Thích ứng với biến đổi tự nhiên ở đồng bằng

06/11/2023 - 06:09

PNO - Ngay khi vùng đồng bằng sông Cửu Long vào cao điểm mùa lũ, cộng với các đợt triều cường dâng cao, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam dự báo, mùa mưa năm nay sẽ kết thúc sớm, tình trạng xâm nhập mặn cũng sẽ đến sớm và nghiêm trọng.

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới bị tác động tiêu cực mạnh mẽ nhất. Cùng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, việc các quốc gia đầu nguồn sông Mê Kông xây đập thủy điện tràn lan, chuyển nước dòng chính, nạn khai thác cát bừa bãi, khoan giếng nước ngầm vô tội vạ đã tạo ra hiện tượng sông khát vì khô hạn, nước đói vì thiếu phù sa gây sạt lở, sụt lún đất và các tác động tiêu cực tích lũy liên hoàn, khiến thiên tai ngày càng thất thường và nghiêm trọng hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi viết về thiên tai ở miền Trung, tôi cho rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai và nhân tai phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, doanh nghiệp và người dân. Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm này khi nói về thiên tai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Để nâng tầm thích ứng, các bộ, ngành trung ương cũng như chính quyền các địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy kiến tạo phát triển, từ phòng chống bị động sang thích ứng chủ động; chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp đa dạng, chuyển từ nặng về số lượng sang chất lượng và giá trị; thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiêu dùng nước theo hướng phát triển nền công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, giảm thâm canh, giảm đầu vào, tăng giá trị và chất lượng đầu ra các chuỗi giá trị nông sản.

Trong bước chuyển đó, những giải pháp công trình mang tính kỹ thuật, công nghệ để ứng phó trước tác động của biến đổi khí hậu, sụt lún, hạn mặn là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn vẫn là các giải pháp phi công trình, nâng cao chất lượng quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, bố trí dân cư, việc tổ chức sản xuất phải đặt trong bối cảnh tổng thể, tính đến những mục tiêu ứng phó dài hạn.

Cũng như với bão, lũ ở miền Trung, việc ứng phó với hạn, mặn đến sớm ở đồng bằng sông Cửu Long là hành động hiện tại, nhưng phải nằm trong chiến lược thích ứng lâu dài và phát triển bền vững trong tương lai. Theo đó, cần thực hiện 3 vấn đề cấp bách.

Một là, nhận thức, tư duy chủ động thích ứng phải trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, chỉ huy mọi hành động. Vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có bài học kinh nghiệm lịch sử từ chống lũ, chống hạn, mặn chuyển sang chung sống và chủ động chung sống với lũ, hạn, mặn. Bài toán cân bằng tổng thể, yêu cầu “chi phí - lợi ích” và nguyên tắc “không hối tiếc” cần được đặt ra trước tiên cho bất kỳ một quyết định đầu tư công trình nào.

Hai là, đầu tư xây dựng trụ cột phát triển kinh tế vùng, sử dụng khoa học công nghệ đi trước dẫn dắt, nguồn lực tài chính làm đòn bẩy để thích ứng với biến đổi khí hậu phải gắn liền với yếu tố con người, ổn định dân cư, lấy con người làm trung tâm để những vùng dễ bị tổn thương như đồng bằng sông Cửu Long không bị tụt hậu. 

Ba là, tăng cường liên kết vùng, phối hợp liên vùng. Tiếp cận theo vùng, liên vùng, phối hợp liên ngành, cùng hành động mới mong thích ứng trước các biến đổi tự nhiên và xã hội. Cần đổi mới hoạt động điều phối vùng thông qua thể chế, cơ chế mạnh hơn với mục tiêu thiết lập và vận hành thể chế vùng có tính đại diện và trách nhiệm. 

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI