Thảo thân mến,
Sống không chỉ là… tắm, phải không em? Và gia đình mình, ngôi nhà của mình, cũng không chỉ gồm cái phòng tắm. Chuyện nữa là em đang bị “nghiện” phòng tắm. Khi căng thẳng mệt mỏi, tắm là cách vực dậy tinh thần nhanh nhất. Nhưng người ta tắm cho khỏe, cho nhẹ nhàng thân thể, tắm xong rồi thì nhẹ bước ra khỏi phòng tắm để tiếp tục sống, chứ không ai ở mãi trong phòng tắm.
Những dấu hiệu như lo ngại, sợ giao tiếp, căng thẳng khi giao tiếp với mọi người, thích rúc sâu vào vỏ ốc của mình (mà phòng tắm là một loại “vỏ ốc” như thế) là những dấu hiệu báo động đối với sức khỏe, tinh thần của em. Những đau khổ, ẩn ức, cảm giác bị phản bội… có thể đang chạy ngầm bên dưới những hoạt động thường ngày, tiêu hao năng lượng, tàn phá cuộc sống của em.
Trước tiên, em cần đi kiểm tra sức khỏe tâm thần của mình. Các chuyên gia sẽ giúp em mở dần từng nút thắt. Khi tinh thần đã khỏe, đầu óc đã suy nghĩ rõ ràng, mạnh mẽ hơn, em sẽ cân nhắc về quyết định của mình.
Phụ nữ chúng ta hay có giải pháp theo kiểu thôi không suy nghĩ nữa, gói tất cả: sự việc, cảm xúc, quyết định… vào một gói, cố gắng chôn vùi càng sâu càng tốt, tự nhủ mình phải quên đi, phải vượt lên. Khó mà quên theo kiểu như vậy, chỉ là khỏa lấp, tự dối mình thôi. Lâu dần, những thứ ấy trở thành ung nhọt, gặm nhấm cuộc sống mình. Đã không còn tình cảm với nhau, sống với nhau là cuộc hành xác kéo dài.Đến một lúc, em sẽ thấy phòng tắm cũng chẳng còn là chốn “thiên đường” nữa.
Chúng ta cần dũng khí để đối mặt với vấn đề của mình và giải quyết nó tận gốc rễ. Nếu em cứ để mình trôi theo ngày tháng như vậy, dũng khí ấy ngày càng bị bào mòn, tiêu biến mà thôi. Hãy bắt đầu đứng dậy và kiểm soát cuộc đời mình. Hạnh phúc của em, niềm vui sống của em không thể chỉ gói gọn trong một cái phòng tắm.
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC:
Lệ Thắm (Q.1, TP.HCM): Hãy quên cái phòng tắm đi!
Hoàn cảnh của bạn khiến tôi muốn rơi nước mắt, vì tôi đã gặp lại mình trong đó. Từng mảng đời dựng lên rõ ràng y như ngày tôi phát hiện chồng mình ngoại tình với cô bạn cùng lớp. Tôi cũng đã nháo nhào tìm điểm tựa. Cuống cuồng ghen tuông. Ầm ĩ ly hôn.
Sau đó là khoảng thời gian hệt như bạn. Chồng tiếp khách thì nghĩ chồng hẹn hò. Chồng về muộn thì nghĩ chắc là tranh thủ ghé khách sạn nào đó. Tôi đau khổ lắm. Không biết mình phải làm sao.
Đêm đêm, hễ nhắm mắt lại là nghĩ đến những lời ngọt ngào họ nhắn cho nhau, cả những lúc vợ chồng gần gũi. Tôi tưởng mình bị điên. Thật may là một sớm thức giấc, tôi chợt nhìn vào gương và hoảng hốt không biết đó có phải là mình không. Người đàn bà tàn tạ trong gương đang nhìn tôi với đôi mắt thất thần.
Tôi xỏ giày ra đường chạy mấy vòng, vừa chạy vừa khóc. Rồi tôi quyết tâm buông bỏ. Nếu đã chấp nhận tha thứ thì phải quyết tâm gầy dựng niềm tin. Tôi đăng ký học yoga ngay hôm đó. Bạn có thể thử học yoga. Tôi thấy yoga rất hiệu quả với tôi. Khoảng lặng trong lúc tập đã giúp tôi rất nhiều.
Thân thể khỏe khoắn, trí tuệ minh mẫn hơn đã khiến tôi khao khát được sống vui và trở lại con người thật của mình trước biến cố đó. Bạn hãy cố thoát khỏi cái phòng tắm càng sớm càng tốt nhé!
|
Sẽ luôn có những phương cách để không rơi vào trầm cảm trong hôn nhân. Ảnh minh họa. |
Tường An (Q.Thủ Đức, TP.HCM): Ly thân cũng có thể là giải pháp ổn
Tôi cứ có cảm giác ngột ngạt, bức bối khi đọc những gì bạn viết. Cảm giác như bạn vẫn cứ luôn nín thở cố chịu đựng trong cuộc sống hằng ngày của mình. Mỗi khi gặp việc gì, tôi vẫn luôn tự nhắc nhở bản thân đừng quên câu hỏi này, rằng mình đang tìm giải pháp hay tìm lý do. Mọi lý do đưa đến cuộc sống thế này hẳn bạn đã hiểu hết rồi.
Vậy giải pháp của bạn là gì? Chắc chắn phòng tắm không bao giờ là giải pháp, dù với bạn, đó là nơi bạn cảm thấy thoải mái nhất. Chẳng có ai tự cứu cuộc sống của mình bằng chính mình. Mọi lời góp ý, tư vấn luôn mang tính tham khảo. Bởi sâu bên trong, mình đang muốn gì, cần gì chỉ mình mình biết. Tôi chỉ muốn khuyên bạn rằng hãy chọn cách nào đó để cảm thấy thoải mái nhất. Ly thân cũng có thể là giải pháp ổn. Tôi nghĩ bạn có thể tạm thời tách ra để có không gian dò xét lại lòng mình. Nếu không, bạn sẽ chết chìm trong cuộc sống này.
|
HẠNH DUNG
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.