Thiên đường là ở đây

09/10/2017 - 12:14

PNO - Lá rồi cũng lớn lên. Không đi học, nhưng trong những câu chuyện hóng hớt được hằng ngày từ người khác, Lá biết ai cũng có ba, có mẹ.

Thien duong la o day

Lá tỉnh dậy, thấy lố nhố bóng người xung quanh, nhìn kỹ lại mới nhận ra mình đang trong bệnh viện. Nó đồ rằng đêm qua mình đã có một giấc ngủ ngon. Đó là khi không có tiếng nồi niêu xoong chảo khua vào nhau loảng xoảng.

Những tiếng động quen thuộc đến mức Lá cứ tưởng mình được nghe nhạc sống, tiếc là cả ban nhạc và ca sĩ đều chơi quá tệ! Ca sĩ thất mùa - mẹ Lá, gầy nhom như cọng cỏ héo ngoài bờ ruộng nhưng âm vực rất rộng.

Mỗi lần bà cất giọng là cả xóm giật mình thon thót. Lá sợ nhất là khi lũ chó nhà hàng xóm nghe tiếng bà, cũng nổi cơn điên theo. Lá run rẩy giật lùi vào góc giường, kéo mền trùm kín mặt, bịt chặt hai lỗ tai.

Tiếp đó là tiếng dép xoèn xoẹt ngoài ngõ. Những lão già đang độ khó ở trong đời, bị tiếng hát của mẹ Lá chọc tức lên, kéo nhau qua rủa xả: - Có im cho người ta ngủ không hả? Cái thứ tâm thần!

Thien duong la o day

Sau những chặp rủa xả đó, mẹ Lá thường ngồi thút thít bên bếp lò, khua  khúc củi khô lạo xạo. Thi thoảng, vài mảnh cháy đỏ bắn ra ngoài theo những cái khua khoắng hờn giận. Nhiều lần lửa bén vào vách lá, suýt cháy nhà. Những lúc đó, Lá tuyệt vọng cứ tưởng mình sẽ chết.

Chỉ có việc chạy ra lu múc nước tạt lửa thôi mà nó không làm được. Lá cào cấu hai cẳng chân mình đến tứa máu. Đôi chân đó chỉ như hai con quái vật bám vào Lá dai như đỉa, rút cạn sức sống của nó từng ngày. Những vết cào tróc lở, thêm bụi bặm đất cát bẩn thỉu và mớ khói xe đen kịt bám vào, lâu ngày rỉ ra một thứ nước màu vàng xanh, bốc mùi rất kinh.

Lá không dám nhìn vào hai con quái vật đó, bởi bản thân chúng đã dị hợm, nay lại còn thối tha. Thi thoảng, những buổi chiều nếu bán được kha khá vé số, mẹ Lá sẽ vui vẻ cõng Lá ra nhà thuốc ngoài đường, đứng lặng lẽ chờ những người khách đang giấu bộ mặt cau có sau chiếc khẩu trang xinh đẹp, vội vã cầm bọc thuốc ra xe, để tránh mùi hôi từ Lá.

Khi đó, bà mới xắn hai ống quần của Lá lên tận đùi cho cô bán thuốc nhìn tận mắt mà biết đường tìm lọ kem bôi cho đỡ chảy mủ. Lần nào cũng vậy, cô bán thuốc cứ hát mãi cái điệp khúc, sao bà bất cẩn thế, tôi đã dặn phải lấy tăm bông quẹt kem rồi mới bôi lên, ai lại lấy cái móng tay đen sì đó mà quẹt, không nhiễm trùng mới lạ!

Mẹ Lá chả buồn cãi với cái người mà bà gọi là “mẹ thiên hạ”. Gớm, chỉ đứng bán thuốc thôi mà đã khinh người ta ra mặt, nếu ở chỗ khác thì còn chảnh tới cỡ nào! 

Ngoài những hôm được mẹ cõng đi mua thuốc, Lá còn rất thích những buổi tối nhìn bà chải tóc bên bếp lửa. Trong cái màu ửng đỏ mê hoặc của lò than, những lọn tóc còn vương những giọt nước thơm mùi sả. Những nắm lá sả mẹ Lá xin được từ các bà hàng rau ngoài chợ, thêm vài quả chanh héo, toàn những thứ người ta vứt đi nhưng trở nên thơm lừng trong căn nhà lụp xụp của mẹ con Lá.

Nó giúp xua bớt mùi mồ hôi nhễ nhại, mùi đồ dơ còn dồn trong thau nhựa dưới gầm giường, mùi nước thải của mấy con mèo hoang lâu lâu lại lượn vào nhà Lá tè bậy. Không có thứ nước hoa nào có thể đánh đổi được mùi thơm dịu dàng đó. Nó tỏa ra từ mái tóc rũ xuống thắt lưng của mẹ Lá.

Thien duong la o day

Trông bà vậy mà vẫn còn mượt mà, ăn đứt gái đôi mươi. Nhưng đời bà lại khổ, khổ lắm! Chắc vì Lá nên bà khổ. Không ít lần bà ôm Lá hờn tủi khóc ròng trong những đêm mưa gió. Bà không kể chuyện ngày xưa, chuyện đời mình, chuyện họ hàng nội ngoại hay gì gì khác nữa; nên Lá chẳng biết ba nó, ông bà nội ngoại, cô dì chú bác nó là ai! 

Lá rồi cũng lớn lên. Không đi học, nhưng trong những câu chuyện hóng hớt được hằng ngày từ người khác, Lá biết ai cũng có ba, có mẹ. Lá cũng biết khôn, lựa những lúc mẹ vui vẻ, như lúc bà vừa vá lại cái áo rách, vừa ư ử hát những bài tha thiết, sến sẩm nghe lỏm từ cái loa kẹo kéo của thằng bán kẹo ngoài chợ, để hỏi dò: - Má ơi má, vậy chớ… con được sinh ra từ đâu vậy?

Bà ngưng bặt câu hát não tình, nhìn Lá như muốn bóp nghẹt họng cho nó khỏi hỏi nữa. - Hỏi chi?

- Cho biết chứ chi má! Ai cũng có ba có mẹ, hổng lẽ con từ… đất nẻ chui lên?

Bà lại khâu tiếp mũi chỉ, giọng nhừa nhựa cho hết bài ca não nề, làu bàu: - Mày không phải từ đất nẻ chui lên. Một ông bụt đã mang mày đến cho má!

- Rồi giờ ông bụt đó ở đâu hả má?

Bà quắc mắt nhìn Lá, giận dỗi: - Mày ngốc quá! Ông bụt làm gì có thiệt! 

- Không có thiệt sao có thể mang con đến cho má?

Bà cứng họng. Một đứa thất học như Lá lẽ ra không nên nghĩ sâu xa, không nên cố tìm hiểu nguồn cơn rõ ràng, vậy thì tốt hơn cho cuộc đời nó. Nhưng, Lá không phải kiểu người mà ai nói sao tin vậy. Nó cố lái câu chuyện theo hướng mình muốn, khiến má nó như phát điên. - Hỏi chi nhiều vậy? Mày hỏi ổng làm gì, ổng không phải người tốt!

- Nhưng con nghe kể ông bụt là người tốt mà! 

Bà vứt luôn cái áo khâu dở xuống giường, hậm hực đi vào buồng tắm, sập cửa cái rầm. - Nhưng bụt cũng là đàn ông. Đàn ông trên thế gian này hiếm có người nào tốt lắm, mày biết không!

Thật ra, lúc đầu bà đã định nói là có một con cò tốt bụng nào đó từ phương xa đã mang mày đến cho má. Nhưng bà cũng biết Lá sẽ bẻ lại ngay, cò thì làm sao quắp nổi một đứa con nít nặng mấy kí lô? Xạo! Bụt chỉ là cứu cánh tạm thời của bà, vậy mà nó cũng không chịu tin. Cái con khôn lỏi!

Lá nằm thượt trên giường. Mặt trăng chếch ngoài hiên, rọi xuống thứ ánh sáng lộng lẫy như đang chế giễu nó. Ba nó không phải là người tốt sao? Vậy sao má lại gọi ba là ông bụt? Người lớn thật kỳ quái, thương ghét lẫn lộn rối như canh hẹ.

Sao không thương cho ra thương, ghét cho ra ghét rạch ròi như tụi con nít, vậy có phải khỏe không! Phía sau tấm phên tre, mẹ nó xối nước ào ào. Lá nhón người lên, nhắc:  - Xối ít thôi má, nước mắc lắm đó!

Má nó vuốt nước, vuốt tóc, như vuốt cho sạch những dòng cay đắng trên khuôn mặt lấm tấm tàn nhang của những tháng ngày phơi mưa phơi nắng cõng Lá đi kiếm cơm, hững hờ: - Kệ, tháng này má dư tiền. Để má xài một bữa đã đời đi mày! Dòng nước mát lạnh tưới lên thềm ngực vẫn còn căng đầy nhấp nhô. Nếu không kể những lúc bà lên cơn bất chợt, thì mẹ Lá vẫn là một người đàn bà đẹp, bất chấp số phận vùi dập và bao dâu bể trần gian.

Nhưng, điều đó đâu giúp được gì cho đời bà đâu. Chỉ có một đứa con như thiên thần mới có thể mang người đàn ông kia về với bà. Bà đã không thể sinh ra một thiên thần như ông mong ước. Ngay khi nhìn thấy hình hài của Lá, ông rơi tõm vào một vùng tối. Lá chưa bao giờ được ba chạm tay vào.

Lá không có tội. Đôi chân Lá cũng không có tội. Chỉ có bà ôm hết tội nghiệt vào mình. Bà còn muốn nói với Lá, nếu ông bụt có thật, ổng cũng không bao giờ hiện ra cho con thấy đâu. Không bao giờ, con ơi!

Nhưng Lá không biết điều đó. Nó chỉ nghĩ đơn giản rằng ông bụt phải là người tốt. Nếu ổng biết mình bệnh nặng hoặc gặp bất trắc nào đó, chắc ổng sẽ về thăm mình. Nghĩ vậy, nó trườn tới, gieo mình từ bộ ván cao xuống đất.

Cái đau khiến nó lịm đi, nhưng trong đầu vẫn hình dung cảnh một ông bụt nào đó hiện ra bên cạnh mình. Rồi nó sẽ khỏe lại, ông sẽ dẫn mẹ con nó đi chơi, đi siêu thị mua quần áo đẹp và đồ ăn ngon. Rồi ông sẽ tìm cách chữa trị cho đôi chân nó lành lặn, để nó còn được đến trường… Ôi, nếu có ông bụt bên cạnh, đời của nó sẽ trở thành thiên đường. Đúng là thiên đường!

Lá tỉnh dậy với mớ dây nhợ nhét vô mũi, lòng thòng quanh giường. Cánh tay nặng trĩu không cử động được. Lá nhìn xuống, chỉ thấy một mảng trắng toát. Gãy tay rồi! Lá biết. Cái đau thấu trời xanh vẫn âm ỉ. Mẹ Lá run rẩy vén tóc nó, đút muỗng sữa, nói như khóc: - Mày làm má sợ quá! Có chuyện gì chắc má chết, Lá ơi!

Rồi bà ôm nó vào lòng, khóc tu tu như đứa trẻ lạc mẹ. Các cô y tá nhìn bà ái ngại. -Hồi nãy bà kề dao dọa giết bác sĩ nếu không cứu được con nhỏ. Sao giờ hiền dữ?
Bệnh viện quá tải, Lá chỉ được giữ một ngày theo dõi rồi cho về. Bệnh viện đông nghẹt người ra vô nhưng không có ai tự xưng là ông bụt đến thăm Lá.

Chỉ có mẹ Lá ngồi kể lể: - Má mới để dành được mấy triệu, định mua cho mày cái xe đẩy, ai ngờ… Lá ôm chặt lấy bà. Lần này đến lượt nó khóc tu tu.  - Con xin lỗi má! Có má bên cạnh là con có cả thiên đường mênh mông, vậy mà con cứ mơ mộng đâu đâu…

 Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI