Thiệu Bảo bình Nguyên: Khúc tráng ca mùa hạ

16/04/2018 - 15:15

PNO - Sự thật là, nếu đã đọc tập một của bộ truyện gồm bốn tập - Thiệu Bảo bình Nguyên (nhà xuất bản Trẻ), khả năng độc giả sẽ tìm xem tiếp các tập còn lại là rất cao.

Tác giả Hồng Thái ưu tư: “Giữa thời buổi sử học suy vi - ở trường, học sinh không thích sử; ngoài xã hội, người ta ít đọc sử Việt; vậy một bộ tiểu thuyết lịch sử về một thời kỳ xa lắc xa lơ của dân tộc, lấy đâu ra độc giả?”.

Thiẹu Bảo bình Nguyen: Khúc tráng ca mùa hạ

Sự thật là, nếu đã đọc tập một của bộ truyện gồm bốn tập - Thiệu Bảo bình Nguyên (nhà xuất bản Trẻ), khả năng độc giả sẽ tìm xem tiếp các tập còn lại là rất cao. Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của nhà Trần được viết nhiều trong chính sử lẫn các bộ tiểu thuyết dã sử trước đó, nhưng Thiệu Bảo bình Nguyên đầy tính điện ảnh và hội đủ những yếu tố cuốn hút của một thiên tiểu thuyết lịch sử, kiếm hiệp.

Bắt đầu từ tập một - Điệp vụ thám báo, Hồng Thái đã tái hiện một hành trình nghẹt thở, bi hùng, đan xen giữa tình yêu, sự hy sinh và lòng kiên trung của những con người nhận nhiệm vụ làm gián điệp trên đất giặc.

Truyện dựa trên nền sự kiện, những nhân vật có thật, lồng ghép vào các tuyến nhân vật hư cấu (có ghi chú ở cuối sách); nhưng không làm mất đi diện mạo chân thực của những người đương thời và bối cảnh lịch sử. Sáng tạo khéo léo của người viết tạo nên sức hấp dẫn của bộ tiểu thuyết - rất khác với cách kể chuyện sử theo niên đại hay chú trọng vào số liệu, sự kiện.

Thiệu Bảo bình Nguyên cũng thể hiện mong ước của tác giả - sẽ chuyển thể một trong những trận đánh bi hùng, oanh liệt nhất của quân tướng nhà Trần, lên màn ảnh rộng. Cả ba tập sau: Trước cơn giông tố, Sơn hà rực lửa và Khúc tráng ca mùa hạ đều có đủ chất liệu làm phim.

Rất nhiều chi tiết đắt được khai thác xuyên suốt bộ truyện: khoảnh khắc oanh liệt sau cùng của những người thám báo (trong đó, Đào Thế Quang là nhân vật có thật), ngày công chúa An Tư về với Thoát Hoan để đổi lấy thời gian cho nhà Trần kịp rút quân, người lính - người cha già trong đội ngũ của kẻ thù, ngày bại trận, vẫn quyết ở lại bến sông chờ con, những cuộc đi vào “cõi bất tử” của đội quân Yết Kiêu đục thủng thuyền giặc...

Không phải những trận chiến, mà ở lại sâu đậm nhất trong lòng người đọc chính là những lát cắt lay động này. Tình yêu, tình người, lòng nhân, những hy sinh thầm lặng mà nghẹn ngào…

“Dẫu mình chẳng phải hạng văn hay chữ giỏi, song cũng cố thử một lần xem sao. Biết đâu cũng có người đọc, rồi bớt thần tượng mấy vua chúa bên Tàu, mấy kiếm khách bên Nhật, soái ca bên Hàn… để nhường chỗ cho những vị anh hùng Việt Nam. Ao ước nhỏ nhoi ấy đã thắp lên trong tôi ngọn lửa hy vọng, để viết bộ truyện của mình” - tác giả Hồng Thái bày tỏ. Những “anh hùng Đại Việt”, hào khí Đông A và sức mạnh của dân tộc trong Thiệu Bảo Bình Nguyên, xứng đáng để chúng ta tìm đọc. 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI