Nghỉ thai sản dài hay ngắn, trực tiếp chăm con hay thuê người giúp việc, với mỗi người mẹ, mỗi gia đình là một bài toán không đơn giản. Làm sao để không lãng phí thời gian 'vàng' đầu đời của con, lại không đánh mất những gì người mẹ từng phấn đấu thời gian qua trong xã hội, đảm bảo việc 'tái hòa nhập' của người mẹ?
Loay hoay mãi chẳng tìm được đáp án, không ít người mẹ đâm ra hoang mang, thấy tự ti, đơn độc… khiến hạnh phúc dần bị bào mòn, những gì tốt đẹp nhất muốn dành cho con mình càng khó thực hiện được. Các phương tiện thông tin đại chúng thỉnh thoảng lại đưa tin về những ca trầm cảm sau sinh gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Mùng Ba tết Đinh Dậu, một bà mẹ trẻ ở Hà Nội bóp chết con trai mới 5 tháng tuổi rồi nhảy xuống giếng tự tử nhưng không thành.
Cũng trong những ngày đầu năm mới, người mẹ 31 tuổi ở Bình Thuận treo cổ tự tử cùng con trai 7 tháng tuổi. Trước đó, tháng 8/2016, người mẹ 30 tuổi đã tìm đến cái chết sau khi sinh con 3 tháng. Một sản phụ 28 tuổi khác đã sụt từ 57kg xuống chỉ còn 24kg, thường xuyên lẩm bẩm một mình, mất ngủ, chán ăn, hoảng loạn; một người mẹ khác chết dưới bánh xe lửa vì cố tình đứng giữa đường ray, chỉ một thời gian ngắn sau khi đứa con thứ hai ra đời!
Một trang mạng chuyên về y tế trong bảy năm hoạt động đã nhận hàng ngàn câu hỏi của những phụ nữ mới sinh. Họ mất ngủ, thường xuyên tủi thân, ám ảnh, chán ăn, dễ khóc, cáu gắt, đau đầu kinh niên, xa lánh chồng hoặc có cảm giác bị chồng bỏ bê… Theo một thống kế, trầm cảm sau sinh chiếm khoảng 13% các sản phụ, là một trong những vấn nạn lớn người phụ nữ phải đối đầu ở giai đoạn hậu sản.
Nuôi một đứa con không bao giờ là chuyện đơn giản. Sau khi chăm con 6 tháng đầu đời, người mẹ phải quay lại với công việc, hành trình trước mắt càng thêm nhọc nhằn, cam go. Chị Minh Tú (nhân viên marketing, P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết: 'Dù gia đình đã tìm được vú nuôi để chăm sóc bé khi tôi đi làm trở lại nhưng giai đoạn con từ 6 tháng đến 1 tuổi tôi vẫn rất cực. Tôi phải gồng 200% sức lực, rất dễ bị stress vì ban ngày làm việc, đêm không được ngủ trọn giấc do con thường quấy khóc. Cũng may, tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn này, có lẽ nhờ vào bí quyết duy nhất: mê con.
Tôi đã 'hóa giải' những cực nhọc, căng thẳng bằng việc ôm ấp, nựng nịu, chơi đùa, trò chuyện cùng con. Cứ về đến nhà là tôi ôm con ngay vì hai mẹ con đều rất nhớ nhau. Dù vậy, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác hối hận vì mình đã bỏ bê con khi trở lại với công việc'.
Từ lúc mang thai Subeo, chị Cẩm Ly (Q.7, TP.HCM) đã tìm hiểu kỹ các phương pháp chăm sóc, nuôi dạy con. Sinh xong, Ly quyết định nghỉ việc trợ lý giám đốc ở Công ty thủy sản Hạ Long, để dành trọn thời gian cho con. Hai vợ chồng thống nhất: tiền còn có thể kiếm lại nhưng tuổi thơ của con trôi qua thì không bao giờ quay lại.
Hai mẹ con Subeo
Chị chia sẻ: 'Ở nhà dạy con vừa vui vừa thú vị. Trong tình trạng bạo hành trẻ mầm non khá phổ biến hiện nay, tôi chỉ muốn chăm được con càng lâu càng tốt. Giai đoạn này, người chồng phải rất tâm lý, vì nhiều ông chồng cứ nghĩ phụ nữ ở nhà chăm con thì có gì mà cực khổ! Thật ra, đây là công việc vất vả và hao tổn chất xám rất nhiều.
Lúc đó, người vợ rất cần được chồng động viên, hỗ trợ để vợ không buồn bực, mệt mỏi, thậm chí mặc cảm vì nghĩ mình đang 'ăn bám' chồng! Thú thật, nhiều lúc tôi rất muốn đi làm trở lại, được gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, được diện đồ đẹp, trang điểm để thấy tự tin, vui vẻ hơn. Cũng may đó chỉ là những giây phút thoáng qua. Tôi không hối tiếc thời gian mình đã dành cho con. Tôi cũng rất biết ơn chồng đã làm chỗ dựa vững chắc cho tôi'.
Thật ra, không cần đợi vợ yêu cầu, nhiều ông chồng đã tự giác chia sẻ mọi điều cùng vợ. Anh Lý Thành Đạt, kiến trúc sư Công ty TNHH tư vấn đầu tư và xây dựng quốc tế ICIC tuy tự nhận mình là người 'khô khan', không lãng mạn, tình cảm dành cho vợ (chị Kim Phụng) anh chỉ bày tỏ bằng hành động; nhưng khi vợ mang thai, nhiều hôm anh đi làm về, trời tối mịt, bụng đói meo, nhưng nghe vợ than thèm ăn bún riêu ở tít… quận 5, là vui vẻ chở vợ đi ngay, dù nhà tận Phú Nhuận.
Gia đình anh Lý Thành Đạt
Vợ sinh, anh lóng ngóng ẵm em bé. Là người ngủ rất say nhưng khi nằm trên chiếc ghế bố trong bệnh viện, chỉ cần em bé ọ ẹ là anh bật dậy, chạy ngay đến dỗ con. Là người lo kinh tế cho gia đình, anh Đạt luôn khuyến khích vợ dành thời gian cho con, đừng vội quay lại công việc dạy tiếng Hoa tại nhà. 'Em lo cho con là tôi… mừng hết lớn! Mọi việc khác, cứ để tôi' - chỉ ngắn gọn vậy thôi, rồi anh tất bật giặt giũ, tranh thủ đi chợ, nấu ăn. Anh còn giành chăm con trong những ngày nghỉ để chị có thời gian ra ngoài gặp bạn bè, cà phê, mua sắm cho đỡ bức bối, tù túng vì suốt ngày quanh quẩn cùng con trong bốn bức tường.
Một khảo sát mi ni do chúng tôi thực hiện cho thấy, có đến 65% người mẹ trẻ cho là việc ưu tiên chăm sóc con sẽ dẫn dẫn đến những ảnh hưởng nhất định trong việc phát triển sự nghiệp. Trung bình, một bà mẹ sẽ lùi lại 5 năm trong công việc để ưu tiên làm tốt thiên chức. Đối mặt với những khó khăn về sức khỏe, tâm lý, nguy cơ lạc hậu… các bà mẹ thật sự rất cần có bàn tay chung sức, nâng đỡ để yên tâm ươm mầm cho tương lai.
Khánh Thủy
Để hưởng thụ niềm vui làm mẹ
Sinh con vốn không phải là một sự kiện bất ngờ. Nếu chuẩn bị tốt, việc chăm sóc con nhỏ sẽ không trở thành gánh nặng, niềm vui làm mẹ mới vẹn tròn. Một câu hỏi nghe có vẻ rất hay “làm mẹ hay thăng tiến?” nhưng thật ra là chẳng có ý nghĩa gì. Nếu đáp án được đưa ra: làm mẹ và từ bỏ các cơ hội phát triển nghề nghiệp là một sự hy sinh. Về tâm lý, nếu cứ ám thị rằng làm mẹ, nuôi con nhỏ là hy sinh thì dù bạn có dành toàn bộ thời gian cho con, việc tương tác để hỗ trợ con phát triển chưa hẳn sẽ đạt chất lượng.
Tâm trạng không chấp nhận việc nuôi con, tự ti về lựa chọn của mình, nghĩ mình thua sút người khác sẽ khiến không khí tâm lý gia đình căng thẳng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ, vì nhu cầu giao lưu cảm xúc trực tiếp của trẻ từ 0–12 tháng là nhu cầu giao tiếp xã hội cơ bản. Vì thế, chuẩn bị để làm mẹ là việc bắt buộc phải có. Trong quá trình chuẩn bị này, ngoài những chuẩn bị về thể trạng thì sự sẵn sàng về tâm lý, sự chủ động trong các hoạt động cá nhân cũng phải được tính tới.
Đứa trẻ không đột ngột xuất hiện khiến cuộc sống của người mẹ bất ngờ đảo lộn. Quá trình thai nghén chính là thời gian người mẹ tương lai hoạch định các kế hoạch cho bản thân. Người mẹ tương lai còn phải tính đến sự liên quan của tất cả các quan hệ cá nhân trong việc làm mẹ sắp tới của mình: chồng, cha mẹ, đồng nghiệp... Nhờ đó, những khó khăn trong quá trình nuôi con nhỏ sẽ được giảm thiểu tối đa.
Điều cốt lõi để có thể hưởng thụ trọn vẹn niềm vui làm mẹ là cảm giác “thỏa đáng”. Niềm vui đó được tạo ra từ sự cân bằng tất cả các yếu tố liên quan. Đó là sự hài lòng với thời gian và công việc dành cho vai trò làm mẹ; là sự hợp lý trong phân công lao động tại gia đình; là sự hài hòa giữa nhiệm vụ chung đối với gia đình và ý thức về tự chăm sóc cá nhân. Không có đáp án lý tưởng về việc nên chọn sinh con hay thăng tiến mà quan trọng nhất là phải có mục tiêu rõ ràng, chuẩn bị sẵn sàng cho từng nhiệm vụ, tận hưởng niềm vui và cả những thách thức mà nhiệm vụ đó mang đến cho mình.
Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A
(Giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM)
*Theo Thông tin Gia đình & Đời sống - Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM