Một trong những việc mà tôi phải chuẩn bị nhiều nhất cho chuyến đi học ở Mỹ của mình, không phải là cho tôi, mà cho con gái Lolo. Lolo sẽ bước vào lớp 1 tại Mỹ và điều tôi lo lắng nhất chính là con sẽ bị mất gốc khi tuổi còn rất nhỏ, rất dễ tiếp thu những điều mới mẻ xung quanh. Thật may là Lolo tò mò, thích đọc, viết từ khi còn nhỏ.
Mới bốn, năm tuổi, Lolo đã đòi tôi dạy con đọc. Tôi mời cô giáo về nhà dạy con học. Tôi rất chú trọng việc dạy tiếng Việt cho con, bởi khi học trường Mỹ, chơi với bạn bè, tôi biết cháu sẽ học tiếng Anh rất nhanh, chừng đó muốn con quay trở lại tiếng mẹ đẻ là vô cùng khó khăn.
Bên cạnh việc học tiếng Việt, Lolo còn được học một lớp toán tính nhanh. Đó là phương pháp thể dục não rất tốt. Trẻ học làm toán mà không cần viết ra, chỉ hình dung cái bàn tính như của Trung Quốc trong đầu và tính nhẩm. Sau khi sang Mỹ, tôi cho cháu tiếp tục học chương trình toán này với cô ở Việt Nam bằng skype, một tuần ba buổi. Mục tiêu là để cháu tiếp tục được giao tiếp bằng tiếng Việt, không có cảm giác bị cắt đứt các mối quan hệ với quê mẹ.
Ngoài ra, tôi còn mang theo các sách tiếng Việt, như các cuốn lịch sử Việt Nam bằng tranh cho cháu đọc. Thế nhưng, đúng như tôi suy đoán, chỉ một thời gian sau khi vào học, cháu bắt đầu chán nói tiếng Việt. Từ một đứa bé mới sang chỉ biết có hello, good morning… sau một năm, cháu đã nói tiếng Anh rất giỏi, không cần phải học các lớp phụ đạo nữa. Và sau ba năm thì tiếng Anh đã thành ngôn ngữ chính của cháu.
Khi Lolo đi học, tôi mới bắt đầu vấp phải những điều khác biệt trong cách dạy con truyền thống của Việt Nam và cách dạy trẻ ở trường Mỹ. Thí dụ, ở trường Lolo không bao giờ bị các giáo viên chê bai hay phê phán. Nhìn tập vở Lolo khi đó, tôi rất kinh hoàng, cháu viết chữ xấu khủng khiếp, như gà bới. Các chữ số viết cũng nguệch ngoạc, có khi còn thiếu nét.
Thế nhưng thầy cô luôn luôn khen LoLo giỏi, viết đẹp. Họ chỉ cần nhìn và hiểu Lolo viết đúng, vậy là đủ. Còn tôi, tôi vẫn giữ quan niệm truyền thống “nét chữ, nết người”. Tôi không chấp nhận được sự cẩu thả vì cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến tính cách của con. Khi tôi nói nhận xét đó với con và yêu cầu cháu phải nắn nót, cháu nói với tôi, là thầy của con không nói gì, thầy nói chữ của Lolo đẹp và đưa ra bằng chứng là những lời phê của thầy vào bài viết của cháu.
Vào một buổi sáng, trước khi Lolo đi học, trong một cuộc “tranh cãi” nho nhỏ như thế về những yêu cầu của tôi, cô bé sáu tuổi nói rằng: “Con không muốn mẹ dạy con theo kiểu Việt Nam, con muốn mẹ dạy con theo kiểu Mỹ”. Nghe Lolo nói, tôi sốc. Thế nhưng lúc đó không có thời gian, và những ngày sau đó cũng vậy. Tôi đã để dành việc vô cùng quan trọng ấy cho ngày cuối tuần. Bởi vì tôi hiểu rằng đó phải là một cuộc nói chuyện nghiêm túc, để tôi hiểu được bé muốn gì và điều gì là tốt nhất cho bé.
Tôi đưa cho con một tờ giấy và hai mẹ con cùng ngồi viết ra những điều theo Lolo là cách dạy của Việt Nam và cách mà con muốn tôi dạy cháu. Cho đến bây giờ, tôi không còn nhớ mọi điều một cách cụ thể, nhưng cuối cùng hai mẹ con đã vạch ra ba điều khác nhau trong cách tôi dạy con và trường dạy con.
Lolo không thích những yêu cầu đòi hỏi của tôi, không thích chuyện tôi bắt con phải xưng hô với ông bà nội ngoại bằng “ông, bà”. Lolo thích chỉ gọi tên ông bà, như người Mỹ, Lolo muốn được tự do, không bị kiểm soát, làm mọi việc theo ý mình. Mẹ con tôi đã nói chuyện với nhau rất lâu. Đó là cuộc nói chuyện hết sức thẳng thắn và tôi phải dùng khá nhiều lý lẽ để con hiểu những điều như Lolo là người Việt Nam và vì vậy con không thể gọi tên ông bà bởi văn hóa Mỹ và văn hóa Việt Nam khác nhau.
Để cho cháu dễ hiểu, tôi bảo Lolo hãy xem con mèo, khi con đi học về, nó không thể nhảy lên mừng con như con chó, đó là sự khác nhau của chúng. Khi tôi nói vậy, con tôi bật cười vui vẻ và chấp nhận ý kiến của tôi. Chuyện con muốn gì là phải được cũng không thể nào chấp nhận mà tùy vào trường hợp, mẹ con mình sẽ cùng nhau xem xét.
Tôi cũng giải thích cho Lolo hiểu rằng không phải tất cả các bạn Mỹ và gia đình Mỹ xung quanh đều là chuẩn mực và vì thế, con cần hiểu cho đúng hai chữ “tự do”. Không phải lúc nào cũng có thể nói với mẹ “I don’t like it”. Chuyện chữ xấu của con, tôi đành phải bước đầu nhượng bộ bởi nếu không, đó sẽ là cuộc chiến tranh dai dẳng, Lolo sẽ bị stress. Hơn nữa, khi thầy cô chấp nhận được thì chắc chắn phải có lý do của nó.
Cuối cùng, tôi cũng cho con biết về quyền làm mẹ của mình. Có những điều chưa thể giải thích hết được thì Lolo phải tôn trọng quyền làm mẹ của tôi, nhất là khi quyền đó không ảnh hưởng đến tự do của con. Sau buổi nói chuyện, cả hai mẹ con tôi đều có cảm giác thoải mái.
Chúng tôi đã hiểu nhau, đã có được những thỏa thuận và nhượng bộ với nhau từng phần. Tôi cũng đã học được nhiều bài học từ buổi trò chuyện ấy, tìm ra được cách cư xử phù hợp với những tình huống chung và cụ thể. Khi trò chuyện với con, tôi cũng nhận ra nhiều điều để mình học. Là mình chú ý quá nhiều đến tiểu tiết.
Theo cách giáo dục của Mỹ, các thầy cô hết sức tôn trọng tự do của trẻ và luôn khuyến khích, giúp trẻ tự tin vào chính mình. Họ không kiểm tra, khắt khe với những tiểu tiết mà quan trọng là để cho trẻ được thoải mái bộc lộ con người mình, để trẻ được giải phóng tư duy.
Thay vì rèn chữ, họ dạy trẻ học văn, và đó là giáo dục lâu dài. Thay vì chê bai trẻ, dùng từ “sai” với trẻ, họ nói: “Con làm như thế tốt lắm, nhưng có thể làm cách này có khi còn tốt hơn”. Thay vì xếp hạng các cháu thì cuối kỳ học, rất nhiều bạn trong lớp nhận được huy chương, “huy chương người nhân hậu nhất”, “huy chương người biết quan tâm nhất”, “huy chương họa sĩ của lớp”… khiến trẻ cảm nhận được thế mạnh của mình và tự tin vào điều đó, hãnh diện về nhân cách sống của mình.
Từ buổi nói chuyện đó đến nay đã hơn sáu năm trôi qua, Lolo cùng tôi trở về Việt Nam sau khi tôi kết thúc chương trình học. Bé vào học trường quốc tế. Cách đây vài ngày, Lolo quyết định để kiểu tóc xòa hết mắt. Tôi không đồng ý. Lolo nói ở trường các bạn còn nhuộm tóc… Tôi dẫn con đến trước gương, chỉ cho cháu thấy rằng làm thế khuôn mặt cháu hết sức tối tăm. Cháu không đồng ý, giận dữ và rưng rưng nước mắt.
Cuối cùng tôi đồng ý cho con xõa một nửa, kẹp một nửa. Giờ đây, nếu bạn gặp Lolo, sẽ thấy cô bé với mái tóc biểu hiện cho một sự thỏa hiệp - nhượng bộ giữa hai mẹ con tôi. Để thấy rằng tôi và con đều đang cố gắng dung hòa giữa hai kiểu giáo dục và “cuộc chiến” đó sẽ còn tiếp diễn.
Song Văn (ghi theo lời kể của nhà thơ - họa sĩ Ly Hoàng Ly)