Thiên diễm tình của nàng công chúa triều Mai và anh thợ may tài hoa

28/10/2015 - 08:02

PNO - Trong số những người con của Mai Hắc Đế, tuy ít được biết tới nhưng công chúa Mai Hoa lại nổi tiếng với một mối tình thủy chung, son sắt.

 Hổ phụ sinh ra nhiều hổ tử

Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan (còn có tên là Mai Phượng), ông là một vị vua nổi tiếng trong thời kỳ đấu tranh chống Bắc thuộc, quê ở làng Mai Phụ, xứ Thiên Lộc, thuộc Hoan Châu (nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Sau gia đình di cư về vùng Ngọc Trường, đất Sa Nam, cũng thuộc Hoan Châu (nay là làng Ngọc Trừng, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An) và sinh ra ông ở đây.

Căm giận ách đô hộ tàn bạo của nhà Đường, năm Qúy Sửu (713) Mai Thúc Loan phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi quân xâm lược, giành lại nền độc lập cho nước nhà và xây dựng chính quyền tự chủ tồn tại đến năm Qúy Hợi (723). Đánh giá về ông, sử cũ viết: “Mai Hắc Đế nổi lên từ châu Hoan, căm giận ngược chính của Sở Khách, cất quân để đánh, phía Nam giữ đất Hải Lĩnh, phía Bắc chống lại nhà Đường, có thể gọi là bậc vua hào kiệt” (Việt giám thông khảo tổng luận), “Đương thời nội thuộc, Mai Hắc Đế không chịu bọn ngược lại kiềm thúc, cũng là người xuất chúng trong đám thổ hào” (Việt sử tiêu án)…

Thien diem tinh cua nang cong chua trieu Mai va anh tho may tai hoa
Mai Hắc Đế và các con trai (Tranh minh họa)

Người cha anh hùng nên sinh ra những người con hào kiệt, không rõ chính xác Mai Hắc Đế có bao nhiêu người con, nhưng những người được sử sách, thần tích nhắc đến đều “không làm thẹn mặt cha ông” như Hoàng tử Mai Bảo Sơn, Thiếu đế Mai Thúc Huy, Bạch Đầu đế Mai Kỳ Sơn, công chúa Mai Thị Cầu… đều chiến đấu, hi sinh trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm.

Về phần công chúa Mai Hoa (tức Mai Thị Hoa), truyền tụng dân gian không nhắc đến công tích đánh giặc của nàng, nhưng lại kể mãi chuyện tình của công chúa với anh thợ may nghèo Nguyễn Đức Tri. Câu chuyện đó biểu trưng cho mối tình trong sáng, một thiên tình sử vượt lên mọi phân biệt về đẳng cấp, giàu nghèo để tìm đến tình yêu đích thực, thể hiện khát vọng nhân bản của đời người.

Chuyện nàng công chúa tương tư

Đất nước sạch bóng ngoại xâm, Mai Thúc Loan lên ngôi xưng đế, dựng kinh đô tại Sa Nam đặt tên là Vạn An như một cách đối chọi với kinh đô Trường An của nhà Đường.

Khi triều đình mới dựng, cần nhiều thợ giỏi để may quan phục, trang phục cho triều thần văn võ,… Mai Hắc Đế cho người đi khắp nơi tìm những người thợ khéo tay về triều làm việc.

Bấy giờ ở làng Mục xứ Phụ Dực (nay là xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) có chàng trai Nguyễn Đức Tri mới 22 tuổi, khỏe mạnh, khôi ngô, rất giỏi nghề cắt may.

Theo lệnh của vua, Đức Tri hăng hái lên đường về kinh đô phục vụ triều đình. Tình cờ nhưng lại hữu duyên, chàng được giao cắt may quần áo cho công chúa Mai Hoa. Tuy chỉ là người lao động nghèo nhưng dung mạo đẹp đẽ, lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng lại có tài năng đã khiến công chúa Mai Hoa xao động, dần đem lòng yêu mến Đức Tri.

Trong số những người mong muốn lấy công chúa Mai Hoa để trở thành phò mã, có kẻ biết chuyện đâm ra căm ghét, muốn hãm hại người thợ may tài hoa. Biết có kẻ muốn hại mình, Đức Tri vội bỏ trốn…

Từ đấy, công chúa Mai Hoa nhung nhớ tương tư đến độ sinh bệnh, không thầy thuốc nào chữa khỏi. Thấy con gái yêu ngày một gầy yếu, tâm trạng buồn bực, Mai Hắc Đế rất xót xa. Biết công chúa đem lòng yêu người thợ may họ Nguyễn, nhà vua cho người đi khắp nơi tìm được Đức Tri về gả Mai Hoa cho chàng.

Thien diem tinh cua nang cong chua trieu Mai va anh tho may tai hoa
Công chúa si tình và chàng thợ may tài hoa (Tranh minh họa)

Trong niềm vui ấy, bệnh tình công chúa không thuốc mà tự khỏi. Thế nhưng hạnh phúc của hai người kéo dài không được lâu, có kẻ ghen tức chàng thợ may tốt số đã lén bỏ thuốc độc vào thức ăn. Trúng độc nặng, không thuốc nào giải được, trước khi mất, Đức Tri chỉ kịp dặn vợ đưa thi hài mình về chôn cất tại làng Mục quê hương.

Công chúa nước mắt chứa chan, đau đớn vô cùng thuận theo di nguyện của chồng. Lo việc tang lễ xong, Mai Hoa xin vua cha cấp cho một số ruộng đất để làm hương hỏa thờ cúng Đức Tri. Nàng dựng cây nêu rồi treo dải yếm lên ngọn, bóng ngả đến đâu thì cắm ruộng đến đấy; tương truyền tổng số ruộng được cấp là 18 mẫu thuộc làng Mục (xã An Mỹ) và làng Rọc (xã An Dục). Một phần đất hoa lợi lo việc cúng lễ, phần còn lại công chúa cấp cho dân nghèo trong vùng để trồng cấy.

Khi mọi việc xong xuôi, công chúa trở về kinh, không rõ số phận sau này ra sao nhưng ơn đức của nàng được dân ghi nhớ mãi, họ lập đền thờ phụng hương khói đến tận ngày nay và suy tôn là “Trung liệt nữ”, các triều đại sau này đều sắc phong Mai Hoa là “Dực Bảo trung hưng thượng đẳng thần”. Thật là:

Những người nhân đức thuở xưa,

Tiếng thơm ghi nhớ bao giờ cho quên.

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI