Thích nghi với bệnh để trị bệnh

06/04/2023 - 18:23

PNO - Suy cho cùng, bệnh tật hay già đi là một phần cuộc đời của tất cả chúng ta, vấn đề là mình thích ứng với nó thế nào.

Năm 40 tuổi, tôi phát hiện mình bị tiểu đường, bị sụt cân nhanh khiến nhiều anh em tưởng tôi có bí quyết làm gọn cơ thể.

Đi khám rồi, tôi không bị sốc nhưng thấy buồn, bởi biết rõ phải chung sống với căn bệnh này suốt đời, phải kiêng cữ nhiều thứ và phải đối mặt với những biến chứng sau này…

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Buồn hơn là ba mẹ tôi lại khá lo lắng, cách ngày lại gọi điện hỏi han, dặn dò, nghe rõ giọng buồn rầu. Mẹ tôi còn bảo anh em trong nhà đừng để lộ chuyện tôi bị bệnh cho nhiều người biết, bởi bà không muốn người ngoài biết trong gia đình, ngoài ba tôi còn có thêm tôi bị bệnh.

Dĩ nhiên người rất lo lắng cho tôi là bà xã. Khi có kết quả xét nghiệm, cô ấy liên tục nghiên cứu về căn bệnh này, rồi tìm các bài thuốc, các món ăn phù hợp, các loại thực phẩm phải kiêng, các biến chứng sẽ mắc phải…

Cô cũng thường xuyên “canh” tôi để ngăn tôi ăn những thứ không nên ăn. Cô còn tìm gặp những người quen làm bác sĩ, những người từng mắc bệnh để nhờ tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm…

Cô sắp xếp, tổ chức lại nhiều sinh hoạt trong gia đình, nhất là việc ăn uống và một số nền nếp, thói quen. 

Ở tuổi trung niên, lại có bệnh, tôi thấy mình bắt đầu đi vào sườn dốc bên kia của cuộc đời. Nhìn quanh bạn bè, tôi cứ nhớ mãi chuyện của một anh bạn, mới lấy bằng tiến sĩ được vài năm thì phát hiện bị ung thư phổi, chỉ mấy tháng rồi qua đời.

Một người bạn hồi đại học đang làm phóng viên 1 tờ báo tỉnh vừa độ sung sức thì mắc ung thư, dù được chạy chữa tích cực nhưng cũng không qua khỏi. 1 cô bạn từng là tay vợt cầu lông có hạng ở các giải phong trào thành phố bất ngờ bị suy thận, may mà tìm được người hiến nhưng cũng phải vất vả chống chọi với căn bệnh.

Một cô bạn khác tận tụy với công việc, nhưng rồi thấy thường xuyên đau lưng, đi khám mới hay bị thoái hóa cột sống, đã mổ một lần vẫn phải vất vả với việc điều trị, công việc và việc nhà.

Bây giờ, bạn bè chúng tôi gặp nhau, câu đầu tiên hỏi là “dạo này khỏe không?” thay cho câu “công việc ra sao?” hay “lên chức chưa?”, “con cái thế nào?”… Khi gặp những cụ ông, cụ bà bảy tám mươi tuổi còn mạnh khỏe, ai nấy đều xuýt xoa: “Không biết đến bằng tuổi bác, tụi con có còn được khỏe như vậy không”. 

Dường như nhiều người thấy thế hệ của mình không được khỏe hoặc không thể khỏe như các thế hệ trước. Dường như ai cũng thấy cuộc sống bây giờ hối hả hơn, áp lực hơn, môi trường ô nhiễm hơn, thực phẩm nhiễm nhiều chất độc hại hơn… Nhiều khi biết rằng chúng ta đang phải đánh đổi sức khỏe cho cuộc sống nhưng vẫn phải làm, không có lựa chọn khác.

Ví như biết làm việc ngồi một chỗ, dán mắt trước màn hình máy tính quá lâu là không tốt nhưng không phải ai cũng chịu khó thay đổi, nhất là khi áp lực công việc quá lớn hoặc do lười vận động.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

Thôi thì dù đã bệnh hay còn khỏe, mỗi người nên thực sự quan tâm, chăm sóc, giữ gìn sức khỏe của mình; bởi khi mắc bệnh, ai nấy mới ước ao mình còn khỏe. Mỗi người nên tập dần một nếp sinh hoạt phù hợp để phòng bệnh hoặc làm chậm quá trình phát triển của bệnh, vì khi đã bệnh thì lại càng muốn khỏe và càng muốn sống hơn.

Đã qua gần 10 năm “sống chung” với bệnh, tôi cũng đã thích nghi và xem nó là một phần của cuộc sống. Tôi ráng kiêng cữ, năng tập thể dục, sinh hoạt điều độ, dù các chỉ số càng về sau càng không tốt, nhưng tôi vẫn lạc quan, tích cực điều trị. Tôi không rõ sắp tới, khi bệnh trở xấu hơn thì mình sẽ ra sao, nhưng hiện tại tôi không cho đó là rủi ro mà là cơ hội để mình điều chỉnh cách sống.

Suy cho cùng, bệnh tật hay già đi là một phần cuộc đời của tất cả chúng ta, vấn đề là mình thích ứng với nó thế nào. Nên thay vì hoang mang, chúng ta có thể chọn cách vui sống với nó để thời gian nào còn sống, còn khỏe thì ta vẫn thấy vui và có ích. 

Ngô Đồng Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI