Xưa nay, trong suy nghĩ của nhiều người, những người mẹ luôn có một sức lực phi thường, Phương Tây còn có câu: “Bàn tay đưa nôi là bàn tay thống trị cả thế giới”. Điều gì đã khiến họ kiệt sức? Đơn giản chỉ là một tay họ phải gánh vác trăm công nghìn việc, từ ngày này sang ngày khác không ngơi nghỉ. Cũng là người, sao họ lại không mệt?
|
Người mẹ có sức lực phi thường |
Chị Hoa, có hai con đang ở tuổi hiếu động: 4 và 7 tuổi, thú nhận: “Ngày nào cũng vậy, từ sáng đến tối, mở mắt ra là nhà cửa, cơm nước, chợ búa. Rồi đi làm. Tại nơi làm việc tôi cũng không ngừng lo lắng về gia đình, con cái; phải thường xuyên gọi về nhà, cho chồng, cho cha mẹ để xem tình hình thế nào.
Chiều về, phải lao vào việc nhà cho đến khi đuối sức đổ vật ra giường. Nhiều hôm lại phải bắt đầu thiên chức làm… vợ. Tôi chẳng bao giờ dám mở lời than thở, vì nếu vậy, lập tức sẽ có những người phán xét, rằng tôi làm mẹ, không có quyền mệt mỏi vì con, vì chồng.
Lần đầu tiên hội chứng “kiệt sức” được mô tả bởi nhà tâm thần học Mỹ Freydenberger vào năm 1974: Đó là trạng thái suy yếu, mệt mỏi đạo đức, tình cảm và thể chất; khiến con người không còn hứng thú trong các hoạt động của mình, mất đi sự hiểu biết và thông cảm với những người phải làm việc quanh mình.
Vấn đề kiệt sức của những người làm mẹ thì chỉ bắt đầu được nêu ra gần đây, có lẽ vì xã hội của chúng ta dường như vẫn chưa xác định việc làm mẹ phải được xem như một nghề nghiệp thực sự, thậm chí khó khăn vất vả hơn các nghề khác. Phải chăng vì lao động của người mẹ không có điểm dừng và kết quả của nó không hiển hiện rõ ràng từng ngày, từng tháng; cũng không thể cân đong đo đếm được?
Huỳnh My chỉ có một con 5 tuổi nhưng đã phải thốt lên: “Tôi ghét những câu cửa miệng của mọi người rằng làm mẹ là hạnh phúc; chỉ cần nhìn thấy con ăn ngon, chồng ăn ngon là hạnh phúc đến không còn cảm thấy mệt mỏi. Tôi nghĩ, phụ nữ nói như vậy là để tự đánh lừa mình, đánh lừa cả người khác.
Tôi thường xuyên thấy mệt mỏi và chỉ mong một ngày được nghỉ ngơi hoàn toàn, từ sáng đến khuya, không phải làm bất kỳ việc gì cho gia đình. Ai sợ đi công tác xa nhà, chứ với tôi, đó là một quãng nghỉ tuyệt vời!
Nhà tâm lý học nổi tiếng Lyudmila Petranovskaya cho rằng, sự kiệt sức xảy ra khi một người phải chịu quá nhiều căng thẳng và mất nhiều thời gian trong việc giao tiếp với những người khác. Họ kiệt sức vì sức nặng của trách nhiệm, vì phải liên tục thông cảm, hiểu biết, giúp đỡ, tìm một ngôn ngữ chung để cung cấp sức mạnh tinh thần cho người khác trong thời gian dài mà không nhận lại được bất kỳ điều gì.
Quá trình này diễn ra qua nhiều giai đoạn: mệt mỏi và rơi vào trạng thái rối loạn giấc ngủ mãn tính; sẽ kiệt sức sinh lý, rối loạn miễn dịch và các bệnh mãn tính trầm trọng hơn bắt đầu xuất hiện.
Có những "triệu chứng" chung: khi con bạn khiến bạn căng thẳng, thậm chí bạn có ý nghĩ đứa trẻ đang "làm mọi thứ để trêu chọc tôi, lợi dụng tôi". Điều này đã diễn ra ở chị Thanh Lan, khi chị cho biết có những lúc chị thấy ghét con mình kinh khủng.
Trong nhiều trường hợp, hậu quả của suy nghĩ tiêu cực đó đổ xuống đầu người cha của đứa trẻ và gia đình bị đẩy đến bên bờ vực. Tuy nhiên, không phải tất cả những bà mẹ đều có dấu hiệu kiệt sức. Làm thế nào những người mẹ đó có được sự "miễn dịch"?
1. Một số người sự chịu đựng tốt hơn và rất cân bằng, một số người dễ bị tổn thương và u sầu. Nhưng, mọi thứ đều có thể khắc phục nếu chúng ta nhận ra vấn đề. Bạn hãy học cách "tư duy lành mạnh" - ít đòi hỏi cho bản thân hơn. Thỉnh thoảng dừng công việc lại một phút, nghĩ về bổn phận làm mẹ và nhắc nhở bản thân: "Mình là mẹ", cảm giác về cuộc sống của bạn sẽ được cải thiện.
2. Bớt cầu toàn. Hãy xem lại các tiêu chuẩn bạn đã đặt ra cho mình. Tự nhủ gia đình mình không phải là khuôn mẫu của thế giới này, con cái mình cũng không nhất thiết là phải xuất sắc nhất. Tất nhiên, việc này không có nghĩa là bạn xem nhẹ trách nhiệm làm vợ làm mẹ, nhưng có thể cho mình đặc ân quên đi những hình mẫu.
3. Chỉ có bạn mới có thể biết điều gì hữu ích cho con mình, biết con mình thật sự cần gì. Hãy dừng cạnh tranh với các gia đình khác. Không phải tất cả trẻ lên ba đều có thể nói chuyện trôi chảy, bốn tuổi đã nói tiếng Anh và năm tuổi thì biết chơi quần vợt. Chỉ cần nhìn vào sức mạnh và khả năng riêng của mình và luôn tin tưởng con bạn là đứa trẻ tuyệt vời nhất.
4. Nguyên nhân của sự kiệt sức thông thường là do cách tổ chức công việc chưa đúng. Bạn cần phân công lại trách nhiệm trong gia đình một cách hợp lý hơn và sắp xếp lại cuộc sống hàng ngày của bạn.
Thúy Trâm