Thiên di

14/08/2014 - 12:01

PNO - PNO - Sau tập thơ Chân trời in năm 2002, đến nay nhà thơ Nguyễn Minh Hùng mới có tập Thiên di (NXB Hội Nhà văn).

edf40wrjww2tblPage:Content

Thien di

Giải thích nhan đề tập thơ, anh cho biết: “Trên đường thiên lí, loài chim di trú trải qua nhiều cảnh tượng huy hoàng và rủi ro, bất trắc. Chúng bị rình rập bởi giông bão, cái đói, bệnh tật, già yếu, phường săn và sự hủy hoại của bầy đàn… Đối với loài thiên di, quê hương là khái niệm có ý nghĩa nhưng đất sống, sự sống cao hơn “sự tồn tại”, lại mang một ý nghĩa khác. Thân phận người - nhất là nghệ sĩ - phải chăng là một cánh thiên di? Trong “không gian bay” diệu vợi ấy, số phận Cái Đẹp mong manh và vĩnh hằng ước muốn chất chứa qua chữ và kiểu cấu trúc”.

Thiết nghĩ, đó cũng là quan niệm về thơ của Nguyễn Minh Hùng.

Có những nhà thơ viết được nhiều câu thơ hay nhưng tự họ không có khả năng lý luận. Nguyễn Minh Hùng lại khác. Hơn mười năm trước, anh đã viết các tập Cảm nhận văn chương, Văn chương nhìn từ góc sân trường… Do đó, không phải ngẫu nhiên, trong tập thơ này anh đã xây dựng “ký hiệu thơ” qua hình ảnh thiên di. Hình ảnh chủ đạo ấy, bay rợp một khoảng trời:

mắt vừa toan chợp mắt

cánh chao lạc bầu trời

đường bay không dấu vết

mỗi người bay một nơi

Rồi anh tự ý thức:

gửi thân vào thiên lý

bay đi để bay về

Những chuyến “bay đi để bay về” hàm nghĩa cho sự sáng tạo không mệt mỏi của người cầm bút. Dù vẫn bay nhưng không lặp lại các động tác, nhịp điệu cũ, nói cách khác đó là lúc họ phải vượt qua chính mình. Và từ trong sâu thẳm của trái tim đa cảm, nhà thơ đã nghe thấy:

hót điệu sầu chảy máu

ngõ nhà thăm thẳm xa

sợi rơm vàng rơi thẳng

sông Hoài rơi tiếng ca

Thật ra “điệu sầu chảy máu” cũng là tiếng lòng của nhà thơ đấy thôi. Những đường bay vô tận đã nói lên một khát vọng tự làm mới từng câu thơ. Làm mới chính mình, dù có lúc: “Xập xòe vạt áo ca dao /  Bọc tân hình thức mà chao chát lòng”. Không những thế, anh còn ngụ ý từ hình ảnh gieo hạt. Ở đó:

Nỗi buồn không hề chăm sóc sao chóng lớn quá

niềm vui nuôi dưỡng từng giây đã chợt xa xưa

cứ ngửa lên trời nghe vị mặn

biết là ai đang khóc ở trong mưa

Câu thơ như một lời tự sự. Và từ sâu trong tiềm thức, nhà thơ vẫn không nguôi một niềm hy vọng phía tương lai chói lòa sự sống:

Anh vịn mà đông chết nắng

trên tay giấu nụ tinh khôi

chợt nở nghìn bông mưa trắng

rồi tan dần…

rồi sinh sôi

Hành trình đến với thơ luôn lẻ loi, đơn độc của một người. Lấy cánh thiên di làm biểu tượng cho sự sáng tạo ấy, Nguyễn Minh Hùng đã có những bài thơ, câu thơ mà anh đã tự nhủ: “Ngày hằng sống / Ngày hằng tin…”

Lê Minh Quốc
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI